Trong khi đó, mùa đông là thời điểm mọi người thường tập trung trong môi trường đóng kín, thiếu thông khí. Tình trạng này khiến virus dễ lây lan. Ngoài ra, vào mùa đông, sức đề kháng của cơ thể cũng kém hơn, nên dễ mắc bệnh.
Hà Nội ghi nhận ca nghi mắc Covid-19
Ngày 15/11, bệnh nhân P.N.M (21 tuổi) tại Hà Nội được Bệnh viện Nhi Trung ương xác nhận dương tính với Covid-19. Mới đây, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cho biết, kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT PCR tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trưa 16/11 cho thấy, bệnh nhân này âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, P.N.M là bệnh nhân Covid-19 số 1032, nhập cảnh từ Nga về Việt Nam ngày 10/8. Bệnh nhân được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung, Đông Anh từ 25/8 - 17/9.
Sau khi xuất viện, bệnh nhân tự cách ly ở nhà 2 tuần, chỉ tiếp xúc với người nhà và bạn gái, có đeo khẩu trang. Sau khi hết thời gian cách ly, bệnh nhân đi học tại Đại học Hà Nội, lớp YEC, khóa 20. Khi đi học, bệnh nhân ngồi cách 2m với các thành viên còn lại trong lớp. Hết giờ học, bệnh nhân về thẳng nhà, không tới các địa điểm công cộng. Bệnh nhân không đeo khẩu trang trong lớp nhưng có đeo khẩu trang khi ra ngoài.
Ngày 7/11, bệnh nhân được Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội chẩn đoán sốt virus và cho về điều trị tại nhà. Ngày 14/11, bệnh nhân sốt 39 độ, người mệt mỏi, khám lần 2 tại Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội. Sau đó, được bệnh viện lấy mẫu PCR gửi Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm ngày 15/11 dương tính SARS-CoV-2.
Sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tiến hành các biện pháp điều tra dịch tễ, phòng chống dịch Covid-19. Bệnh nhân và người nhà được chuyển cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, được lấy mẫu xét nghiệm.
Bệnh viện Giao thông Vận tải Hà Nội đã xác định 20 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng thông báo các đơn vị liên quan điều tra, rà soát các trường hợp tiếp xúc gần và liên quan tới bệnh nhân này.
Lo sợ làn sóng Covid-19
Hiện tại, nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu kiểm soát được dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng lây nhiễm và số ca tử vong ở châu Âu vẫn không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí trở nên tồi tệ hơn. Trong tháng 10 và đầu tháng 11, “sóng thần” được cho là bao trùm khắp châu Âu. Trước bối cảnh này, hàng loạt quốc gia tiếp tục ban hành những biện pháp chống dịch quyết liệt, bao gồm phong tỏa.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định, Covid-19 bùng phát trở lại có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
“Nguyên nhân khách quan là virus SARS-CoV-2 vẫn lưu hành trong cộng đồng. Khi mùa đông đến, khí hậu lạnh tạo điều kiện cho virus tồn tại lâu hơn và lan truyền thuận lợi. Người dân cũng ở trong nhà và môi trường đóng kín nhiều hơn, tiếp xúc nhau gần hơn. Do đó, virus dễ lây lan hơn. Trong khi đó, còn nhiều người chưa có miễn dịch với virus”, chuyên gia giải thích.
Trong khi đó, về nguyên nhân chủ quan, người dân châu Âu trong mùa hè đã trở lại hoạt động bình thường. Họ chủ quan với các biện pháp phòng dịch cơ bản như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, rửa tay với xà phòng. Đây là những yếu tố góp phần khiến dịch bùng phát trở lại.
Theo PGS Nga, Việt Nam bắt đầu bước vào mùa đông. Đây là thời điểm có những điều kiện thuận lợi để dịch bùng phát, nếu có mầm bệnh lan vào cộng đồng. Lý giải về điều này, chuyên gia cho biết, vào mùa đông, không khí lạnh tạo điều kiện cho virus tồn tại trong môi trường lâu hơn. Ngoài ra, trong mùa đông, mọi người thường tập trung ở môi trường đóng kín, không thông khí tốt. Nhờ đó, khiến virus dễ lây lan. Đặc biệt, sức đề kháng của cơ thể thường kém hơn vào mùa đông nên dễ mắc bệnh.
“Miền Bắc Việt Nam đang bắt đầu vào mùa đông với những điều kiện thuận lợi cho dịch bùng phát, nếu có mầm bệnh lan vào cộng đồng”, PGS Nga cảnh báo.
Cụ thể, chuyên gia cho rằng, mầm bệnh có thể lan truyền qua người nhập cảnh chính thức bằng đường không, đường bộ, đường thủy, nếu không kiểm soát chặt tại các chốt kiểm dịch cửa khẩu và địa phương nơi khách đến. Dịch cũng có thể theo những người nhập cảnh trái phép vào cộng đồng.
Dịch có thể suy yếu trong năm 2021
Trước bối cảnh này, PGS Nga nhấn mạnh, cách ngăn chặn dịch tốt nhất là mỗi cá nhân tự bảo vệ mình. Để làm được điều đó, mỗi người cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch được Bộ Y tế khuyến cáo, như: Đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay với xà phòng, giãn cách với người khác nơi công cộng, ăn uống đủ dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, chuyên gia này khuyến cáo, ngành y tế phải tăng cường kiểm soát dịch tại các cửa khẩu theo quy định. Đồng thời, xét nghiệm mọi đối tượng nghi ngờ bị bệnh. Các bệnh viện, phòng khám phải thực hiện nghiêm túc việc phân luồng, xét nghiệm và các quy định về bệnh viện an toàn trong đại dịch.
Ngoài ra, các thành phố lớn, điểm công cộng cần được tăng cường những biện pháp cưỡng chế đeo khẩu trang. Các phương tiện thông tin đại chúng cần liên tục truyền thông về nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
“Dự báo, mùa đông xuân năm nay, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ở các nước vùng ôn đới và đông dân cư, mật độ dân số cao, ý thức phòng bệnh kém. Dịch vẫn tiếp diễn sang năm 2021. Đến giữa năm và cuối năm 2021, dịch suy yếu dần”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga dự đoán.