Thời khắc tấn công Syria đã đến gần

Thời khắc tấn công Syria đã đến gần

(GD&TĐ) - Cuộc thảm sát bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus vừa qua có khả năng đẩy Syria đến bờ vực của cuộc tấn công quân sự do Mỹ và phương Tây phát động. Sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Holland, cuộc gặp gỡ Nga - Mỹ ở The Hague nhằm triệu tập hội nghị hòa bình cho Syria đã bị hủy bỏ.

Trong bối cảnh quân đội Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc tấn công Syria như Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel tuyên bố vào ngày 25/8, ngày thứ ba (27/8), trong cuộc họp báo ở Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: “Chúng tôi không muốn tham chiến với bất cứ ai”.

Mỹ và phương Tây sẽ đánh Syria?

Trong khi các phương tiện truyền thông phương Tây rầm rộ đưa tin rằng Mỹ và đồng minh sẽ tấn công Syria vào một ngày rất gần thì kênh truyền hình NBC trích nguồn tin từ một số quan chức cao cấp của Mỹ khẳng định cuộc tấn công Syria sẽ bắt đầu vào thứ Năm (29/8). Theo NBC, cuộc tấn công vào Syria sẽ không có quy mô lớn và chỉ kéo dài trong 3 ngày.

Mục tiêu của cuộc tấn công là các boongker, sân bay, trận địa pháo binh... nhằm chặn đứng khả năng sử dụng vũ khí hoá học của chính quyền Bashar Assad chứ không có ý định lật đổ chế độ này. Tuy nhiên, theo Reuters, vào thời điểm hiện tại cả Washington và London vẫn chưa đưa ra quyết định tấn công Syria. Ngày thứ Năm (29/8) Thủ tướng Anh David Cameron sẽ trình Quốc hội nước này kế hoạch hành động. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng phải làm những bước tương tự như vậy.

Theo các nguồn tin, phe đối lập Syria đã cung cấp cho NATO danh sách các mục tiêu trên lãnh thổ Syria cần phải tiêu diệt. Việc tấn công Syria cũng sẽ được NATO quyết định trong phiên họp bất thường vào ngày 29/8. Nếu quyết định tấn công Syria được thông qua, các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ đất nước này sẽ bị oanh tạc bởi tên lửa hành trình- Báo chí phương Tây dự đoán. Tên lửa sẽ được phóng từ tàu chiến và tàu ngầm, không quân có thể sẽ không tham gia vào vụ này. Tờ Washington Post đưa tin cuộc tấn công đầu tiên sẽ kéo dài từ 24 - 48 giờ.

Theo Reuters, ngày 26/8, Chủ tịch Liên minh Quốc gia các lực lượng đối lập và cách mạng của Syria Ahmad Jarboe đã có cuộc gặp với các đại diện từ 11 quốc gia thành viên của nhóm “Những người bạn của Syria” và các nhà ngoại giao phương Tây, trong đó có đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Tại cuộc gặp này, phe đối lập ở Syria đã được thông báo rằng hãy chờ đợi một cuộc tấn công quân sự và sẵn sàng đàm phán hoà bình.

Trên thực tế, Washington đã điều quân đến khu vực Địa Trung Hải. Tên lửa hành trình trên các tàu USS Gravery, USS Barry, USS Mahan, USS Ramage và các tàu ngầm khác đã sẵn sàng đợi lệnh khai hoả.

c
Tàu chiến Mỹ áp sát Syria

Phản ứng của thế giới

Trước kế hoạch tấn công Syria của Mỹ, Tân Hoa Xã có bài bình luận “Giải quyết vấn đề Syria: B.Obama phải đối mặt với tình thế khó xử”. Theo Tân Hoa Xã, đến giờ phút này vẫn chưa có kết luận rằng ai đã sử dụng vũ khí hoá học ở Syria. Tuy nhiên, hàng loạt các cuộc tham vấn giữa Washington và các đồng minh trong thời gian gần đây đã chỉ ra rằng: “Phương Tây đã đặt mũi tên lên dây cung và sẽ bắn, ngay cả khi không có sự chấp thuận của Liên Hợp Quốc. Đó là hành động vô trách nhiệm và nguy hiểm” - Tân Hoa Xã nhận định.

Moskva hết sức thất vọng trước việc Mỹ huỷ cuộc tham vấn về Syria dự kiến diễn ra vào ngày 28/8. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo người đồng cấp Mỹ John Kerry về “những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng” nếu Mỹ tấn công Syria.

Ngoài tuyên bố đầy ám chỉ rằng “chúng tôi không muốn tham chiến với bất cứ ai”, có rất nhiều tình tiết thú vị trong cuộc họp báo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moskva hôm thứ ba (27/8). Theo các nhà phân tích thì nội dung cuộc họp báo này là thông điệp khá đầy đủ của Moskva với phương Tây về Syria.

Trong buổi họp báo, Sergei Lavrov tiết lộ những câu hỏi ông dành cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry qua cuộc điện đàm giữa hai ông trước đó 1 ngày rằng chiến lược hành động chống lại Syria của Mỹ đã được lên kế hoạch là gì? Liệu kế hoạch tấn công Syria có giải quyết được các vấn đề của khu vực hay sẽ đưa đến thảm họa?

Câu trả lời của John Kerry “hẹp” hơn so với những gì Sergei Lavrov hỏi. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Nga và Trung Quốc tham gia vào những nỗ lực nhằm loại bỏ vũ khí hóa học khỏi “những bàn tay xấu”. 

Trong khi các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc đang phải trả lời câu hỏi vô cùng khó rằng ai (chính phủ hay phe đối lập) sử dụng vũ khí hóa học tàn sát dân lành thì không ít các nhà phân tích cho rằng đây là hành động cuối cùng của phe đối lập khi bị dồn đến chân tường. Trong bối cảnh bị đánh bật khỏi các thành phố quan trọng mang tính chiến lược, khi không còn cơ hội tham gia vào hệ thống quyền lực ở Syria nếu hội nghị hòa bình Geneva - 2 diễn ra, phe đối lập ở Syria quyết gây ra vụ thảm sát này nhằm kéo Mỹ và phương Tây vào cuộc chiến. Lập luận này là hết sức logic bởi trước đó Washington đã đưa ra “lằn ranh đỏ”- sử dụng vũ khí hóa học. Và có vẻ như chỉ chờ như vậy, Mỹ và phương Tây lên kế hoạch tấn công Syria.

Trả lời phỏng vấn báo Izvestia (Nga), Tổng thống Syria Basshar Assad khẳng định: Nếu tấn công Syria, Mỹ sẽ bại trận như trong cuộc chiến ở Việt Nam trước đây. Bashar Assad khẳng định Syria sẽ “không bao giờ là con rối trong tay phương Tây và Mỹ”. Trong khi đó, Thứ trưởng ngoại giao Syria Faisal Mikdad cho rằng, tấn công Syria sẽ bùng phát sự hỗn loạn và đe doạ an ninh trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, không ít nhà phân tích lại cho rằng, khả năng tấn Syria chớp nhoáng là rất hiện thực. Bằng chứng là Israel đã làm như vậy mấy lần mà Syria có phản ứng trả đũa gì đâu.

Tình hình Syria đang hết sức căng thẳng. Mọi động thái “lệch chuẩn” của bất cứ thế lực nào đều để lại hậu quả khó lường.

Anh Phương (TH)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ