Thổi bùng đam mê nhảy múa

GD&TĐ - Sau một thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội khởi động lại 'Cuộc thi Tài năng nhảy múa thiếu niên nhi đồng Hà Nội 2023'.

'Esmeralda', tiết mục giải Ba duy nhất mảng ballet cho thí sinh Nguyễn Minh Anh. Ảnh: Thanh Hoa.
'Esmeralda', tiết mục giải Ba duy nhất mảng ballet cho thí sinh Nguyễn Minh Anh. Ảnh: Thanh Hoa.

Dõi theo chung tuyển Cuộc thi Tài năng nhảy múa thiếu niên nhi đồng Hà Nội 2023, công chúng nhận thấy tinh thần thi đấu hết sức nghiêm túc, say mê và nhiệt huyết cũng như tác phong biểu diễn khá thuần thục, tự tin của các em nhỏ khiến người lớn không khỏi thán phục.

Không đơn thuần là phô diễn kỹ thuật

Sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Hè năm nay Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội khởi động lại “Cuộc thi Tài năng nhảy múa thiếu niên nhi đồng Hà Nội 2023” dành cho các các em thiếu niên, nhi đồng (8 - 15 tuổi); học sinh thuộc các cơ sở đào tạo nghệ thuật, câu lạc bộ nghệ thuật nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Dù thời gian chuẩn bị cho cuộc thi khá ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng nhưng Ban Tổ chức đã khá bất ngờ khi nhận được 109 video (clip) của 335 thí sinh tham dự vòng sơ tuyển. Cùng với việc phân tách hai bảng dự thi: Múa và Nhảy, Ban Tổ chức đã chọn ra 55 tiết mục vào vòng chung tuyển và trao giải, trong đó bên cạnh 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba… bảng múa còn có 1 giải Đặc biệt.

30 tiết mục múa và 25 tiết mục nhảy vào chung tuyển có đề tài khá phong phú, đa dạng với những chủ đề ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, lịch sử dân tộc như các tiết mục: “Quê tôi”, “Hương sắc Việt”, “Hoa núi”, “Kén tằm”, “Vượt muôn trùng khơi”, “Ranh giới”, “Xá cán từ”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Thiếu niên anh hùng”, “Chiến bào”, “Chú bé Lượm”, “Cánh chim mặt trời”… Không ít tác phẩm của các biên đạo - thầy cô dàn dựng khá gần gũi với đời sống đương đại và phù hợp với tâm lí lứa tuổi như: “Về ăn cơm”, “Điều ước giản đơn”, “Một giọt nước”, “Điều con cần”, “Tâm hồn”…

Từ thể loại múa dân gian - dân tộc đến ballet, đương đại đều được các thí sinh thể hiện khá thuần thục. Đặc biệt múa ballet đòi hỏi quá trình rèn giũa, tập luyện hà khắc nhưng một số em vẫn chứng minh được niềm đam mê của mình như: Nguyễn Minh Anh với “Esmeralda”, Vũ Đặng Minh Châu với “Con chim xanh”, Trần Gia Linh với “Biến tấu nữ”.

Múa dân tộc - truyền thống (Anh hùng dân tộc) cũng là một thể loại khó yêu cầu sự chỉn chu, chuẩn xác trong từng động tác nhưng các em đã cho các bạn đồng trang lứa thấy được đây là một thể loại đầy thú vị vừa tôn vinh ngôn ngữ múa dân tộc, vừa bồi đắp tình yêu lịch sử.

Múa đương đại là thể loại được nhiều thí sinh lựa chọn và nhiều em đoạt giải của cuộc thi. Có lẽ đây cũng là điều dễ hiểu bởi nó thể hiện đúng thực trạng của nhu cầu xã hội và xu hướng phát triển của nghệ thuật múa hiện nay.

Ở bảng nhảy, một số tiết mục cho thấy ngoài khả năng phô diễn kĩ thuật thì biên đạo đã khéo léo lồng ghép các chủ đề chân thực với đời sống đương đại vào trong từng động tác, điệu nhảy, như: “Tự hào Việt Nam”, “Welcome to Viet Nam”, “Người nông dân”, “Lính cứu hỏa”, “Tự tin với đam mê”, “Thiếu niên nổi loạn”…

Đó là những điệu nhảy, những dấu hiệu tạo ấn tượng khá mới mẻ, tác động vào nhận thức của không ít người xem, để chợt nhận ra rằng “nhảy” không đơn thuần là sự hoạt náo, phô diễn kĩ thuật, kĩ xảo mà còn hàm chứa cả những thông điệp đầy tính nhân văn, tinh tế được gửi gắm trong mỗi chuyển động cơ thể.

Để tìm ra thí sinh (nhóm nhảy) xuất sắc là vấn đề vô cùng “cân não” đối với Hội đồng giám khảo bởi các thí sinh thể hiện trình độ khá đồng đều, chuyên nghiệp, khó phát hiện sự rụt rè, ngô nghê.

Trao giải Đặc biệt cho thí sinh Nguyễn Thu Giang với tiết mục 'Thiếu niên anh hùng'. Ảnh: Thanh Hoa.

Trao giải Đặc biệt cho thí sinh Nguyễn Thu Giang với tiết mục 'Thiếu niên anh hùng'. Ảnh: Thanh Hoa.

Trao giải Nhất cho thí sinh bảng múa và bảng nhảy. Ảnh: Thanh Hoa.

Trao giải Nhất cho thí sinh bảng múa và bảng nhảy. Ảnh: Thanh Hoa.

Sức hấp dẫn đặc biệt

NSƯT Thế Chiến - Ủy viên Hội đồng giám khảo, cho biết, đây là lần thứ 6 Cuộc thi Tài năng nhảy múa thiếu niên nhi đồng được Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức. So với 5 lần trước đây, Ban Chấp hành mới có rất nhiều sự thay đổi trong công việc tồ chức, truyền thông nên chất lượng cuộc thi được nâng lên.

Nhiều thí sinh đạt chất lượng chuyên môn cao, chứng tỏ nghệ thuật nhảy múa có sức hấp dẫn đặc biệt, nhất là đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. “Thành công mang tính đột phá lần này là tiền đề cho các cuộc thi lần sau. Mong rằng các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa đến hoạt động nghệ thuật mang tính đỉnh cao về thẩm mỹ cần rất nhiều sự đầu tư này”, NSƯT Thế Chiến nhấn mạnh.

Đánh giá về chất lượng nghệ thuật của các thí sinh dự thi, NSND Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cho biết: 55 tác phẩm của 219 thí sinh tham gia chung kết đã thể hiện nội dung, đề tài, bố cục hết sức phong phú dưới sự hướng dẫn nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô huấn luyện viên.

Biên đạo đã dày công sáng tạo, giúp các em bộc lộ tài năng biểu diễn một cách hồn nhiên, trong sáng nhưng chứa đựng đầy sự nhiệt huyết, say mê đối với nghệ thuật nhảy múa.

'Children', tiết mục giải Nhì bảng nhảy. Ảnh: Thanh Hoa.

'Children', tiết mục giải Nhì bảng nhảy. Ảnh: Thanh Hoa.

'Điều ước giản đơn', tiết mục yêu thích bảng múa. Ảnh: Thanh Hoa.

'Điều ước giản đơn', tiết mục yêu thích bảng múa. Ảnh: Thanh Hoa.

Tất cả thành viên Hội đồng giám khảo đều thực sự cảm thấy hạnh phúc, vinh dự khi không chỉ là người được ghi nhận, chứng kiến tài năng nhảy múa của các em trên sân khấu mà còn mong đợi các em sẽ tiếp tục phát huy, lan tỏa tình yêu nhảy múa của mình trên con đường tương lai.

Tuy nhiên, NSND Ngọc Anh cũng không khỏi băn khoăn, lo ngại về số lượng tác phẩm múa dân gian - dân tộc của các thí sinh tham gia khá ít ỏi, lép vế so với các tác phẩm múa dân gian đương đại và nhảy múa hiện đại.

“Vì thế, Ban Tổ chức mong muốn các trung tâm văn hóa, câu lạc bộ nghệ thuật và các biên đạo, huấn luyện viên nên khai thác nhiều hơn nữa những nội dung, đề tài lấy cảm hứng từ những câu chuyện, trò chơi… trong kho tàng dân gian Việt Nam, tạo niềm yêu thích, hứng khởi đối với thể loại múa dân gian trong các em”, NSND Ngọc Anh bày tỏ.

Là một giảng viên, Trưởng Bộ môn Múa hiện đại Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, Chủ nhiệm Trung tâm Đào tạo, phát hiện và phát triển tài năng Red Swan – Trường Đại học VHNT Quân đội – Thượng tá, ThS Vũ Hồng Quân chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên đưa các học sinh của trung tâm đi thi ở một sân chơi mà các em được chăm lo nhiều hơn và thầy cô huấn luyện viên cũng vất vả hơn, khác hẳn với những kỳ thi của các học viên được đào tạo trong môi trường, kỷ luật quân đội.

'Vượt muôn trùng khơi', tiết mục giải Nhất và giải Nhì của 2 thí sinh Mỹ Hoa và Mỹ Anh. Ảnh: Thanh Hoa.

'Vượt muôn trùng khơi', tiết mục giải Nhất và giải Nhì của 2 thí sinh Mỹ Hoa và Mỹ Anh. Ảnh: Thanh Hoa.

Thượng tá Vũ Hồng Quân cũng khá tin tưởng, hài lòng với các thành viên Ban giám khảo - những người đầu ngành, có uy tín nên đánh giá hết sức chuẩn xác, công tâm. Trung tâm Red Swan có 4 thí sinh của 3 tác phẩm vào vòng chung kết thì có 1 giải Nhất, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Đây là một sự ghi nhận và là vinh dự cho tập thể thầy cô và học sinh của trung tâm.

Dù vậy, Thượng tá Vũ Hồng Quân cũng mong muốn Ban giám khảo cần nhìn nhận một cách khích lệ hơn đối với bộ môn múa cổ điển châu Âu (ballet).

“Ballet một thể loại nghệ thuật khó, rất kỳ công và công phu trong khi với lứa tuổi này các con mới được đào tạo ở các trung tâm từ 2 đến 3 năm mà thể hiện các biến tấu kinh điển thì đó là những thành công vượt mong đợi. Vì thế, không thể đòi hỏi một cách khắt khe mà cần có động thái động viên, khuyến khích để các con tự tin hơn khi theo đuổi bộ môn nghệ thuật bác học này”, ông Quân nói.

Thành công của cuộc thi Tài năng nhảy múa thiếu niên, nhi đồng thành phố Hà Nội năm 2023 đã khẳng định sức hấp dẫn, thu hút đối với các em thiếu niên, nhi đồng đang sinh hoạt tại các trung tâm, câu lạc bộ. Hi vọng, đây sẽ là địa chỉ quen thuộc, là sân chơi hữu ích, lành mạnh bồi dưỡng, nâng cao tình yêu đối với nghệ thuật nhảy múa; bồi đắp tinh thần và thể chất, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa trẻ em, gia đình và cộng đồng.

“Do ảnh hưởng dịch bệnh, nguồn kinh phí eo hẹp, việc huy động sự hỗ trợ từ các nhà tài trợ ngày càng khó khăn, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội không chủ động được khâu tổ chức cuộc thi “Tài năng nhảy múa thiếu niên, nhi đồng thành phố Hà Nội”. Song chỉ trong thời gian ngắn phát động, hội đã nhận được sự hưởng ứng hào hứng của các thí sinh. Đó là động lực, thuận lợi để Ban Tổ chức sẵn sàng cho cuộc thi và mong muốn cuộc thi sau sẽ có nhiều thời gian chuẩn bị, huy động được thêm nhiều nguồn lực, kinh phí để các em thiếu niên, nhi đồng các vùng lân cận, ngoại ô có thể tham gia”, NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cập nhật sxmb mới nhất