"Miễn" kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19 với người dân di chuyển trong TP Hồ Chí Minh

GD&TĐ - UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn về việc các trường hợp đi lại trong phạm vi TP do nhu cầu thật sự cần thiết thì các chốt kiểm soát không thực hiện việc kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

Cán bộ công an đang kiểm tra giấy tờ của người dân tại chốt trên đường Lê Văn Sĩ, Quận 3 trong chiều 9/7. Ảnh: LĐO.
Cán bộ công an đang kiểm tra giấy tờ của người dân tại chốt trên đường Lê Văn Sĩ, Quận 3 trong chiều 9/7. Ảnh: LĐO.

Theo thông tin từ Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh (HMC), Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Sở GTVT, Sở TT-TT, Công an TP Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân TP Thủ Đức và các quận huyện; Ban Quản lý các KCX-KCN; Ban Quản lý Khu Công nghệ cao về việc tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra việc triển khai thực hiện các biện pháp khẩn cấp về giao thông vận tải trong phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh yêu cầu đối với các trường hợp đi lại trong phạm vi TP.HCM do nhu cầu thật sự cần thiết (quy định tại Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2279 của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh) thì không thực hiện kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2.

Ủy ban nhân dân TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban Quản lý các KCX-KCN-KCNC cần tăng cường tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2279 của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh; yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết.

Chốt kiểm soát trên đường Hậu Giang giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận 6 được thành lập vào sáng 9/7. Ảnh: Văn Minh.
Chốt kiểm soát trên đường Hậu Giang giáp ranh giữa quận Bình Tân và quận 6 được thành lập vào sáng 9/7. Ảnh: Văn Minh.

Tổ chức tuần tra thường xuyên trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự, vi phạm trong việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, nhất là các trường hợp ra đường mà không có lý do chính đáng (chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết).

Bên cạnh đó, chủ động làm việc với các công ty, nhà máy, xí nghiệp được phép hoạt động trên địa bàn quản lý để phối hợp với các địa phương, các tỉnh giáp ranh với TP.HCM có công nhân, chuyên gia thường xuyên di chuyển qua lại giữa các địa phương để có giải pháp hạn chế đi lại (tổ chức ăn, nghỉ tại nơi sản xuất.

Tổ chức xe ô tô đưa rước tập trung công nhân, chuyên gia nhằm hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân lưu thông qua lại giữa các địa phương.

Tùy theo điều kiện làm việc cụ thể, xem xét điều chỉnh quy mô, quy trình sản xuất tại các phân xưởng nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ