Kinh tế tăng trưởng dương, thuộc nhóm cao nhất trong khu vực và trên thế giới

GD&TĐ - Tiếp tục phiên họp tại kỳ họp thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc đã trình bày Báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc tại kỳ họp thứ Nhất.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc tại kỳ họp thứ Nhất.

Trong báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc đã đánh giá chung về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Theo đó, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Con số này thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa chủ động tìm hướng đi mới trong xây dựng thể chế, chính sách. Chưa có nhiều đổi mới bứt phá cả về phương pháp quản lý điều hành và kết quả thực hiện nhiệm vụ…

Về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 có một số điểm lưu ý:

Lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí NSNN

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các giải pháp tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội như các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước (khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chủ động xây dựng và cập nhật các kịch bản tăng trưởng kinh tế để có phương án điều hành Ngân sách Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế. Thực hiện tốt quy định của pháp luật về thu Ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế.

Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, điều hành, sử dụng Ngân sách Nhà nước (Ngân sách trung ương tiết kiệm và cắt giảm dự toán ngân sách được khoảng 55 nghìn tỷ đồng, bằng 5% dự toán Quốc hội giao).

Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước…

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công

Hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư công đã được sửa đổi, phù hợp hơn với thực tiễn.

Thủ tướng Chính phủ giao toàn bộ kế hoạch đầu tư công vốn Ngân sách Nhà nước năm 2020 một lần theo tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định.

Kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang bộ, cơ quan, địa phương có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao góp phần vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020.

Giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%, chi đầu tư tăng lên 27,6% tổng chi ngân sách.

Chính phủ đã ban hành 17 Nghị định, 01 Quyết định, 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, sử dụng tài sản công giúp cho việc mua sắm, sử dụng tài sản công tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Năm 2020, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 187.426 cuộc thanh tra, kiểm tra. Phát hiện vi phạm về kinh tế 86.369 tỷ đồng, 6.366 héc ta đất; kiến nghị thu hồi nộp Ngân sách Nhà nước 23.843 tỷ đồng và thu hồi 830 héc ta đất.

Xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 62.526 tỷ đồng, 5.536 ha đất.

Bên cạnh đó, đã tiến hành xử lý hành chính đối với 2.123 tập thể và 485 cá nhân.

Ban hành 90.193 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 7.164 tỷ đồng. Chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý theo quy định 97 vụ, 99 đối tượng.

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên

Hệ thống pháp luật về quản lý đất đai tiếp tục được hoàn thiện, đã đưa hơn 63 nghìn héc ta đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế xã hội.

Chuyển dịch gần 76 nghìn héc ta đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị. Đã thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án, với diện tích gần 30 nghìn héc ta đất.

Công tác quản lý khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng tiếp tục chuyển biến tích cực hơn.

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động

Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế.

Cụ thể: Đã hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; năm 2020 đã thực hiện tinh giảm biên chế gần 24 ngàn người.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm).

Cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tiếp tục được mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các ngành, lĩnh vực có nhiều chuyển biến tích cực. .

Đến năm 2020 có khoảng 11.500 tiêu chuẩn Việt Nam, tỷ lệ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế được nâng lên khoảng 60%.

Vẫn còn những tồn tại

Theo đánh giá chung, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Điều này góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó còn tồn tại, hạn chế nhất định:

Một số bộ, ngành, địa phương chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 và chậm báo cáo kết quả so với thời hạn quy định.

Hơn nữa, hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ. Tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Đến ngày 31/12/2020 còn nợ 07 nghị định và 30 văn bản quy định chi tiết các luật. Pháp lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhưng chưa được ban hành.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ