Hà Nội cấm than tổ ong, lắp trạm rửa xe tự động cải thiện chất lượng không khí

GD&TĐ - Trong thông báo kết quả Hội nghị giao ban trực tuyến của UBND TP quý III/2019, văn phòng UBND TP Hà Nội chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. 

Thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo triển khai quyết liệt 11 nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Thời gian qua, Hà Nội đã chỉ đạo triển khai quyết liệt 11 nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Theo đó, thành phố đã hoàn thiện lắp đặt hơn 10 trạm quan trắc về môi trường ô nhiễm không khí và 8 trạm quan trắc về nước tại các ao, hồ, sông.

Triển khai đồng bộ công tác duy trì vệ sinh môi trường theo tiêu chí cơ giới hóa; thực hiện quét đường, hè bằng các xe quét hút thay thế thủ công giúp đường phố sạch rác, bụi, phong quang, giúp tăng năng suất, giảm sự nặng nhọc, vất vả của người lao động; xử lý một phần ô nhiễm ao hồ trên địa bàn bằng công nghệ mới.

Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch đến hết ngày 31/12/2020 không còn hộ sử dụng than tổ ong để giảm nguồn gây ô nhiễm không khí. 

Thành phố đã triển khai xây dựng dự án điện rác Sóc Sơn, sớm nhất đến tháng 10/2020 tổ chức khánh thành nhà máy đầu tiên với công suất 4.000 tấn.

Triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải nâng công suất lên 65%. Đưa các công nghệ mới vào xử lý rác thải rắn từ việc phá dỡ các tòa nhà trên địa bàn thành phố.

Thắt chặt quản lý đối với các công trình trong phạm vi phá dỡ cũng như quá trình xây dựng tất cả các xe ra/vào công trình phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường. Đã có kế hoạch bổ sung lắp đặt trạm rửa xe tự động tại các trạm xăng dầu.

Cùng với đó, thành phố thường xuyên kiểm tra các xe chở vật liệu xây dựng đi vào nội đô (3 năm qua các đơn vị đã xử phạt trên 8 tỷ đồng đối với các phương tiện vi phạm). Tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn môi trường cho người dân và các cơ quan doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với những khó khăn, thách thức về biến đổi về khí hậu; việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm đang chậm so với kế hoạch của Chính phủ; việc theo dõi đánh giá để đưa ra cơ sở khoa học về các vấn đề ô nhiễm, các giải pháp xử lý hiệu quả còn hạn chế; tiến độ triển khai lắp đặt trên 100 trạm quan trắc về không khí chậm...

Trước thực trạng trên, UBND TP Hà Nội đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai một số giải pháp cấp bách như tăng cường tuyên truyền đến các tổ dân phố, thôn, xóm thuộc các xã không đốt rơm rạ khi thu hoạch vụ mùa, không đốt rác, tập kết thu gom chở đến nơi xử lý; tích cực xử lý ô nhiễm tại các ao hồ và các thôn xóm.

Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ đấu thầu sớm lắp đặt các trạm quan trắc môi trường. Vận động người dân nâng cao ý thức trong việc thực hiện đề án 04 của Thành phố về các giải pháp giảm ô nhiễm từ nguồn khí thải của ô tô xe gắn máy.

Thành phố sẽ báo cáo Chính phủ và phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các nhà khoa học trong và ngoài nước để tiến hành khảo sát, đánh giá đưa ra những biện pháp, giải pháp khoa học và hiệu quả nhất trong công tác này trong thời gian tới.

Như Báo GD&TĐ đưa tin, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 1/10, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định đã thông tin về nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Người phát ngôn UBND TP Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí tại Hà Nội với nhiều nguyên nhân như: Khí xả thải từ ôtô, xe máy, bếp than tổ ong, khu vực xây dựng công trình; vận chuyển vật liệu, đốt rơm rạ; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ cơ sở sản xuất trên địa bàn TP và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa...

Theo ông Định, chất lượng không khí ở mức kém gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vào thời điểm đó, nhóm nhạy cảm gồm trẻ em, người già và những người mắc bệnh hô hấp cần hạn chế ở bên ngoài... Nếu phải ra ngoài người dân nên sử dụng khẩu trang đạt chuẩn để hạn chế ảnh hưởng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ