Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chính quyền các cấp phải nêu cao trách nhiệm

GD&TĐ - Sáng 24/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ - Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019 – kiểm tra công tác thi THPT quốc gia tại huyện Hoài Đức (Hà Nội).

Giám thị làm nhiệm vụ trong kỳ thi năm nay được quán triệt không được chủ quan, bỏ vị trí trong khi diễn ra kỳ thi. Ảnh: Phú Xuân - Thế Đại
Giám thị làm nhiệm vụ trong kỳ thi năm nay được quán triệt không được chủ quan, bỏ vị trí trong khi diễn ra kỳ thi. Ảnh: Phú Xuân - Thế Đại

Cùng đi có ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục & Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương).

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Ban Chỉ đạo thi thành phố Hà Nội giao huyện Hoài Đức tổng số 85 phòng thi với 2.037 thí sinh, dự thi tại 3 điểm thi là Trường THPT Hoài Đức A, Trường THPT Hoài Đức B và Trường THCS An Khánh. Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi tại Hoài Đức đã hoàn tất.

Không chỉ Hoài Đức, công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia của các điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã sẵn sàng. Theo ông Chử Xuân Dũng, thành phố đã có 13 đoàn kiểm tra về cơ sở vật chất, công tác chuẩn bị cho kỳ thi của Hà Nội. Việc in sao đề thi cũng hoàn tất theo đúng quy định; trong sáng 24/6, đề thi đã được chuyển đến các điểm thi.

“Năm 2019, Hà Nội có trên 75.000 thí sinh dự thi, với 125 điểm thi và 3.196 phòng thi. Số cán bộ được điều động làm nhiệm vụ coi thi là 7.755 người. Hiện, Ban Chỉ đạo thi THPT của thành phố đã triển khai họp 2 lần và chỉ đạo công việc theo quy định chung của ngành”, ông Chử Xuân Dũng thông tin.

Ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo của Hà Nội và các địa phương, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt lưu ý 5 vấn đề trong công tác tổ chức và thực hiện trong kỳ thi.

Thứ nhất là, bảo quản đề thi, bài thi. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nội dung quan trọng, cán bộ được phân công liên quan đến công tác in sao đề thi, bảo vệ đề thi, bài thi cần nêu cao trách nhiệm. Dù đã có camera giám sát, nhưng nếu cán bộ làm công tác này không có ý thức trách nhiệm cao để giám sát thì rủi ro vẫn có thể xảy ra.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với hội đồng thi tại điểm cầu Hoài Đức - Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú
  • Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi với hội đồng thi tại điểm cầu Hoài Đức - Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú

Thứ 2 là, công tác coi thi. Cho rằng đây là khâu dễ xảy ra sai phạm, Bộ trưởng lưu ý các cán bộ coi thi cần nắm rất vững quy chế, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, làm việc theo đúng quy trình, chắc chắn, đúng người, đúng việc theo đúng quy định của quy chế; cẩn trọng từ những việc nhỏ nhất, như chữ kí giám thị… Đặc biệt quan tâm đến việc phát hiện các thiết bị công nghệ cao có thể sử dụng để gian lận.

Thứ 3 là, công tác thanh tra, kiểm tra. Với hoạt động này, Bộ trưởng nhấn mạnh cần hoàn thiện tất cả các quy trình, các bước thực hiện; bởi chỉ cần sơ hở một công đoạn nhỏ trong một quy trình cũng sẽ dẫn đến rủi ro. Thanh tra giám sát chặt chẽ nhưng không làm căng thẳng. Bộ trưởng cũng mở rộng công tác thanh kiểm tra không chỉ giới hạn ở những người làm công tác này; đồng thời đề nghị các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân, cử tri cùng tăng cường giám sát để có một kỳ thi thực sự nghiêm túc, trung thực.

Thứ 4 là, công tác truyền thông. Theo Bộ trưởng, cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí; tạo sự minh bạch thông tin cho kỳ thi.

Vấn đề cuối cùng được Bộ trưởng lưu ý là, công tác phục vụ kỳ thi, từ điện, nước, nơi ăn chốn ở của giám thị; vấn đề giao thông…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời chúc đến các thầy cô, thí sinh trên toàn quốc có một kỳ thi thành công, an toàn, hiệu quả.

Buổi sáng cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác cũng đến kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia tại Trường THPT Hoài Đức A và Trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rất quan tâm đến kỳ thi. Thủ tướng chỉ đạo chính quyền các cấp phải nêu rõ trách nhiệm, làm tốt từng khâu; đặc biệt tăng cường kiểm tra giám sát để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, nhẹ nhàng; góp phần tạo niềm tin cho xã hội về Kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và với toàn ngành Giáo dục nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.