Cần thiết phát triển thị trường cho vay với thanh niên theo học đại học

GD&TĐ - Chiều 2/7 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Đại học Quốc gia Australia tổ chức hội thảo "Tài chính giáo dục đại học: Nhu cầu và tiềm năng cải cách tại Việt Nam".

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn, lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, các chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới, Đại học Quốc gia Australia...

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phí Vĩnh Tường - Phó viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho biết: Thách thức mở rộng cơ hội cho thanh niên tiếp cận dịch vụ đào tạo, nhất là đào tạo đại học trước khi tham gia thị trường lao động của Việt Nam là rất lớn.

Trong khi đó, chi phí cho dịch vụ này chỉ dựa vào sự tài trợ từ nguồn thu nhập của hộ gia đình, đặc biệt là khu vực nông thôn. Do đó, cần phát triển một thị trường cho vay đối với thanh niên theo học đại học và cần tiếp tục nghiên cứu các điều kiện, các vấn đề liên quan đến sự phát triển của thị trường này.

Còn các chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới nhận định, cần thiết phải cải cách hệ thống tài chính giáo dục đại học bậc cao của Việt Nam và cần đầu tư vào giáo dục đại học.

Trước đây chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư vào giáo dục cơ bản. Đây là cách tiếp cận đúng đắn khi Việt Nam cần xây dựng nền tảng vốn con người để tăng trưởng kinh tế. Khi Việt Nam hướng đến chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức thì cần phải xây dựng một lực lượng lao động có trình độ cao hơn. Do đó đầu tư vào giáo dục đại học là quan trọng hơn bao giờ hết.

Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia nêu bài học kinh nghiệm từ mô hình ICL (Vay học phí tín chấp bằng thu nhập tương lai) tại Anh và Australia: Số lượng sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhập học đại học tăng nhanh nhất trong các nhóm sinh viên kể từ khi có chính sách thu học phí kèm áp dụng mô hình ICL.

Sinh viên không phải trả chi phí khi theo học và có nhiều chỉ tiêu đầu vào hơn so với hệ thống Giáo dục đại học miễn phí trước đó. Nhờ đó đã thu hẹp khoảng cách giữa người nghèo nhất và những người giàu nhất trong giáo dục đại học.

TS Đoàn Dung đến từ Đại học Quốc gia Australia nêu quan điểm: Để giữ vững tăng trưởng kinh tế, việc nâng cao năng suất và tính cạnh tranh, tăng nguồn cung lao động có tay nghề cao là thiết yếu.

Chương trình tín dụng hiện tại nhỏ, kém hiệu quả, tạo ra gánh nặng lớn đối với người vay có thu nhập thấp và gây thất thoát nguồn thu ngân sách. Một chương trình cho vay giáo dục được thiết kế tốt sẽ có khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho sinh viên và tăng nguồn thu ngân sách, đồng thời cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục đại học.

Tại hội thảo, các đại biểu đã có các bài tham luận giới thiệu về chương trình cho sinh viên vay vốn, giới thiệu về các khoản vay trả theo thu nhập, về việc tự chủ tài chính trong các trường đại học công lập, lộ trình tăng học phí và năng lực tài chính của sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ