Cần thiết cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức

GD&TĐ - Sáng 9/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội (Ủy ban) Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra

Về các hành vi bị nghiêm cấm, có ý kiến cho rằng, quy định “cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức” tại khoản 2 Điều 5 chưa phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo (chỉ cấm quảng cáo rượu từ 30 độ cồn trở lên) và Luật Thương mại (chỉ cấm quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên).

Nhưng Ủy ban thấy rằng, quy định này là cần thiết vì theo các nghiên cứu, với cùng một lượng rượu hay bia và có cùng một độ cồn, khi dung nạp vào cơ thể người sẽ có tác hại như nhau mà không có sự phân biệt giữa rượu hay bia.

Việc ban hành quy định này cũng không tạo ra xung đột pháp lý với Luật Quảng cáo và Luật Thương mại theo nguyên tắc áp dụng pháp luật tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban đề nghị thể hiện điều cấm tại khoản 4 Điều 5 theo hướng cấm “ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”, “sử dụng người dưới 18 tuổi trong hoạt động sản xuất và buôn bán rượu bia” để đảm bảo tính toàn diện và bao quát hơn.

Ngoài ra, theo báo cáo bà Nguyễn Thúy Anh trình này, có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi cấm “tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia” vào Điều 5 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thu hút các điều, khoản có nội dung tương tự như hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật.

Về chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban đồng tình với chính sách “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia” tại khoản 2 Điều 3 nhưng đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch nguyên tắc của lộ trình tăng thuế ngay trong Luật.

Đồng thời, đề nghị bổ sung chính sách “ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với thanh niên, người chưa thành niên” và các quy định cụ thể hướng trực tiếp đến giới trẻ để ứng phó xu hướng trẻ hóa người sử dụng rượu bia, giảm thiểu những nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật và hệ lụy xã hội do rượu, bia.

Về quy định không được bán rượu, bia trên internet (khoản 3 Điều 20), còn hai loại ý kiến khác nhau:

Đa số thành viên Ủy ban đồng tình với dự thảo Luật và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ khi đề xuất chính sách này nhằm giảm tối đa tính sẵn có, dễ tiếp cận đối với rượu, bia, thể hiện tính nhất quán trong chính sách, luật hóa quy định hiện hành và mở rộng đối với bia; đồng bộ với các quy định khác nhằm mục tiêu “giảm cung”, “giảm cầu” đối với rượu, bia.

Một số thành viên Ủy ban không tán thành quy định này vì cho rằng không có tính khả thi, không phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử; chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ kèm theo việc bán trên internet.

Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cả về quy định của pháp luật và thực thi, đánh giá tác động toàn diện để đề xuất quy định cụ thể phù hợp với thực tiễn Việt Nam, khắc phục các tồn tại, hạn chế, đảm bảo công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực có liên quan (thương mại điện tử, thuế, bảo vệ người tiêu dùng…), đảm bảo mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngoài ra, Ủy ban cũng cho rằng, dù theo phương án nào thì tính khả thi của quy định này phụ thuộc rất nhiều vào công tác tổ chức thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ sở kinh doanh và cần chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp thì mới mang lại hiệu quả thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ