Các nhà luật học ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013

GD&TĐ - Chiều ngày 24/11/2021, tại Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức hội thảo khoa học trực tiếp và trực tuyến, bàn thảo về Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Các nhà luật học ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 tại Hội thảo
Các nhà luật học ý kiến về việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 tại Hội thảo

Hội thảo là diễn đàn khoa học để các chuyên gia, nhà nghiên cứu chia sẻ, thảo luận và đề xuất những kiến nghị, góp ý nhằm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, kết nối tới nhiều điểm cầu của các đoàn đại biểu quốc hội các tỉnh, thành phố. Đây là sự kiện đầu tiên trong chuỗi các hội thảo đóng góp ý kiến cho nội dung các Dự thảo Luật quan trọng theo chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XV.  

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQGHN đã chia sẻ: Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội ban hành năm 2013 đã giải quyết được một cách tương đối hiệu quả các vấn đề kinh tế - xã hội liên quan đến quản lý nhà nước đối với đất đai, vấn đề chiếm hữu, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất, so với các Luật Đất đai ban hành trong các thời kỳ trước.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội thời gian qua đã làm nảy sinh những vấn đề pháp lý mới mà pháp luật đất đai hiện hành chưa được đề cập đến.  Vẫn còn có những chồng chéo, mâu thuẫn trong chính sách và pháp luật đất đai với các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Phòng chống tham nhũng,…

Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra…

PGS.TS Ngô Huy Cương nhận định, chính sách và pháp luật về đất đai ở Việt Nam đang bộc lộ một số bất cập. Việc sửa đổi, cải cách căn bản và toàn diện chính sách và pháp luật về đất đai hiện nay là nhu cầu cấp bách để giảm bớt sự bất bình đẳng và xung đột trong đời sống xã hội có nguy cơ ảnh hưởng tới cả an ninh và quốc phòng.

Các tham luận đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao
Các tham luận đều thể hiện tinh thần trách nhiệm cao

Nhìn từ lịch sử, GS.TS Nguyễn Đăng Dung đưa ra phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tranh chấp đất đai, một trong số đó là pháp luật chưa ứng xử đúng với đất đai. Do đó, các nhà làm luật cần soi chiếu với những quy định tạo nên tính nhân văn và bảo tồn diện tích sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến trình bày đã đi sâu phân tích, đánh giá chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để nhận diện những rào cản đối với quá trình tích tụ, tập trung đất đai. Trên cơ sở đó, chuyên đề đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp góp phần khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng nhấn mạnh, hệ thống quản lý đất đai thống nhất, hiệu lực, hiệu quả là tiền đề để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Ông cho rằng cần đổi mới hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý đất đai ở Việt Nam. Việc quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai sẽ đem tới những lợi thế cạnh tranh và tạo ra một xã hội ổn định và thịnh vượng.

Qua 2 phiên thảo luận: Những vấn đề lý luận về cải cách pháp luật đất đai; Thực trạng pháp luật đất đai ở Việt Nam và những kiến nghị sửa đổi Luật đất đai năm 2013. Với tinh thần trách nhiệm cao, các nhà khoa học, các đại biểu đã đóng góp nhiều lý kiến quan trọng cho thấy sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Với vị thế đại học đa ngành, đa lĩnh vực, ĐHQGHN mong muốn, những kết quả nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, người học ở ĐHQGHN không chỉ mang tính hàn lâm, học thuật mà gắn liền với hơi thở cuộc sống và yêu cầu của thực tiễn đặt ra, đóng góp có ý nghĩa và thiết thực cho sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

ĐHQGHN đã và đang triển khai nhiều hoạt động tư vấn chính sách, pháp luật mang quy mô lớn, đóng góp tích cực vào các quyết sách. Những ý kiến tại Hội thảo sẽ đóng góp vào việc xây dựng cơ chế thông suốt trong công tác quản lý, bảo vệ đất đai, tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. - Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.