Cần Thơ: Cuộc sống người dân đảo lộn vì triều cường

GD&TĐ - Theo người dân TP Cần Thơ, đợt triều cường những ngày qua là khó lường khiến họ không kịp trở tay. Những năm trước, nước ngập nhưng không cao, năm nay nước lên nhanh và ngập sâu hơn. Nước tràn lên đường, làm vỡ đê bao gây ngập nhà và hư hại tài sản, khiến cuộc sống nhiều hộ gia đình bị đảo lộn! 

Người dân khu vực 3, cồn Khương, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phải ăn cơm đứng vì nước ngập.  Ảnh: N. Huy
Người dân khu vực 3, cồn Khương, phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phải ăn cơm đứng vì nước ngập. Ảnh: N. Huy

Ăn cơm đứng...

Phải ăn cơm đứng là tình cảnh chung của hàng chục hộ dân sinh sống ở khu vực 3, cồn Khương, thuộc phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Tối 29/9, một đoạn đê bao ở khu vực này bị vỡ, nước tràn vào nhà dân gây thiệt hại tài sản, hoa màu và cuộc sống nhiều hộ bị đảo lộn.

Ban đầu nước tràn qua mặt đê, sau đó đê không chịu nổi và vỡ đoạn dài hơn 2m. Lúc này nước tràn vào, dâng cao đột ngột, nhiều hộ không kịp di dời tài sản. Ông Trần Phát Tài (khu vực 3, cồn Khương), cho biết: “Nước tràn vào ngập gần tới thắt lưng, chiếc tủ đông của gia đình không di dời kịp giờ bị ngập. Giường chiếu, vật dụng trong nhà cũng ướt hết, đành ngủ tạm, ăn đứng chờ nước rút”. Cũng theo ông Tài, đoạn đê bao vừa bị vỡ trước đây cũng từng bị vỡ, sau khi gia cố xong năm nay vỡ tiếp. Năm nào nước cũng dâng cao, dù chuẩn bị trước, đã kê cao đồ đạc trong nhà nhưng con nước năm nay cao quá, ông trở tay không kịp và đành chịu cảnh “thất thủ”.

Vỡ đê bao, khiến cuộc sống người dân ở cồn Khương bị đảo lộn, lo nhất là những hộ gia đình trồng mai vàng chuẩn bị Tết, hộ trồng cây ăn trái, trồng hoa màu cũng bị thiệt hại. Theo người dân sinh sống ở khu vực này, nước bắt đầu ngập từ ngày 28/9, có những điểm sâu hơn 1m, người dân đã di dời vật dụng, đồ đạc ra ngoài đường. Mỗi ngày nước tràn vào 2 đợt, vào sáng sớm và chiều tối. Tuy nhiên, điều khiến người dân bất ngờ là mực nước chiều 29/9 đã dâng cao vượt đỉnh năm ngoái.

Chị Trần Thị Hương mấy ngày nay mất ăn, mất ngủ vì nước ngập nhà, ngập vật dụng, trong khi chị phải nuôi con nhỏ và cha mẹ lớn tuổi. “Sáng ngập tới trưa, chiều ngập tới khuya, khiến cuộc sống gia đình hết sức vất vả. Đất ở đây cũng thuộc quy hoạch treo nhiều năm nay, việc tu sửa nhà cửa, nâng nền cũng gặp nhiều khó khăn. Khi thấy đê bao bị tràn, có dấu hiệu bị vỡ, người dân đã báo cáo cơ quan chức năng địa phương nhưng vẫn xử lý không kịp”, chị Hương cho biết.

Chạm mốc đỉnh triều lịch sử

Hằng năm, con nước triều cường cuối tháng 8, đầu tháng 9 âm lịch luôn dâng cao. Nguyên nhân là do thời điểm này nước từ thượng nguồn đổ về mức cao, trong khi đó triều cường ngoài biển cũng dâng, cộng với lượng mưa lớn nên tràn vào ruộng vườn và cả khu vực thành phố. Trước đây, nhà cửa, hệ thống sông rạch còn thông thoáng nên tình trạng ngập úng xảy ra ở vùng ven sông, vùng trũng thấp. Nay mật độ dân số đông, đồng ruộng bị đắp đê bao khép kín; hệ thống sông rạch bị lấn, lấp để làm nhà nên nước dâng cao bất thường, đặc biệt ở khu vực thành thị.

Theo số liệu quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, mực nước tại trạm Cần Thơ cao nhất trong ngày 29/9 là 2,14m (trên mức báo động III). Theo ông Nguyễn Quí Ninh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, đây là đợt triều cường cao trong năm, nếu có mưa lớn sẽ gây ngập lụt kéo dài. Số liệu thực đo của trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong sáng 29/9 ghi nhận được là 2,14m. Đây được xem là mực nước rất cao, mực nước này chỉ thấp hơn 0,09m so với đỉnh triều năm 2018, mức lịch sử được ghi nhận tại Cần Thơ trong vòng 40 năm qua.

Theo dự báo, mực nước đỉnh điểm của đợt triều cường này sẽ xuất hiện trong hai ngày 30/9 và 1/10, được dự báo sẽ lên xấp xỉ 2,2m (trên báo động 3 từ 0,25m đến 0,3m). Thời điểm xuất hiện thường vào giờ người dân bắt đầu đi làm và giờ tan tầm, mức độ rủi ro thiên tai có khả năng đạt cấp độ 3. Người dân cần tuân thủ sự hướng dẫn của ngành chức năng, di chuyển theo sự điều tiết để bảo đảm an toàn, nhất là khi đi qua những điểm ngập sâu.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đây là kỳ triều cường cao trong năm, cần chủ động ứng phó với tình trạng ngập lụt vùng trũng thấp và các đô thị ven sông. Riêng tại các tỉnh miền Tây, do lũ trên sông Cửu Long đang đạt đỉnh nên nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao và sạt lở bờ sông tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Đỉnh triều cao nhất trong đợt này sẽ xuất hiện vào các ngày 30/9 - 1/10 và đạt mức cao hơn báo động tại các trạm vùng cửa sông. Riêng trên sông Cửu Long, triều cường cao kết hợp với lũ từ thượng nguồn về nên mực nước tại các trạm trên dòng chính ở mức cao hơn báo động 3 từ 0,20 đến 0,30m. Cụ thể, tại trạm Cần Thơ (sông Hậu) lên mức 2,15 - 2,17m (cao hơn báo động 3 từ 0,25 - 0,27m). Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường có khả năng đạt cấp độ 3 tại khu vực hạ lưu sông Tiền, sông Hậu.

Học sinh tại các cơ sở GD bị ảnh hưởng bởi triều cường được nghỉ học 1 ngày

Ngày 30/9, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ có Thông báo về việc cho học sinh nghỉ học những ngày triều cường.

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra cho các cơ sở giáo dục và đảm bảo an toàn cho học sinh, Sở GD&ĐT đề nghị các phòng GD&ĐT và các cơ sở trực thuộc căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, lãnh đạo các đơn vị chủ động cho học sinh tại các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi triều cường được nghỉ học 1 ngày (1/10/2019). Báo cáo lãnh đạo địa phương và thông báo cho cha mẹ học sinh biết trong thời gian sớm nhất. Đồng thời có kế hoạch bố trí cho học sinh học bù vào thời điểm phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.
Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.