Một số địa phương công bố hết dịch tả lợn châu Phi

Sau vài tháng xuất hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn, đến nay, nhiều địa phương đã kiểm soát và công bố hết bệnh dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, đến nay, UBND các huyện, thị xã, thành phố ở Hưng Yên đã công bố 151 xã, phường thị trấn (100% số xã, phường, thị trấn công bố dịch tả lợn châu Phi) hết dịch tả lợn châu Phi.

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Hưng Yên từ ngày 1/2/2019 ở 774 thôn của 156 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố; đã có 151 xã, phường, thị trấn công bố dịch tả lợn châu Phi; các địa phương đã tổ chức tiêu hủy hơn 200 nghìn con lợn (hơn 11 nghìn tấn lợn).

Để tăng cường các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hiệu quả, nhất là dịch tả lợn châu Phi khi tái đàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên yêu cầu các địa phương chỉ đạo việc tái đàn và phát triển chăn nuôi đàn lợn trong thời gian tới, chỉ tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học; tái đàn theo lộ trình từng bước, tránh tái đàn ồ ạt.

Các hộ trang trại, cơ sở chăn nuôi có đủ điều kiện khi nhập lợn về nuôi phải khai báo với UBND cấp xã, phường, thị trấn và theo hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương. Rà soát, tổ chức việc tiêm phòng các loại vắc-xin bắt buộc cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động giám sát các loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là các khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết, tính đến cuối tháng 10/2019, toàn tỉnh Quảng Trị có 17 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch tả lợn châu Phi do đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.

Năm 2019, tại Quảng Trị, lĩnh vực chăn nuôi gặp không ít khó khăn như dịch bệnh lở mồm long móng nguy hiểm xảy ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, giá cả lợn hơi không ổn định, đặc biệt dịch tả lợn châu Phí xuất hiện và gây hại tại 117 xã, phường, thị trấn với 501 thôn, 9.593 hộ của 9 huyện, thị xã, thành phố; số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy gần 50.000 con với tổng trọng lượng 2.683,7 tấn...

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã chủ động trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời đến các cấp, ngành, địa phương và đông đảo người dân nhằm tổ chức công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng dịch, tổ chức tiêu hủy, khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi; lập hồ sơ hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại theo quy định và tái sản xuất sau dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Thống kê, báo cáo kịp thời diễn biến tình hình dịch, kết quả tiêu hủy lợn bệnh cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định và thông tin, tuyên truyền về thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn kịp thời giúp người chăn nuôi không bị tư thương ép giá; chỉ đạo tăng cường liên kết chăn nuôi theo chuỗi, chăn nuôi sinh học.

Nhờ vậy, thời gian qua ngành chăn nuôi đã có những chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng, các liên kết trong sản xuất chăn nuôi đảm bảo bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh đáp ứng số lượng sản phẩm lớn và chất lượng cao cho thị trường và đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh. Tổng đàn gia cầm tăng mạnh do tăng số lượng gia trại, trang trại, chăn nuôi gia cầm đang được tập trung hơn để bù đắp thiếu hụt sản xuất chăn nuôi do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 78 trang trại chăn nuôi lợn, bò và gia cầm, trong đó có 4 Hợp tác xã chăn nuôi, 48 trang trại chăn nuôi gia công, 64 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận trang trại, 3 trang trại chăn nuôi đã được cấp Giấy chứng nhận VietGap. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2019 tại Quảng Trị ước đạt 39.000 tấn.

Sau 5 tháng xuất hiện vi rút dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn, đến nay, nhiều xã, phường, trị trấn trong tỉnh Bình Thuận đã kiểm soát và công bố hết bệnh dịch.

Tính đến giữa tháng 11/2019, toàn tỉnh Bình Thuận có 9 xã, phường công bố hết dịch tả lợn châu Phi gồm: xã La Dạ, xã Hàm Chính (huyện Hàm Thuận Bắc); xã Tân Hải, Bình Tân, Tân Bình, Phước Lộc, Phước Hội (thị xã La Gi); xã Sông Phan và thị trấn Tân Nghĩa (huyện Hàm Tân). Ngoài ra, trong vòng 30 ngày qua trên địa bàn có 10 xã không phát sinh ổ dịch mới. Các huyện như Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam và Phú Quý là các địa phương chưa phát sinh dịch tả lợn châu Phi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, mặc dù, hiện nay dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng giảm nhưng mức độ giảm còn chậm và xuất hiện rải rác tại những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Vì vậy, ngoài việc tập trung triển khai các biện pháp dập dịch, tỉnh đang khuyến cáo người chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học để phòng, chống dịch và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi.

Để dập dịch, các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch; trong đó, thực hiện tốt việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc thường xuyên, tuân thủ các yêu cầu vệ sinh phòng dịch; bám sát từng địa bàn, đến từng hộ chăn nuôi để kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh đồng thời quản lý, kiểm soát các cơ sở giết mổ, kiên quyết xử lý nghiêm các hộ giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y để tránh lây lan dịch bệnh.

Song song với việc duy trì các chốt kiểm dịch tạm thời để đảm bảo kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm nhất là lợn ra vào tỉnh và ra vào vùng dịch, các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, chăn nuôi chủ động triển khai tổng hợp các nhóm giải pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp với sử dụng các chế phẩm vi sinh vật đã được công nhận lưu hành, đã kiểm chứng trên thực tế có tác dụng trong phòng chống bệnh.

Hiện nay, các huyện đang khuyến khích người chăn nuôi chuyển sang một số loại con nuôi khác như bò, gà, vịt, thủy sản... để đáp ứng bù sản lượng thịt từ lợn do bệnh dịch tả châu Phi và cân đối cung cầu thực phẩm, bảo đảm sinh kế cho người nông dân.

Theo Baochinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ