Đê biển Tây bị uy hiếp nghiêm trọng

GD&TĐ - 50 km đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang bị nước biển uy hiếp nghiêm trọng. Theo nhận định của cơ quan chức năng, với tình hình thời tiết cực đoan như hiện tại, đê có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Lực lượng chức năng túc trực gia cố đê
Lực lượng chức năng túc trực gia cố đê

Mặc dù, tuyến đê này vừa được gia cố với cao trình hơn 3m, được đầu tư kè chắn sóng, kè bảo vệ chân đê nhưng thời tiết cực đoan trong những ngày qua khiến con đê có nguy cơ “thất thủ”.

Tại tuyến đê phòng hộ ven biển Tây, địa phận xã Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), vào chiều 3/8, sóng lớn cùng nước biển dâng cao đột ngột đánh liên tục vào đê, gây tràn qua mặt và sạt lở nghiêm trọng khoảng 300m. Cũng tại tuyến đê này, đoạn qua xã Khánh Tiến (huyện U Minh) cũng sạt lở nghiêm trọng.

Trước nguy cơ vỡ đê, lực lượng chức năng địa phương gồm bộ đội biên phòng, công an, quân sự huy động nhân lực, máy móc gia cố phần thân đê bị sạt lở. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, tình trạng sóng biển dâng cao, vượt qua mặt đê, là điều bất ngờ và chưa từng xảy ra tại Cà Mau. Từ ngoài tuyến đê, sóng biển vượt qua kè chắn sóng, vượt qua mặt đê, tràn vào vùng ngọt hóa.

Ông Nguyễn Long Hoai - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết: “Triều cường cao cộng với sóng quá lớn gây tác động vào đê biển, làm sạt lở các mái đê rất nghiêm trọng. Nếu không có giải pháp cụ thể thì có thể vỡ đê bất cứ lúc nào”. Nói về tình hình hộ đê, ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay: “Ngay khi hay tin đê có nguy cơ bị nước biển uy hiếp, địa phương cử ngay lực lượng để ứng phó. Tỉnh đã huy động động nhân lực, vật lực, tập kết đầy đủ phương tiện, ngay trong đêm để hộ đê. Trước mắt gia cố bằng cách dùng bao đất, cát để chèn lấp, bằng mọi giá giữ an toàn tuyến đê biển”.

Lực lượng chức năng tỉnh Cà Mau đang túc trực, gia cố các đoạn đê có nguy cơ sạt lở cao. Đặc biệt là đoạn Ba Tĩnh - Kinh Mới dài 12,5km, đoạn kè Đá Bạc - Kinh Mới dài 356m. Trước tình hình thời tiết cực đoan, mưa to, sóng lớn, gió mạnh, thủy triều dâng cao bất thường... toàn tuyến đê biển Tây có chiều dài khoảng 50km có thể xảy ra sạt lở bất cứ lúc nào.

Theo ông Nguyễn Long Hoai, những đoạn đê không có rừng phòng hộ bảo vệ thì giải pháp hiệu quả nhất là bảo vệ mái đê bằng thảm bê tông. Khi chân đê được gia cố, cộng thêm thảm bê tông bảo vệ mái đê, nếu sóng cao vượt qua đỉnh kè thì đê vẫn an toàn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ