Cần thiết phát triển thị trường thủy sản nội địa

GD&TĐ - Cần thiết phải có sự chung tay chung sức của cả cộng đồng nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm thủy sản, đặc biệt là cá tra, basa, cá ngừ, tôm... trong thị trường nội địa. 

Cần thiết phát triển thị trường thủy sản nội địa

Đây là những nhận định của các nhà quản lý, các chuyên gia tại Hội thảo “Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội.

Quá nhiều rào cản

Có thể thấy, với dân số đông (92 triệu người) cùng hàng chục triệu lượt khách du lịch quốc tế đến tham quan mỗi năm - Việt Nam là một thị trường nội địa tiêu thụ thủy sản rất tiềm năng. Đánh giá của các nhà sản xuất, vốn đầu tư cho chế biến sản phẩm thủy sản thị trường nội địa không nhiều, vòng quay sản phẩm ngắn nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh tương đối cao. Bên cạnh đó, trang thiết bị, máy móc, công nghệ chế biến đơn giản, dễ thực hiện; lực lượng lao động theo mùa vụ dồi dào; nguồn nguyên liệu đa dạng phong phú (khai thác, nuôi trồng, nhập khẩu...); sản lượng, chất lượng sản phẩm ngày càng cao... Tất cả những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Nhận định tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý cho rằng, hiện nay, việc phát triển thị trường thủy sản nội địa bền vững và hỗ trợ tích cực cho thị trường xuất khẩu vẫn còn nhiều rào cản. Chẳng hạn như việc tiếp cận các cơ chế, chính sách của Chính phủ về khuyến khích đầu tư; việc quản lý, giám sát chồng chéo; điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất hạn chế... dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa cao, thiếu ổn định. Ngoài ra, việc cạnh tranh về giá khi thu mua nguyên liệu giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa còn lớn. Một yếu tố quan trọng là thị hiếu tiêu dùng của người Việt đa số theo thói quen, cảm tính, cụ thể là vẫn thích hàng tươi sống thay vì sản phẩm chế biến sẵn...

Để phát triển được thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi thị hiếu tiêu dùng của người dân là vấn đề rất quan trọng. Điều này sẽ có ý nghĩa trong kích thích tiêu dùng, cũng như tạo điều kiện về kinh doanh, qua đó thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp (DN), cơ sở chế biến. Bên cạnh tiếp tục có những điều chỉnh về mặt quản lý Nhà nước, giám sát chất lượng ATVSTP, các bộ, ban ngành cũng cần nghiên cứu các giải pháp nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hoá sản phẩm. Hỗ trợ đào tạo lao động, cũng như các giải pháp xúc tiến thương mại để sản phẩm thủy sản đến với mọi nhà.

Cần thay đổi tư duy tiêu dùng

Để phát triển, tiêu thụ thủy sản, các chuyên gia cho rằng, thị trường nội địa đang bị xem nhẹ, trong đó có vấn đề công bố và quản lý chất lượng. Việt Nam mới chỉ có các quy định cụ thể, chi tiết về chất lượng cho các mặt hàng thủy sản xuất khẩu mà chưa có bộ tiêu chí đầy đủ, thống nhất cho thị trường nội địa. Mặt khác, việc kết nối giữa các nhà sản xuất, chế biến với hệ thống bán lẻ chưa chặt chẽ dẫn tới thủy sản đông lạnh bán qua hệ thống siêu thị không đắt hàng. Hơn nữa, tâm lý người tiêu dùng chỉ tin vào sản phẩm nhập ngoại, mặc dù chất lượng sản phẩm trong nước không hề thua kém.

Để thúc đẩy thị trường nội địa phát triển, các chuyên gia, các nhà quản lý và DN... cho rằng: Về mặt quản lý Nhà nước, cần đẩy mạnh giám sát chất lượng VSATTP; đồng thời, cần nghiên cứu các giải pháp nguồn nguyên liệu, công nghệ chế biến nhằm đa dạng hoá sản phẩm. Bên cạnh đó là rà soát, bổ sung, thay thế những chính sách không còn phù hợp, nghiên cứu đề xuất thêm những chính sách mới nhằm thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy sản...

Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy sản của các làng nghề ở địa phương đến được các thị trường lớn; củng cố và phát triển tốt các chợ nông thôn, hình thành các chợ đầu mối nhằm khơi thông tốt thị trường... Phát triển các hệ thống cung ứng cho từng mặt hàng theo nhu cầu, cả mặt địa lý và thu nhập. Khuyến khích các DN nhỏ tập trung thị trường trong nước.

Đặc biệt, muốn phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa, Nhà nước và DN cần có chương trình truyền thông để thay đổi tư duy của người tiêu dùng. Bởi hiện nay, người tiêu dùng đang có thói quen mua đồ tươi sống, không bao gói, không mua đồ đông lạnh. Trong khi đó, các nước phát triển chủ yếu tiêu dùng sản phẩm đông lạnh hoặc ướp đá. Song song đó, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cho thị trường trong nước cho các phân khúc thị trường bình dân, trung lưu, cao cấp; liên kết xây dựng hệ thống phân phối nội địa, nhằm đáp ứng yêu cầu về lượng và chất..

Hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 164 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài 567 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, sản xuất xuất khẩu, còn có khoảng 4.000 cơ sở chế biến nhỏ, hộ sản xuất, các làng nghề thủy sản đạt khoảng 500.000 tấn/năm. Tổng giá trị sản phẩm trung bình khoảng 15.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 40.000 lao động...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky

Ông Zelensky tiếp tục giục Mỹ

GD&TĐ - Tổng thống Ukraine tiếp tục giục Mỹ nhanh chóng chuyển gói viện trợ quân sự mới cho nước này trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường các cuộc tấn công.