Cả làng náo loạn vì ngôi mộ đá nghi chứa kho vàng

Mới đây, khi đào đất làm đường, người dân xã Sơn Diệm phát hiện chiếc hòm lạ bằng đá có kích thước lớn, được trang trí theo kiểu mộ táng cổ xưa. Từ ngày phát hiện sự việc, không ít câu chuyện thêu dệt được lan truyền về một ngôi mộ cổ có chứa kho báu khiến cả làng mất ăn, mất ngủ.

Cả làng náo loạn vì ngôi mộ đá nghi chứa kho vàng

Chiếc hòm đá kỳ lạ

Dư luận tỉnh Hà Tĩnh đang xôn xao về việc người dân làng Trại Lăng (nay là thôn 9, xã Sơn Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) phát hiện chiếc hòm bằng đá kỳ lạ trong lúc đào đất làm đường nông thôn mới.

Sự việc khiến hàng ngàn người dân hiếu kỳ từ nơi khác đổ về đây để được tận mắt chứng kiến. Nhận được thông tin, sáng 31/12, PV báo ĐS&PL về địa phương tìm hiểu. Khi chúng tôi đến vẫn có rất nhiều người tập trung ở làng Trại Lăng.

Mặc dù gần Tết nhưng câu chuyện hot nhất mà người dân nơi đây không ngớt bàn tán là ngôi mộ chứa báu vật. Theo tìm hiểu của PV, ngày 24/12 vừa qua, đơn vị thi công khi tiến hành đào đất tại khu đồi của gia đình ông Nguyễn Văn Tình, trú xóm 9, xã Sơn Diệm đã phát hiện một khối đá hình chữ nhật, có kích thước lớn.

Theo một số công nhân lái máy xúc, khi đào phải chiếc hộp đá thì xe bất ngờ chết máy, không hoạt động được. Đơn vị thi công kiểm tra phát hiện chiếc hòm đá nói trên. Sự việc sau đó được báo cáo lên công an và chính quyền huyện Hương Sơn.

Cả làng náo loạn vì ngôi mộ đá nghi chứa kho vàng - Ảnh 1

Chiếc hòm bằng đá có kích thước lớn, được trang trí theo kiểu mộ táng cổ xưa.

Theo quan sát ban đầu, hòm đá lạ được táng theo trục Đông - Tây, nằm ở độ sâu 50cm, có hình chữ nhật, với kích thước chiều dài 2,52m, rộng 1,1m, cao 95cm. Hòm đá có màu trắng xám, phía trên được lát các viên gạch vàng, phía dưới gắn vôi vữa ở hai bên thành.

Chiếc hòm được chia làm 3 tầng cân đối, mỗi tầng cao 30cm. Thoạt nhìn, vật lạ này trông giống như một cỗ quan tài bằng đá. Nhiều người cho rằng đây là một ngôi mộ cổ. Không ít người dân hiếu kỳ đặt câu hỏi, liệu có vàng chôn theo trong những mộ cổ xưa? Bởi cách bố trí, kiểu dáng rất giống những mộ cổ dùng để chôn những bậc vua chúa, người có công lớn với đất nước trong thời đại phong kiến.

Hơn nữa, tương truyền rằng, các tầng lớp quý tộc thời xưa thường chọn nơi có gò đất cao như ở huyện Hương Sơn để an táng. Vùng đất này vốn chủ yếu là đồi núi hùng vĩ, phong cảnh đẹp.

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp một số vị cao niên trong làng. Các cụ cho biết, ở vùng đất hình tam giác thuộc xã Sơn Diệm có ba ngọn đồi lớn. Ngọn đồi thứ nhất được gọi là Cồn Vịt, vì nhìn từ trên cao, quả đồi có hình dáng rất giống con vịt.

Ngọn đồi thứ hai có tên là Cồn Đền vì trên đó có một ngôi đền được xây dựng từ xa xưa. Ngọn đồi còn lại là nơi phát hiện ra hòm đá được gọi là Trại Lăng. Còn vì sao nó có tên Trại Lăng thì đến nay chưa ai lý giải được.

Theo cụ Hà Thị Huệ (82 tuổi), một trong những bậc cao niên nhiều tuổi nhất ở trong làng thì: “Gia đình tôi sống tại đây đã 6 đời rồi nhưng chưa từng nghe câu chuyện nào liên quan đến khối đá này. Từ thời cha ông tôi thấy đây là mảnh đất cao ráo nên chọn làm nơi để khai thôn lập ấp. Nếu đó là ngôi mộ hoặc kho báu thì phải có niên đại hơn 500 năm. Hơn nữa, với kết cấu chiếc hòm đá kiên cố và đẹp như vậy chỉ có thể là của bậc vua chúa, các vị tướng hay những gia đình giàu có thời đó”.

Người lạ đến tìm kho báu cổ

Ngôi làng mang tên Trại Lăng có tự bao giờ không ai biết. Ngay cả những cụ già nhất trong làng cũng nói rằng, từ khi sinh ra và lớn lên, đã nghe người xưa gọi tên như vậy rồi.

Theo người dân địa phương, Trại Lăng có thể là nơi các vị vua chúa thời xưa đã chọn đặt lăng mộ của dòng dõi hoàng tộc, người có công với đất nước.

Nói chuyện với PV, ông Nguyễn Văn Tình (74 tuổi), chủ mảnh đất nơi phát hiện ra hòm đá lạ cho biết, nhà ông nằm ngay chân ngọn đồi. Ông đã hiến cho chính quyền xã một phần diện tích đất vườn để làm đường nông thôn mới.

Khi đào đất phát hiện chiếc hòm đá, ông Tình đã thông báo với chính quyền địa phương. “Tôi không hiểu đó là vật gì? Người bảo đó là quan tài, người thì bảo bên trong là kho báu, nhưng tôi thấy nó giống một ngôi mộ. Có thể tên gọi Trại Lăng bắt nguồn từ ngôi mộ đá này. Nhiều năm nay, gia đình tôi vẫn thường trồng khoai trên đó. Nơi này là đất của ông cha để lại, tôi thuộc thế hệ thứ năm nhưng chưa từng được nghe kể gì về chuyện có lăng mộ nào được chôn cất tại đây. Chắc chắn chiếc hòm đá này đã được chôn ở đây hàng trăm năm rồi”.

Theo tìm hiểu PV được biết, cũng trên vùng đồi này, cách chỗ hòm đá mới được phát hiện khoảng chưa đầy 5m, trước đây trong lúc đào san đất vườn, anh Phan Thanh Hậu (39 tuổi) đã từng phát hiện 4 chiếc lọ bằng sành nằm cạnh nhau với hình dáng rất lạ mắt.

Một số người dân ở địa phương kể lại, cách đó khoảng 5 năm về trước có một nhóm người ở TP.Huế về địa phương, mang theo một tấm bản đồ. Sau đó nhóm người này đã xin được tìm kiếm, đào bới một số mô đất ở quanh ngôi làng.

Do không tìm được gì nên nhóm người lạ đã bỏ đi. Bà Nguyễn Thị Hiếu (68 tuổi, vợ ông Tình) cho hay, phía trên hòm đá có khắc những hình lạ, không ai giải thích được nên từ đây cũng có nhiều câu chuyện được thêu dệt. Có người cho rằng đó là ký hiệu chỉ đến một kho báu bí ẩn nào đó quanh khu vực.

Người khác lại cho rằng ở dưới chân phiến đá có chôn giấu vàng hay những cổ vật giá trị. Vì thế, từ ngày phát hiện, nhiều kẻ xấu đêm hôm đã đưa máy xúc đào đến để phá hòm đá nhưng không thể phá vỡ được.

“Tôi về làm dâu ở mảnh đất này gần 50 năm nhưng chưa nghe kể hay lời truyền nào về làng Trại Lăng. Cách đây 4-5 năm, có nhóm người ở Huế mang bản đồ về làng đào bới tìm kiếm gì đó. Tôi nghi họ đi tìm đồ cổ. Nhưng họ không tìm thấy được gì. Những ngày đầu phát hiện thấy chiếc hòm đó, không chỉ riêng gia đình tôi mà cả người dân nơi đây mất ăn, mất ngủ. Cả làng phải ra sức bảo vệ. Chúng tôi mong các nhà khoa học sớm vào cuộc tìm hiểu để bà con chúng tôi an tâm hơn”, bà Hiếu nói.

Theo một số người dân địa phương, vùng đất Sơn Diệm này theo sử sách là quê hương của vị công thần Lỗ Bôi (một vị quan dưới thời nhà Lê – PV). Hiện có đền thờ vị công thần tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), nên không loại trừ khả năng đây là một trong những ngôi mộ của các vị quan hay tướng quân thời đó.

Trước đó tại huyện Hương Sơn cũng đã phát hiện một số ngôi mộ cổ được khai quật có cấu trúc đặc biệt, mang đặc trưng chung kiến trúc dạng lăng quý tộc thời phong kiến. Tuy nhiên, thiết kế lăng mộ kiểu truyền thống như vậy chủ yếu là các vị vua chúa, tướng lĩnh có công với đất nước.

Để tránh sự hiếu kỳ của người dân và giữ an ninh trật tự tại địa phương, trong lúc chờ các cơ quan chức năng chuyên môn triển khai phương án tiếp theo, hiện, hòm đá đã được lấp lại như nguyên trạng ban đầu và cắt cử cán bộ Công an huyện Hương Sơn trông coi nghiêm ngặt.

Địa bàn từng phát hiện mộ cổ

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nhật Tân, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hương Sơn cho biết: “Khu vực phát hiện ra hòm đá lạ vẫn thường được người dân gọi là Trại Lăng. Còn tên gọi của ngôi làng này có liên quan gì đến hòm đá vừa được phát hiện hay không thì phải chờ các cơ quan chức năng, chuyên gia về khảo cổ tiến hành khai quật và kết luận. Tuy nhiên đây không phải là trường hợp duy nhất phát hiện mộ đá. Trước đây tại xã Sơn Quang và Sơn Lĩnh, người dân cũng đã từng phát hiện ra hai mộ đá”.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...