Cơ hội thu nhập cao với ngành công nghiệp không khói

GD&TĐ -  Du lịch đang chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, nhân lực trong ngành này luôn nằm trong top có mức thu nhập cao, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, dễ tìm được việc làm khi ra trường… Với sự hấp dẫn như vậy, nên du lịch được nhiều bạn trẻ hướng đến khi chọn trường, chọn nghề.

Sinh viên sau khi ra trường dễ tìm kiếm cơ hội việc làm
Sinh viên sau khi ra trường dễ tìm kiếm cơ hội việc làm

Cơ hội việc làm và thu nhập cao

TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội cho biết: Năm 2017, có khoảng 13.000 thí sinh đăng ký thi vào khoa nhưng trường chỉ có thể lấy 150 chỉ tiêu đào tạo. Năm 2018 có hơn 9.000 thí sinh đăng ký đầu vào nhưng chỉ có 180 thí sinh được lựa chọn. Năm 2019, khoa Du lịch học chỉ có 180 chỉ tiêu cho dù lượng thí sinh đăng ký vào khoa trong những năm gần đây luôn ở mức đông gấp nhiều lần so với mức tuyển.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đến năm 2020 cần 870.000 lao động có chất lượng.

Năm 2018 Việt Nam đón khoảng 15,4 triệu khách quốc tế đến tham quan du lịch. Năm 2019 dự kiến đón 18 triệu khách. Tốc độ tăng trưởng ngành du lịch Việt từ năm 2015 đến nay luôn tăng trưởng cao, ở mức 20 - 25% năm.

Từ thực tế tuyển sinh đến tốc độ tăng trưởng cho thấy, ngành du lịch Việt Nam đang là một ngành có nhu cầu cao về nguồn nhân lực. Thu nhập bình quân của ngành du lịch cũng khá tốt từ 6 - 10 triệu/tháng chưa kể những khoản thu nhập phụ như tiền thưởng, tiền phục vụ từ đơn vị quản lý và khách hàng trả và “tip” thêm.

Chị Lê Thanh Bình – hướng dẫn viên du lịch tiếng Pháp chia sẻ: Hướng dẫn viên du lịch thường có mức thu nhập bình quân cao nhất trong ngành du lịch; Đặc biệt với hướng dẫn viên các đoàn tham quan nước ngoài và dẫn đoàn người nước ngoài tham quan du lịch trong nước.

Khi dẫn đoàn ở các thị trường lớn, mỗi ngày tiền tip cho hướng dẫn viên du lịch khoảng 7USD. Mỗi chuyến hướng dẫn trong vòng 1 - 2 tuần của hướng dẫn viên du lịch có thể kiếm vài chục triệu. Dẫn khách du lịch nước ngoài du lịch trong nước có thể kiếm 60 - 70 triệu đồng/tour 15 ngày.

Tuy nhiên không phải hướng dẫn viên nào cũng đạt được mức thu nhập cao đó mà thường là những người làm nghề tốt. Hướng dẫn viên nội địa vất vả hơn nhưng cũng có tiền cứng khoảng 500 – 600 nghìn đồng/ngày cộng thêm tiền tip. Nhiều hướng dẫn viên với kinh nghiệm và sự phục vụ nhiệt tình hoàn toàn có thể kiếm 500 – 700 nghìn đồng/ngày từ khách du lịch.

Với quản lý nhân sự khách sạn, mức lương trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng cho người mới ra trường. 10 - 20 triệu đồng cho người có kinh nghiệm. Đặc biệt, với quản lý bộ phận thì lương cao hơn thế rất nhiều.

Nhìn chung, du lịch vẫn đang là ngành có mức thu nhập khá cao cho người lao động. Cơ hội tìm kiếm việc làm cũng không quá khó khăn. Nhiều SV đang học năm thứ nhất đã có thể tìm được việc làm thêm. SV tốt nghiệp ra trường cũng dễ tìm được cơ hội việc làm có mức thu nhập ban đầu tốt hơn nhiều ngành nghề khác.

Trong khi đó, nguồn nhân lực cho ngành du lịch ngày càng đòi hỏi cao về số lượng và chất lượng, nhưng công tác đào tạo ngành du lịch vẫn chưa thể đáp ứng hết đòi hỏi nguồn nhân lực.

“Tỉnh táo” để chọn đúng nghề

Hướng dẫn viên du lịch có thu nhập khá cao
Hướng dẫn viên du lịch có thu nhập khá cao 

Nếu các bạn học sinh đang đứng trước lựa chọn nghề nghiệp thuộc kiểu người năng động tự tin, giỏi xử lý tình huống; thích đi du lịch, đam mê khám phá những điều mới lạ; có tư chất quản lý, khả năng giao tiếp tốt… thì ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ là sự lựa chọn hàng đầu.

Ngoài ra, trong quá trình học và thực hành, SV cũng được đào tạo tiếng Anh. Đây là một kỹ năng không thể thiếu ở thời kỳ hội nhập và trong ngành Quản trị lữ hành.

Khi có vốn tiếng Anh chắc, khả năng giao tiếp chuyên nghiệp, tự tin, giỏi xử lý tình huống, không ngừng học hỏi và sử dụng thành thạo ít nhất hai ngoại ngữ trở lên thì việc đạt mức thu nhập cơ bản cao trong ngành “công nghiệp không khói” không quá khó khăn.

Theo TS Phạm Hồng Long: Với sự phát triển của ngành du lịch như hiện nay thì khoa Du lịch vẫn là xu thế lựa chọn của đông đảo bạn trẻ khi chọn nghề, chọn trường. SV ra trường dễ kiếm việc, khi đạt tới vị trí nhất định trong nghề thì lương cao...

Tuy nhiên, trong lĩnh vực sự kiện và lữ hành khách sạn để có mức lương cao… thì người làm phải lên tới vị trí quản lý cao cấp mới có mức lương tốt. Đạt được như vậy, nhiều người phải mất 5 - 7 năm cống hiến. Thu nhập trong ngành du lịch có thể cao nhưng không dành cho những ai nóng vội, thiếu ý chí phấn đấu, sự chăm chỉ, trau dồi học hỏi, có sự đầu tư và vươn lên trong nghề...

Mặt khác, theo TS Phạm Hồng Long: Một số trường đang tuyển sinh đào tạo ngành du lịch ào ạt theo nhu cầu thị trường nhưng vượt quá năng lực đào tạo. Như vậy không chỉ thiếu bền vững về chất lượng đào tạo mà còn thiếu bám sát nhu cầu thị trường về số lượng và chất lượng. Ở thời điểm này có thể cần nguồn nhân lực lớn cho ngành du lịch nhưng các năm sau nữa sẽ có sự thay đổi về số lượng cũng như yêu cầu về chất lượng.

Như vậy, không chỉ bản thân các trường đào tạo ngành du lịch cần nhìn nhận lại trong vấn đề đào tạo để đảm bảo về chất lượng. Người học cũng cần có sự lựa chọn dựa trên những tìm hiểu kĩ càng.

Thay vì chọn đào tạo trong các trường ĐH thì có thể chọn các trường CĐ, TC nghề để học và sớm làm nghề. Ngành du lịch đang thiếu nhiều về đội ngũ làm nghề, phục vụ... chứ không đòi hỏi nguồn nhân lực phải chuyên sâu về nghiên cứu, giảng dạy, viết sách, hoạch định chiến lược…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).