Thời Lê đánh thuế quế như thế nào?

GD&TĐ - Cây quế là món thổ sản quý của nước ta, từ thời xưa đã trở thành nguồn lợi thuế quan trọng của đất nước.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Các thời đại trước, sử sách không ghi chép rõ. Riêng thời Lê trung hưng, triều đình cấm nhân dân khai thác vỏ quế, mãi đến đời vua Lê Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1715), triều đình mới thả lệnh này, cho phép nhân dân được thông hành buôn bán.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, quyển “Quốc dụng chí”, phần “Đánh thuế chuyên lợi” chép rằng, năm đó, triều đình cho phép các địa phương có loại thổ sản này được bóc nộp, cho người thuê bóc được hưởng một nửa, nộp vào Nhà nước một nửa. Người thuê bóc được 500 cân thì Nhà nước xuất 50 quan tiền mà trưng mua số quế đó.

Còn tác giả Ngô Cao Lãng, trong cuốn sử riêng của mình, “Lịch triều tạp kỷ” cho biết rõ lệnh cấm này được bãi bỏ vào ngày 20 tháng 2 năm đó, đồng thời bãi cả lệnh cấm mua bán muối trắng và đồng đỏ.

Sách này viết: “Trước kia, có đặt Quế hộ, Diêm hộ và Đồng hộ (tức các hộ coi về quế, muối và đồng), giữ riêng từng việc. Đến đây, đặt ra Diêm đồng hộ, cho phép được công khai mua bán với nhau.

Còn quế, vào mùa Thu, mùa Đông, cho phép thổ dân đi bóc vỏ quế, đem về kinh nộp. Quan giám đương chiếu theo số quế, thu lấy một nửa, chia cho người làm thuê một nửa. Phần quế của người làm công ấy lại thu vào Nhà nước cứ mỗi 100 cân quế thì trả cho 50 quan tiền Nhà nước. Nhiều hay ít cứ theo lệ ấy mà tính ra.

Quan giám đương thu vào và phát gia hạn trong ba ngày là hết. Kẻ nào làm trái phép thì người bị thiệt hại được tố cáo. Người bóc quế nếu giấu giếm để bán riêng thì cho những ai biết chuyện được phép tố cáo. Điều tra quả đúng, sẽ tùy theo tội nặng hay nhẹ mà trừng trị”.

Cũng thời vua Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ nhất (1720), chúa Trịnh Cương cùng bàn với các tể thần là Nguyễn Công Kháng rằng, cây quế là sản vật của nước nhà, mà lệ cũ cho nhân dân buôn bán riêng với nhau, mối lợi về hết bọn lái buôn, việc chi dùng của Nhà nước không được lợi gì, bèn định thi hành phép thuế chuyên lợi về quế, sai quan trông nom công việc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, phàm có nhân dân buôn bán tự nguyện đi bóc quế thì phải làm tờ khải chúa và cung tiến lễ mừng. Quan giám đương hầu chỉ của chúa, cấp bằng cho người đó làm quế hộ.

Các quế hộ vào rừng lấy quế, trước hết phải đến quan trình bằng và nộp lễ mừng 10 quan tiền quý. Khi khai thác quế, được bao nhiêu cân, phải báo cho dân địa phương ghi chép làm bằng chứng, đóng mỗi sọt 100 cân, đem đến trình quan bản trấn cân lại cho rõ ràng rồi cấp bài chỉ.

Khi đem về đến kinh đô, đem bài chỉ của trấn quan và giấy của tuần ty trình quan giám đương chiếu số kiểm lại đúng rồi đánh thuế.

Mức thuế như sau: Cứ mỗi 100 cân định giá là 100 quan tiền, đánh thuế 5 phần 10, cho quế hộ đem về cất giữ. Khi nào có thuyền buôn đến mua, thì làm tờ khải chúa nộp quan giám đương đệ lên chúa xem và hầu chỉ, cho mua bao nhiêu cân thì tính theo thời giá chuẩn cho nộp thuế, cứ mỗi 100 cân quế định giá 100 quan tiền thì đánh thuế 5 phần 10.

Quế hộ đem số quế phần của mình cất giữ tính thuế mà bán. Khách buôn khi trở về thì trấn quan sai binh lính đưa ra khỏi hạt, cứ mỗi lần phải nộp lộ phí là 10 quan tiền.

Thời vua Lê Hiến Tông, năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758), triều đình có chỉ dụ cho quan trấn thủ Nghệ An là Bùi Thế Đạt về việc đánh thuế quế, dặn rằng phải sai người do thám các đường nhỏ trong địa hạt, thấy có trang, sách (các bản làng người dân miền núi) nào có cây quế thì nên để ý thu phục, cân nhắc dân tình và vật giá, sao cho vừa phải để nhân dân vui lòng tìm kiếm, không nên so kè quá mà gây ra cái tệ khiến người ta phải bỏ nghề để tránh thuế.

Phan Huy Chú bình luận: Phép đánh thuế vào niên hiệu Bảo Thái (đời Lê Dụ Tông) rất là thích đáng mà nên thi hành. Quế nước ta chỉ có quế Thanh Hóa là tốt nhất, ngoài ra như quế Nghệ An cũng là hạng khá.

Nhưng đời Bảo Thái đặt phép về sau, thì công việc đánh thuế khiến những người thừa hành không chịu để ý lùng xét cẩn thận, để cho những nơi có quế thường bị bọn con buôn lấy trộm, thuế Nhà nước thiếu hụt là do đấy, cho nên đến đời Cảnh Hưng lại phải định lại việc đánh thuế này, mà phương pháp quản lý lại giao cả cho quan trấn.

Cách đánh thuế quế này tiếp tục được duy trì sang đầu triều Nguyễn. Theo bộ sử “Đại Nam thực lục”, năm Gia Long thứ 2 (1803), vua Gia Long sai thống lãnh thượng đạo Thanh Hoa là Hà Công Thái coi quế hộ, sau hạ lệnh cho trấn thần ủy người đốc suất. Ai bóc trộm quế là bị tội, còn người bóc quế theo đốc suất của trấn thần thì một nửa phải nộp vào quan, được trả công bóc một nửa số vỏ quế đó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiên liệu hàng không từ thực vật có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc giảm lượng khí thải carbon.

Cuộc cách mạng nhiên liệu hàng không

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Washington (WSU, Mỹ) có thể đã tìm ra cách biến chất thải nông nghiệp thành nhiên liệu hàng không.

Chỉ trong nửa tháng, Nga đã chiếm được một vùng rộng ở khu vực Ugledar

Mong ước của viên chỉ huy Ukraine

GD&TĐ - Một chỉ huy Ukraine đã nói rằng, ông không hy vọng chiếm thêm lãnh thổ từ tay Nga mà chỉ mong ước có thể giữ lại được các vùng hiện đang kiểm soát.

Tổ hợp phòng thủ THAAD của Mỹ.

THAAD có chặn được Fattah-2?

GD&TĐ - Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang có kế hoạch trả đũa cuộc tấn công của Iran và mong đợi sự hỗ trợ từ các đối tác trong khu vực.