Dự án Nghĩa trang nhân dân TP Sơn La: Chưa tìm được tiếng nói chung

GD&TĐ - Gần 1 năm kể từ khi Sơn La có chủ trương xây dựng Nghĩa trang nhân dân, lò hỏa táng là chừng đấy thời gian hàng nghìn cán bộ, giảng viên, học sinh, sinh viên Trường ĐH Tây Bắc và các hộ dân có liên quan mất ăn, mất ngủ. Không đồng tình với cách lí giải của các cơ quan công quyền, Trường ĐH Tây Bắc cùng các hộ dân “gói trọn” tâm tư, nguyện vọng vào những lá đơn gửi lên Chính phủ và Quốc hội mong được giải đáp.

Hình ảnh do Trường ĐH Tây Bắc cung cấp cho thấy vị trí mà Sơn La dự định đặt nghĩa trang rất gần trường
Hình ảnh do Trường ĐH Tây Bắc cung cấp cho thấy vị trí mà Sơn La dự định đặt nghĩa trang rất gần trường

“Trời” có thấu?

Trong công văn gửi đến Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng và Thanh tra Chính phủ hôm 16/5, ngoài việc báo cáo những nỗ lực, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo của vùng Tây Bắc mấy chục năm qua, Trường ĐH Tây Bắc đã thêm một lần khẳng định, Sơn La có chủ trương thực hiện dự án nghĩa trang đa hình táng (cát táng, hung táng, hỏa táng) tại khu đất Phiêng Khá, bản Buổn, phường Chiềng Cơi đang giáp ranh với diện tích đất quy hoạch xây dựng Nhà trường và nằm trong đô thị.

Điều này không phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 07-10:2016/BXD; Không tuân thủ Luật Quy hoạch (Luật số 21/2017/QH14); Ảnh hưởng đến kiến trúc cảnh quan; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt, ô nhiễm không khí và phát sinh dịch bệnh. Điều nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến tâm lý dạy, học của các giảng viên và học sinh, sinh viên Trường ĐH Tây Bắc.

Minh chứng cho những lo ngại nói trên, các nhà khoa học ở Trường ĐH Tây Bắc đã có những phân tích, đánh giá và phản biện dựa trên cơ sở khoa học tại mỗi cuộc làm việc với các sở, ngành và chính quyền thành phố. Có ý kiến cho rằng, dường như phía cơ quan công quyền của tỉnh này vẫn “nhắm mắt, bịt tai” và quyết tâm triển khai cho được.

Trong vỏn vẹn 5 trang A4 mà ông Đoàn Hùng Tuyến, cựu giáo chức, thương binh hạng 4/4 đại diện cho 112 hộ gia đình (trong đó có nhà khoa học, hội viên hội cựu giáo chức, nhân dân) ở các phường Quyết Tâm, Quyết Thắng, Chiềng Cơi, Chiềng Sinh và xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La khiếu nại với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội cách đây gần chục ngày đã bày tỏ những lo ngại về ảnh hưởng của nghĩa trang đến cuộc sống, sinh hoạt trong tương lai.

Các hộ còn bày tỏ nỗi bức xúc, mong các cơ quan Trung ương sớm làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Sơn La trong việc giải quyết đơn khiếu nại của công dân, trong đó có Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La, Bí thư tỉnh ủy. Họ còn mong muốn các cơ quan Trung ương sớm làm rõ những sai phạm trong quá trình triển khai dự án xây dựng nghĩa trang, lò hỏa táng. Trong đơn thư, ông Tuyến cho biết, dự án Nghĩa trang TP Sơn La chưa có dự án phê duyệt, chưa có đánh giá tác động môi trường và chưa lấy ý kiến nhân dân nhưng một số hạng mục như: Giải phóng mặt bằng, phá núi, làm đường, kéo điện, dựng nhà ở cho công nhân... đã được triển khai.

Đã thỏa đáng?

Trước những bức xúc, kiến nghị của nhân dân, gần đây trong báo cáo 117/BC-SXD ngày 14/4/2019, Sở Xây dựng Sơn La, tiếp tục “khẳng định”: “Theo quy hoạch được duyệt, vị trí lập quy hoạch nghĩa trang thành phố thuộc khu vực ngoại thành, khu vực này không nằm trong chiến lược phát triển đô thị của thành phố đến năm 2030; đồng thời khu vực có yếu tố địa hình chủ yếu là dãy núi cao, nằm biệt lập với các khu chức năng khác nên được đánh giá không có khả năng để phát triển đô thị”.

Liên quan đến khoảng cách an toàn về môi trường, Sở Xây dựng viện dẫn các quy định tại khoản 6.1 Chương VI, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008/BXD.

Điều đáng quan tâm nhất hiện nay, trong báo cáo này, Sở Xây dựng thêm một lần nhấn mạnh: “Dự án Nghĩa trang TP Sơn La là một trong những dự án quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, là tiêu chí về môi trường giúp thành phố Sơn La đạt các tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh”. Cách đây mấy hôm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La đã “rầm rộ” tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Sơn La là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Sơn La.

Trước đó, hôm 22/3, chính ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã phát đi Văn bản số 868/UBND-KT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), mong muốn cơ quan này giới thiệu cho tỉnh Sơn La về công nghệ, loại hình lò đốt hoả thiêu tiên tiến nhất đang được áp dụng bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường hiện tại cũng như lâu dài. Thứ hai, giới thiệu đơn vị tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án nghĩa trang nhân dân theo quy định.

Ngày 19/4, trong công văn phúc đáp, Bộ TN&MT đã đề nghị tỉnh Sơn La liên hệ với cơ quan quản lý về công nghệ, thị trường công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để được hướng dẫn, hỗ trợ về công nghệ, loại hình lò hỏa táng tiên tiến. Đồng thời giới thiệu Sơn La tìm hiểu ở một số địa phương như Hà Nội, Phú Thọ, Bình Dương để tìm hiểu công nghệ lò hỏa táng và kinh nghiệm trong việc quản lý, bảo vệ môi trường cũng như các đơn vị đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho các dự án nghĩa trang, công viên vĩnh hằng.

Trong khi đó, ngày 10/5, UBND TP Sơn La đã truyền đi thông báo số 220/TB-UBND công khai lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Khu đất an táng và cho thuê đất xây dựng công trình chức năng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, giao thông cây xanh cảnh quan, Dự án xây dựng Nghĩa trang nhân dân thành phố tại phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La với tổng diện tích 193.198m2, giá khởi điểm là gần 41 tỷ đồng. Trong đó, có hai khu đất gồm: Khu an táng và khu công trình chức năng dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, giao thông cây xanh cảnh quan.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.