Các trường nghề chậm tự chủ tài chính

GD&TĐ - Chủ trương các cơ sở đào tạo nghề nghiệp tự chủ tài chính được Chính phủ ban hành từ năm 2006. Nhưng đến nay, số lượng các trường cao đẳng tự chủ còn quá ít bởi nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Tự chủ trong GDNN vẫn là bài toán khó cho nhiều trường cao đẳng.
Tự chủ trong GDNN vẫn là bài toán khó cho nhiều trường cao đẳng.

Cơ quan chủ quản không can thiệp sâu

Hiện, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Việt Nam chỉ có 3 trường hoạt động theo cơ chế tự chủ trên tổng số gần 2.000 cơ sở GDNN. Theo các chuyên gia, đây là con số quá thấp. Vì vậy, việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở GDNN còn nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ.

Trên thực tế, một số trường nghề còn e ngại vấn đề tự chủ tài chính. Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền - thành viên nhóm tư vấn Đề án công nghiệp hỗ trợ TPHCM cho rằng, sự cạnh tranh trong tuyển sinh ở các trường nghề khá lớn.

Cùng với đó, các trường đại học cũng không ngừng tăng đã thu hút số lượng lớn học sinh theo học. Từ đó, lượng người đi học trung cấp, cao đẳng nghề giảm đi đáng kể. Nhiều trường không tuyển sinh được, thu không đủ bù chi trong khi ngân sách đang dần giảm bớt. Chính vì vậy, làn sóng sát nhập các trường nghề ngày càng nhiều vì không thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, cơ quan chủ quản của các trường nghề không nên tham gia quá nhiều vào hoạt động đào tạo, tổ chức bộ máy, bổ nhiệm cán bộ, thiết kế chương trình… Bởi đây là công việc thuộc về nội bộ trường. Điều này không chỉ giúp các trường giảm những quyết định chậm, không phù hợp, mà còn làm triệt tiêu động lực sáng tạo và trách nhiệm. Có rất nhiều vấn đề phải xem xét, tính toán trước khi quyết định tự chủ hoặc cấp phép tự chủ. Đối với các trường nghề thuộc hệ thống công lập, tự chủ không đơn thuần chỉ là tài chính, nhân lực.

Tiến sĩ Trương Nguyễn Ánh Nga - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng lo ngại về tự chủ tài chính. Bởi hiện nay, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn và nhỏ hẹp. Vì vậy, trường không dám tuyển sinh số lượng nhiều dù đang có một số ngành được người học quan tâm như đào tạo ca sĩ, diễn viên…

Bên cạnh đó, do đặc thù của các ngành đào tạo nghệ thuật có những môn buộc phải một thầy một trò hoặc một lớp chỉ có tối đa không quá 4 sinh viên nên nếu phải tự chủ thì vô cùng nan giải.

Cần cơ chế mở cho tự chủ trường nghề

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng: Tự chủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN. Tuy nhiên, bất cập lớn hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và phải đầu tư theo định hướng của Nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải đảm bảo nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

“Chúng ta có mạng lưới cơ sở GDNN bao phủ cả nước. Nhưng lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao còn thiếu. Doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng... Vì vậy, không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần có hành lang pháp lý cho việc tự chủ trong tuyển sinh hay mở mã ngành nghề theo xu thế chung của xã hội” – ông Ngọc chia sẻ.

Cũng theo ông Ngọc, quy định cho tự chủ tuyển sinh trong năm. Nhưng các cơ sở GDNN không được tự mở chương trình đào tạo, không cho tự xác định chỉ tiêu để tuyển sinh mà phải theo các căn cứ.

Về nguyên tắc, các trường phải đảm bảo đầy đủ chương trình đào tạo, con người, trang thiết bị... mới được phép lập hồ sơ báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước để xin mở mã nghề, đăng ký hoạt động dạy nghề. Sau đó mới được xác định quy mô chỉ tiêu theo hồ sơ đã đăng ký. Từ đó mới xác định những điều kiện đã có tương đương với bao nhiêu thí sinh được tuyển sinh hàng năm.

Đây là vấn đề còn bất cập, bởi có những nội dung bắt buộc phải báo cáo Nhà nước trước. Nhưng có những nội dung cần phải có sự linh hoạt cho cơ sở đào tạo. Cụ thể, nhiều ngành nghề phải mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất đến tiền tỉ để báo cáo số lượng cần tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, một số cơ sở không phải lúc nào cũng tuyển sinh được đủ chỉ tiêu. Như vậy là làm khó cho các cơ sở đào tạo.

Ông Đồng Văn Ngọc cho biết, để chuẩn bị cho việc tự chủ, từ cách đây vài năm, nhà trường đã thực hiện hạch toán thu chi như doanh nghiệp. Theo đó, hiệu trưởng đóng vai trò như một giám đốc, phải tính toán làm sao để tăng thu và giảm chi triệt để.

Để giảm chi, nhà trường đã rà soát lại các hoạt động và nhân sự, hoạt động nào không cần thiết, bộ phận nào không đóng vai trò quan trọng thì cắt giảm. Đồng thời, sát nhập lại các phòng ban, yêu cầu một người có thể đảm nhận nhiều vị trí.

“Có lẽ, đối với bất kỳ đơn vị sự nghiệp nào khi chuẩn bị tự chủ thì bài toán tìm nguồn thu là bài toán khó nhất. Đối với một trường nghề thì đây là điều không đơn giản” - ông Đồng Văn Ngọc chia sẻ.

Cùng với việc tăng học phí để bảo đảm thu bù chi, nhà trường mở rộng mạnh mẽ các lớp chất lượng cao. Việc đào tạo hệ chất lượng cao giúp nhà trường có thể thu mức học phí cao hơn mức trần của Nhà nước.

Một nguồn thu nữa mà nhà trường đã triển khai và thành công là liên kết đào tạo với doanh nghiệp. Theo đó, khi thực tập, sinh viên đều được doanh nghiệp trả lương.

“Việc hợp tác với doanh nghiệp không những giúp nhà trường nâng cao thương hiệu, mà nhà trường còn nhận được một khoản kinh phí từ doanh nghiệp khi sinh viên thực tập và làm việc tại doanh nghiệp. Đây cũng là một nguồn thu quan trọng đóng góp vào số thu của nhà trường” – ông Đồng Văn Ngọc cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.