Cẩn trọng với thực phẩm ngày Tết

GD&TĐ - Tết Nguyên đán đang cận kề, đây cũng là thời điểm xuất hiện các loại thực phẩm đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Nhiều thực phẩm được bày bán nhìn rất bắt mắt với đủ màu sắc, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc lạm dụng màu thực phẩm công nghiệp và những chất phụ gia bị cấm sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.  

Cẩn trọng với thực phẩm ngày Tết

Cẩn thận với các sản phẩm “bắt mắt”

Có mặt tại các chợ như Phùng Khoang, Hà Đông (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy khá nhiều những mặt hàng không nhãn mác, màu sắc sặc sỡ được bày bán trên các sạp hàng. Từ các sản phẩm hoa quả sấy khô cho đến kẹo, bánh được bán tự do. Điều giống nhau là tất cả đều được đựng trong những bao ni lông lớn, hoặc hộp nhựa, người mua tha hồ chọn lựa.

Tại một quầy bán bánh kẹo trong chợ Hà Đông, chủ cửa hàng đon đả mời chào: “Mẫu kẹo này em nhập về từ Thái Lan, các chị dùng để tiếp khách hay làm quà tặng ngày Tết rất đẹp đấy ạ”.

Khi khách hàng thắc mắc về việc tại sao không đóng thành gói hay hộp cho lịch sự, chị chủ hàng đáp luôn: “Để như này cho tiện, ai mua bao nhiêu cũng được, hơn nữa như thế tiết kiệm được bao bì nên rẻ hơn”.

Tuy nhiên nếu tinh ý, người mua dễ dàng nhận thấy giấy gói, hay chữ in trên các sản phẩm đều không sắc nét so với những loại bánh kẹo do những cơ sở sản xuất có thương hiệu bày bán. Bên cạnh những sản phẩm bánh kẹo, các loại mứt được tẩm ướp với những màu sắc bắt mắt khiến cho những quầy hàng này không kém phần sinh động.

Chúng tôi bày tỏ sự e ngại về màu sắc trên sản phẩm có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, người bán hàng cho biết: Năm nào cũng bán các mặt hàng này rất chạy, cũng chưa có ai phản hồi bị làm sao cả. Có năm “cháy cả hàng”, chiều 25 Tết còn phải lên chợ Đồng Xuân để nhập thêm hàng về bán.

Quả thực những loại bánh, kẹo, thạch hoa quả mà trẻ em rất thích đều có màu sắc sặc sỡ, rất ưa nhìn. Nhiều loại mứt Tết được nhuộm màu xanh đỏ đẹp mắt, nhưng không ai bảo đảm về chất lượng.

Chia sẻ về mối nguy hại đến từ phẩm màu công nghiệp có trong các sản phẩm này, tiến sĩ, dược sĩ Đặng Thế Hưng, Trung tâm xét nghiệm Trường Đại học Y tế Công cộng cho biết: Những loại phẩm màu được các chủ sản xuất đưa vào tạo màu sắc, mùi vị nhằm tăng thêm sự hấp dẫn với người tiêu dùng đều không có giá trị dinh dưỡng.

Theo quy định, tất cả các loại phẩm màu đưa vào sử dụng trong sản xuất thực phẩm đều đã có quy định cụ thể về tỷ lệ và phải nằm trong danh mục được cấp phép của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, những cơ sở chế biến lạm dụng về liều lượng, hoặc đưa vào những sản phẩm không đạt chất lượng thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe của người sử dụng rất lớn. Nếu lượng đưa vào sản phẩm vượt quá quy định thì sẽ dẫn tới ngộ độc cấp tính, điều này nhìn thấy được ngay.

Song kể cả lượng phẩm màu được sử dụng chưa gây ngộ độc ngay, nhưng sẽ tác động âm thầm theo thời gian và cũng hết sức nguy hiểm. Người sử dụng sẽ bị phơi nhiễm dần dần với hóa chất độc hại. Những chất này khi vào cơ thể sẽ gây hại cho gan, thận, thậm chí dẫn tới ung thư.

Thời gian qua cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu độc hại được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế... Việc phân biệt phẩm màu công nghiệp và tự nhiên bằng mắt thường là hoàn toàn không thể.

Người tiêu dùng thông thái

Bên cạnh việc sử dụng phẩm màu trong sản xuất bánh kẹo, đồ uống thì Tết cũng là khoảng thời gian mà những thực phẩm như giò, chả, thức ăn chế biến sẵn gia tăng với số lượng lớn.

Chính vì vậy, nguy cơ từ việc ngộ độc do các cơ sở sản xuất trong quá trình chế biến không hợp vệ sinh, hoặc sử dụng các chất cấm khó kiểm soát hơn.

Thạc sĩ Trần Thị Khánh Linh, giảng viên bộ môn Hóa học, Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định cho biết: Không thể phát hiện được thực phẩm có sử dụng hàn the hay không bằng mắt thường.

Với thành phần hóa học đặc thù, hàn the có khả năng giữ thực phẩm tươi ngon trong thời gian dài, tránh không bị ôi thiu, đồng thời giúp tăng độ dẻo của thực phẩm. Tuy nhiên về mặt sức khỏe đây là loại hóa chất gây độc hại cho cơ thể con người.

Thường xuyên ăn giò, chả có sử dụng hàn the, bạn rất dễ bị ngộ độc mãn tính, suy gan, suy thận, ảnh hưởng tới hệ thần kinh… thậm chí ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc gây nhiễm độc thai nhi.

Bên cạnh giò, chả, măng khô cũng là mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết. Để bảo quản măng không bị nấm mốc, người ta đã sử dụng lưu huỳnh. Lưu huỳnh khi bị oxy hóa cũng sẽ sinh ra chất độc có thể làm tổn thương các tế bào trong cơ thể. Nếu ăn phải có thể ngộ độc như say, ói, nôn… hoặc tích lũy lâu dài trong cơ thể sẽ gây ung thư. Để loại bỏ lưu huỳnh khỏi măng khô, người sử dụng có thể ngâm nước vài ngày, sau đó luộc kỹ rồi mới cho vào ninh, nấu.

Làm như vậy, SO2 sẽ bay hơi đi rất nhiều, phòng tránh và hạn chế được ngộ độc.

“Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, bạn nên chọn mua những thực phẩm uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác và được đăng ký kiểm nghiệm về chất lượng. Đối với sản phẩm giò, chả, người dân có thể sử dụng bộ kít thử (test thử nhanh) do Viện Hóa học công nghệ sản xuất. Sản phẩm này cũng tìm mua khá dễ trên thị trường, giá thành cũng rất rẻ chỉ chưa tới một ngàn đồng cho một lần thử”, thạc sĩ Trần Thị Khánh Linh chia sẻ.

“Việc kiểm soát sẽ phải dựa trên tiêu chí các phẩm màu công nghiệp đó có được sử dụng trong chế biến thực phẩm hay không, quy định liều lượng cho phép như thế nào thì an toàn. Vì vậy, bất cứ các sản phẩm nào khi các nhà sản xuất đưa ra thị trường cũng phải tuân thủ theo các quy định chung. Song song với đó, ngoài việc các cấp, các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ, xử phạt nặng đối với những hành vi vi phạm an toàn trong sản xuất thực phẩm, cần tăng cường việc tuyên truyền về tác hại của lạm dụng phẩm màu công nghiệp trong sản xuất thực phẩm”. Tiến sĩ, dược sĩ Đặng Thế Hưng, Trung tâm xét nghiệm Trường Đại học Y tế Công cộng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.