Đổi kẹo lấy… máy bay: Chuyện thật như... đùa

GD&TĐ - Mới đây, một doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất đổi số bánh kẹo trị giá khoảng 3 tỷ đồng để lấy máy bay Boeing 727 bị “bỏ quên” tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, “thương vụ” này khó thành hiện thực do Cục Hàng không Việt Nam đã… từ chối.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bỏ quên hàng chục năm

Tại Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) nhiều năm nay đã có một máy bay nằm “phơi sương, phơi nắng”. Đây là chiếc Boeing B727-200 của Campuchia “bỏ rơi” từ năm 2007. Chiếc máy bay trên từng thuộc sở hữu của Hãng hàng không Royal Khmer Airlines - Campuchia. Ngày 1/5/2017, chiếc máy bay này gặp sự cố kỹ thuật và phải đỗ lại Sân bay Nội Bài. Tuy nhiên, sau đó hãng hàng không này tuyên bố phá sản và từ đó đến nay chiếc Boeing 727 này trở thành “vô thừa nhận”.

Ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, từ ngày bị “bỏ rơi”, chiếc máy bay này vẫn nằm im tại chỗ và chưa được di chuyển đi vị trí khác. Theo ông Phương, một số đơn vị trong ngành hàng không ngỏ ý quan tâm tới chiếc máy bay để phục vụ diễn tập cứu hộ, phòng cháy chữa cháy, diễn tập chống khủng bố hoặc làm giáo cụ đào tạo. Bên cạnh đó, cũng có một số đơn vị quan tâm hỏi mua lại nhưng số phận của chú “chim sắt” vẫn chưa được định đoạt.

Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết thêm, hiện có 2 phương án để xử lý là bán đấu giá hoặc giao cho Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Cục Hàng không đang nghiêng về phương án giao cho ACV, cụ thể là Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài nhằm phục vụ diễn tập, bởi đây là đơn vị đang trực tiếp quản lý, việc giữ máy bay tại chỗ sẽ giảm thiểu chi phí vận chuyển.

Khó xử lý

Liên quan đến chiếc máy bay bị “bỏ rơi”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đang rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Cơ quan này đã từng có văn bản đề nghị nhà chức trách hàng không Campuchia có biện pháp đưa máy bay về nước để “giải phóng” vị trí đỗ tại Sân bay Nội Bài.

Tuy nhiên, Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia cho biết, giấy chứng nhận người khai thác tàu bay của Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, đồng nghĩa với việc máy bay B727-200 này đã bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Cơ quan này đề nghị Cục Hàng không Việt Nam xử lý chiếc máy bay Boeing 727 theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Năm 2017, Chính phủ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing B727-200 của Campuchia tại Nội Bài, giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc bán đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, về phương án bán đấu giá, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chiếc máy bay có tuổi cao, sản xuất từ nhiều thập kỷ trước và hiện không còn được sử dụng phổ biến nữa thì không có chiếc cùng loại để so sánh.

Hơn nữa, việc thanh lý máy bay ở Việt Nam chưa có tiền lệ nên gặp nhiều khó khăn. Trước đó, cơ quan thẩm định giá đã “chào thua” vì chiếc máy bay không có đủ hồ sơ, tài liệu để định giá. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam không có cơ sở đưa ra giá khởi điểm để thực hiện đấu giá tài sản...

Đổi máy bay lấy… bánh kẹo

Trước đó, Công ty Tiffson đã gửi đề nghị muốn dùng số bia, rượu, bánh, kẹo… trị giá 3 tỷ đồng đổi lấy máy bay Boeing 727 đã bị bỏ lại 12 năm tại S`ân bay Nội Bài. Đại diện Tiffson, bà Mai Thị Thanh Thủy cho biết, muốn sử dụng chiếc máy bay làm nhà hàng hoặc điểm vui chơi.

Tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam đã từ chối vì cho rằng không có cơ sở pháp lý để trao đổi máy bay bằng hàng hoá trị giá 3 tỷ đồng. Theo đó, công văn do ông Đào Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ký trả lời Tiffson thì máy bay bị bỏ lại Nội Bài không được phép thực hiện bằng hình thức trao đổi tài sản. Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam không có cơ sở pháp lý để trao đổi theo đề nghị của Tiffson.

Trước đây, Học viện Hàng không Việt Nam cũng từng đề nghị xin chiếc Boeing 727 bị bỏ lại về làm giáo cụ thực hành. Hiện tại, vẫn chưa thể có hướng giải quyết chiếc máy bay này. Thậm chí, sau 12 năm “phơi mưa, phơi nắng”, máy bay đã hết khả năng bay và không thể khôi phục.

Máy bay Boeing 727-200 bị bỏ lại Sân bay Nội Bài từ ngày 1/5/2007. Sau 12 năm, Cục Hàng không Việt Nam vẫn chưa quyết định phương án xử lý. Trong khi đó, tổng cộng tiền dịch vụ đậu sân bay, dịch vụ bảo vệ máy bay, số tiền phía chủ sở hữu máy bay nợ dịch vụ đến tháng 4/2018 đã lên tới hơn 832.000 USD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ