Đại biểu Quốc hội: Công bằng phải được đảm bảo bằng công lý

GD&TĐ - Nhiều ĐBQH thống nhất cao với kết quả của Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tối cao trong lĩnh vực thi hành án của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn mà cử tri, người dân quan tâm cần được khắc phục.

 Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) phát biểu tại nghị trường. Ảnh Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) phát biểu tại nghị trường. Ảnh Quốc hội.

Giảm bớt sự chờ đợi của người dân

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng): Vẫn còn đâu đó những băn khoăn, trăn trở của cử tri và nhân dân về những hạn chế, bất cập đối với những hoạt động của các Cơ quan tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đó là, trong án hình sự có những vụ án lớn, án điểm đã được xử lý tốt, theo báo cáo của Tòa án thì xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, kết án oan người không có tội. Nhưng dường như đâu đó vẫn còn dư âm của một số vụ án gây tranh cãi đã được dư luận quan tâm về quyền con người trong tố tụng, về việc áp dụng các nguyên tắc về điều tra, truy tố và xét xử trong tố tụng hình sự.

Đề nghị trong báo cáo của các cơ quan tư pháp cần phải đánh giá đầy đủ và chặt chẽ một cách khách quan hơn.

Đại biểu đại diện đoàn Lâm Đồng cũng nêu rõ: Về chất lượng của công tác kiểm sát trong hoạt động điều tra các vụ án hình sự, vấn đề kiểm sát tạm đình chỉ điều tra công tác của các cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần được quan tâm hơn.

“Báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thẳng thắn nhìn nhận, dư luận, cử tri cho rằng, số lượng vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp đã được phát hiện, khởi tố, điều tra trung bình 50 vụ/năm là chưa thực sự phản ánh đúng tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Chúng ta cần phải rút ra một bài học kinh nghiệm trong vấn đề này, góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp và trong hoạt động tư pháp tố tụng nói riêng” – đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ.

Đồng thời, đại diện đoàn Lâm Đồng cũng băn khoăn: Đối với ngành tòa án thì chất lượng giải quyết, xét xử các loại án vẫn là vấn đề được cử tri quan tâm. Thời gian qua, tình trạng giải quyết các vụ án dân sự kéo dài hơn rất nhiều so với các thời hạn được quy định trong luật tố tụng. Tất nhiên, trong đó có nhiều vụ án bị tạm đình chỉ với nhiều lý do khác nhau cũng là vấn đề đặt ra để có hướng giải quyết trong thời gian tới, giảm bớt sự chờ đợi của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cũng còn nhiều vấn đề mà người dân, cử tri quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Tạo nêu ví dụ: “Có những vụ án trải qua các thủ tục sơ thẩm, tái thẩm và giám đốc thẩm từ 2 đến 3 vòng, có vụ kéo dài từ 5 năm đến 10 năm, có trường hợp bản án, quyết định của Tòa án xét xử không đúng. Tòa án cấp tỉnh đã có công văn đề nghị nhưng cấp có thẩm quyền vẫn không hoặc chậm kháng nghị theo quy định.

Theo luật thì trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm không phải là một cấp xét xử, nhưng thiết nghĩ đây là một khâu rất quan trọng, ảnh hưởng đến niềm tin vào công lý và pháp chế xã hội chủ nghĩa của người dân. Tôi tha thiết đề nghị ngành tòa án, ngành kiểm sát cần có những giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề này”.

Muốn có công bằng thì phải có công lý

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP Hồ Chí Minh.

Tại nghị trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa – TP Hồ Chí Minh nêu: Khi có tranh chấp vi phạm, khi người dân bị bắt nạt, bị lừa đảo, bị xâm hại, họ chờ đợi nhà nước mà trực tiếp là các cơ quan tiến hành tố tụng khôi phục công bằng cho họ. Nghĩa là, ban hành một quyết định, một phán quyết dựa trên công lý và tượng trưng cho công lý. Muốn có công bằng thì phải có công lý. Bởi vì công bằng phải được bảo đảm bằng công lý và đó là nhiệm vụ chủ yếu của quyền tư pháp.

Niềm tin vào quyền tư pháp là một bộ phận hữu cơ của niềm tin vào chế độ. Những điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, có vinh dự gánh trọng trách giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng của mình. Muốn vậy thì họ phải giữ được liêm chính như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm của các nước, kể cả của ông cha ta, để giữ được liêm chính thì phải dưỡng liêm. Cách dưỡng liêm có hiệu quả nhất là cùng với sự tu dưỡng, rèn luyện của các cá nhân, nhà nước phải bảo đảm thu nhập cho họ, ít nhất là ở mức trung bình của xã hội. Ngay cả ở các nước phát triển nhất làm quan tòa thì không thể giàu, nhưng nhà nước không thể để cho họ thuộc tầng lớp nghèo trong xã hội.

“Năm 1986 GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 100 đôla; năm 2020 là 3.500 đôla, tăng 35 lần. Chúng ta thử hỏi lương của thẩm phán và kiểm sát viên đã tăng lên tương xứng hay chưa. Nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng cùng với quy trình tuyển chọn và thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì tôi tin rằng cử tri và nhân dân sẽ có được điều mà họ luôn mong ước.

Đó là người lương thiện, người vô tội chắc chắn sẽ được công lý bảo vệ dù họ giàu hay nghèo. Công lý thì không bao giờ được phép là đối tượng mua bán, như Nguyễn Du đã mô tả trong truyện Kiều thời xưa. Khi đó, người dân không cần đi tìm xem Bao Công trong phim Trung Quốc, bởi vì đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương, bằng thịt trong mỗi tòa pháp đình của đất nước Việt Nam thân yêu”

Tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn. Ảnh Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn. Ảnh Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn – đoàn Tiền Giang cho biết: Nhìn chung, tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân đã tiếp tục được kiện toàn, chất lượng hoạt động ngày càng tiến bộ, bảo vệ tốt hơn lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, ban hành nghị quyết của Hội đồng, thẩm phán hướng dẫn các luật trong lĩnh vực tư pháp ban hành án lệ được quan tâm với nhiều cách làm mới sáng tạo, huy động sự tham gia của đông đảo các luật sư, luật gia được các chuyên gia, nhà khoa học. Đặc biệt là các cán bộ tố tụng với luật sư đón nhận, tính công khai, minh bạch trong hoạt động xét xử được tăng cường.

Tuy nhiên, trong công tác xét xử các vụ án hình sự, tỷ lệ bản án, quyết định về hình sự bị hủy do lỗi chủ quan vẫn chưa giảm đáng kể. Năm 2018 là 0,6%; năm 2019 là 0,61%; năm 2020 là 0,59% vẫn còn trường hợp cho hưởng án treo không đúng pháp luật, áp dụng tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

“Tôi cho rằng, tòa án nhân dân các cấp cần tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát, sớm phát hiện những trường hợp chưa chính xác khác. Bên cạnh đó, thắt chặt kỷ cương, cương quyết không để xảy ra tình trạng vi phạm thời gian chuẩn bị xét xử, thời hạn hoãn phiên tòa, thời hạn gửi văn bản tố tụng cho Viện kiểm sát nhân dân và những người tham gia tố tụng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ