Đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ cháy ở Rạng Đông

GD&TĐ - Liên quan đến vụ cháy xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo đẩy nhanh công tác điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan…

Công nhân dọn dẹp đống đổ nát sau vụ hỏa hoạn.
Công nhân dọn dẹp đống đổ nát sau vụ hỏa hoạn.

Giao Bộ Công an điều tra

Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc xử lý hậu quả vụ cháy Rạng Đông. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng làm rõ phạm vi, giới hạn khu vực ô nhiễm môi trường, mức độ ô nhiễm, nguyên nhân, trách nhiệm liên quan; đồng thời có các biện pháp khắc phục, tiếp tục theo dõi, quan trắc diễn biến chất lượng môi trường.

TP Hà Nội cũng được giao chỉ đạo các cơ quan đơn vị chức năng khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó sự cố; tổ chức theo dõi thăm khám sức khoẻ kịp thời cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng của sự cố. “Có biện pháp trước mắt giúp Công ty Rạng Đông phục hồi sản xuất. Về lâu dài tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời công ty này và các cơ sở, nhà máy có sử dụng hoá chất độc hại, nguy hiểm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung dân cư theo kế hoạch được chỉ đạo” - văn bản nêu rõ.

Theo chỉ đạo, TP Hà Nội làm đầu mối công khai kịp thời thông tin về sự cố môi trường, chủ động phối hợp với Bộ TT&TT để cung cấp thông tin kịp thời, chính xác. Ngoài ra, thống nhất với Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan để ra khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng ngừa bảo vệ cho nhân dân khu vực ảnh hưởng của sự cố.

Bộ TN&MT tiếp tục hỗ trợ Hà Nội thực hiện khảo sát, đánh giá phạm vi mức độ ô nhiễm để yêu cầu thu gom, xử lý các chất thải nguy hại phát sinh do vụ cháy; hướng dẫn phương án, cải tạo khu vực bị ô nhiễm. Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo đẩy nhanh công tác điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nhập khẩu, quản lý và sử dụng hoá chất; cung cấp thông tin, số liệu về nhập khẩu, sử dụng hoá chất thuỷ ngân và hàm lượng thuỷ ngân có trong bóng đèn huỳnh quang, compact của Công ty Rạng Đông gửi Bộ TN&MT và UBND TP Hà Nội.

Bộ Tài chính được yêu cầu cung cấp cho Hà Nội và Bộ TN&MT thông tin về khối lượng thuỷ ngân lỏng và viên Amalgam được Công ty Rạng Đông nhập về làm nguyên liệu sản xuất.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với UBND TP Hà Nội đánh giá phạm vi, mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân; xây dựng chương trình theo dõi, khám sức khoẻ thường xuyên cho người dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu đánh giá và quản lý các rủi ro môi trường sau sự cố cũng như khả năng tác động của thuỷ ngân hữu cơ hình thành ngay sau sự cố…

Bộ TN&MT lý giải việc rút thông tin

Chiều 10/9, bản tin trên cổng thông tin của Bộ TN&MT (www.monre.gov.vn) đã truy cập được trở lại dù trước đó, dư luận bất ngờ khi cơ quan này rút thông tin về kết quả quan trắc chất lượng môi trường sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Tuy nhiên, một số nội dung đã được sửa đổi, những từ được cho là “nhạy cảm” đã không còn.

Theo nội dung mới, vụ hỏa hoạn đã làm cháy khoảng 6.000m2 kho chứa sản phẩm (gồm bóng đèn huỳnh quang: 480 nghìn sản phẩm, chủ yếu là loại đèn dài 1,2m, sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng với hàm lượng là 20mg/bóng; bóng đèn compact: 1,6 triệu sản phẩm, sử dụng 1 viên Amalgam/bóng đèn trọng lượng khoảng 11,5 mg, hàm lượng Hg khoảng 22 - 30%; bóng đèn tròn công suất thấp dùng sợi đốt vonfram: 2 triệu sản phẩm), nguyên liệu và một số loại hóa chất độc hại khác…

Bản tin cũng có nội dung, để xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người dân, Bộ TN&MT đã đề nghị Công ty Rạng Đông khẩn trương thực hiện các biện pháp cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường. Tổng cục Môi trường cũng khẳng định, sẽ tiếp tục cập nhật và công khai kết quả quan trắc chất lượng môi trường tới người dân.

Về việc thay đổi một vài từ “nhạy cảm” ở bản tin trước đó, một lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết, sự thay đổi thông tin thủy ngân trong không khí tại khu vực Công ty Rạng Đông cao vượt ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từ 10 - 30 lần (ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người) là vì có sự “so sánh khập khiễng về tiêu chí”, không phù hợp. Bên cạnh đó, chi tiết “Tổng cục Môi trường phải “đấu tranh” với lãnh đạo Công ty Rạng Đông thì công ty mới thừa nhận dùng thủy ngân lỏng trong sản xuất bóng đèn huỳnh quang...”, vị này lý giải, bỏ cụm từ “đấu tranh” đi để cho phù hợp hơn.

Di dời nhà máy, khử độc

Theo thông tin từ Bộ TN&MT, đến nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Binh chủng Hóa học vào cuộc phối hợp với TP Hà Nội và Bộ TN&MT tiêu tẩy độc khu vực Công ty Rạng Đông, sau khi UBND TP Hà Nội có văn bản đề nghị giúp đỡ. Binh chủng Hóa học cũng đã sẵn sàng về nhân lực, vật lực, chỉ còn đợi thống nhất phương án triển khai. Dự kiến, việc tiêu tẩy độc khu vực Công ty Rạng Đông sẽ thực hiện trong một vài ngày tới.

Ở một diễn biến khác, ngày 10/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Văn bản hỏa tốc số 3898/UBND-ĐT về việc tiếp tục thực hiện một số giải pháp khắc phục hậu quả vụ cháy tại số 87-89 Hạ Đình. Văn bản nhấn mạnh việc tổ chức tẩy độc toàn bộ khu vực; đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới theo quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/1/2015 của Thủ tướng. Công ty Rạng Đông có trách nhiệm ký hợp đồng thu gom toàn bộ các chất thải do vụ cháy gây ra, vận chuyển đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại theo đúng quy định. Phối hợp cùng với Bộ Tư lệnh Hóa học tiến hành tẩy độc ngay toàn bộ khu vực hiện trường vụ cháy và vùng lân cận, bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường.

Theo Sở Y tế Hà Nội, đã có 1.443 người dân sống, làm việc ở gần khu vực xảy ra vụ cháy được khám, tư vấn sức khỏe miễn phí, trong đó 580 người có nhu cầu được chuyển lên bệnh viện tuyến trên xét nghiệm, theo dõi. Trong đó, Bệnh viện ĐK Xanh Pôn đã tiếp nhận 185 người trong vùng ảnh hưởng bởi vụ cháy đến khám và làm các xét nghiệm sàng lọc nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân; Bệnh viện ĐK Đống Đa tiếp nhận 106 trường hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn 17 trường hợp.

Dự kiến sau đợt khám miễn phí (kéo dài tới 12/9), ngành Y tế Hà Nội sẽ phối hợp với Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân triển khai khám sức khoẻ miễn phí với học sinh Trường Tiểu học Hạ Đình, Trường THCS Hạ Đình và các trường mẫu giáo, nhà trẻ nằm trong vùng ảnh hưởng bởi vụ cháy. Việc khám sức khỏe sẽ được tiến hành kỹ lưỡng, trong trường hợp cần thiết có thể làm một số xét nghiệm thủy ngân máu, lấy mẫu nước tiểu 24 giờ, thậm chí mở rộng việc khám sức khỏe đối với giáo viên của nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh hào hứng dưới sự chỉ dẫn của nghệ nhân.

Truyền dạy văn hoá Hrê trong trường học

GD&TĐ - Tại huyện miền núi Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) nhiều lớp dạy cồng chiêng, múa hát dân ca,… được tổ chức để truyền dạy cho thế hệ con em người Hrê.
Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.