Cuộc thi KHKT là bà đỡ cho sáng tạo, ươm mầm những tài năng

GD&TĐ - Đó là phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tại lễ khai mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 – 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với thí sinh tham dự cuộc thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với thí sinh tham dự cuộc thi.

Ươm mầm tài năng

Chiều 22/3, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Bộ GD&ĐT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức khai mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học lần thứ 11, năm học 2022 – 2023.

Cuộc thi năm nay diễn ra trong 3 ngày (22, 23, 24/3/2023) với sự tham dự của 70 đơn vị, bao gồm 59 sở GD&ĐT, 11 trường phổ thông trực thuộc Bộ GD&ĐT, trường đại học và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Có 143 dự án của 272 học sinh (48 học sinh THCS và 224 học sinh THPT) tham dự cuộc thi năm nay.

Các dự án thuộc 17 lĩnh vực: Hệ thống nhúng; Hóa học; Hóa Sinh; Khoa học động vật; Khoa học thực vật; Khoa học vật liệu; Khoa học xã hội và hành vi; Kỹ thuật cơ khí; Kỹ thuật môi trường; Kỹ thuật y sinh; Năng lượng: Vật lí; Phần mềm hệ thống; Rô bốt và máy tính thông minh; Vật lí và Thiên văn; Vi sinh; Y học chuyển dịch; Y sinh và khoa học sức khỏe.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Minh Cương

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Minh Cương

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Trưởng Ban chỉ đạo cuộc thi cho biết, cuộc thi KHKT lâu nay đã trở thành sân chơi trí tuệ quen thuộc với học sinh trung học. Từ năm học 2011-2012, nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học được triển khai hiệu quả đến từng cơ sở giáo dục. Các cuộc thi KHKT được tổ chức thường niên từ cấp cơ sở đến quốc gia đã nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của nhiều lực lượng xã hội; tạo được chuyển biến mạnh mẽ về quan niệm dạy học cũng như phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Đồng thời, cuộc thi KHKT là dấu ấn thể hiện sự hội nhập của giáo dục Việt Nam với thế giới hiện đại; nâng cao vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã cử nhiều lượt học sinh tham dự Cuộc thi KHKT quốc tế (ISEF), các cuộc thi, triển lãm quốc tế về sáng tạo KHKT và thu được nhiều kết quả đáng tự hào. Bạn bè thế giới đã quen thuộc với quốc kì và quốc ca Việt Nam mỗi khi ban tổ chức cuộc thi KHKT quốc tế vinh danh thí sinh đoạt giải.

Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: Minh Cương

Quang cảnh lễ khai mạc. Ảnh: Minh Cương

“Trong năm học 2020-2021 và 2021-2022, mặc dù dịch bệnh Covid-19 là nỗi kinh hoàng cho cả thế giới nhưng chúng ta vẫn tổ chức thành công cuộc thi KHKT ở tất cả cấp học, lựa chọn được những dự án có chất lượng cao tham dự Hội thi quốc tế bằng hình thức trực tuyến và đều đoạt giải. Đó là bằng chứng thuyết phục về tinh thần hiếu học, khát vọng sáng tạo của học sinh Việt Nam. Trong năm học này, cùng với sự hồi phục dần về kinh tế của đất nước giai đoạn hậu Covid-19, chúng ta hãy đồng lòng nâng cao trách nhiệm mở rộng hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông. Tạo đà, tạo nguồn và tạo sức bền cho cuộc thi KHKT các cấp theo định kì hằng năm. Góp phần thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng, để làm được điều đó, mỗi thầy giáo, cô giáo, nhà khoa học cùng có trách nhiệm giúp học sinh hiểu rằng: Bất kì thành tựu KHKT nào cũng đều là kết quả của sự sáng tạo. Hiểu một cách đơn giản, sáng tạo là tạo ra cái mới. Cụ thể đó là một sản phẩm mới, cách kết hợp mới, quan niệm mới hay một ý tưởng mới... Đương nhiên đó phải là cái mới có ích, mang ý nghĩa tích cực, đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn, phải giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Cuộc thi năm nay có 143 dự án của 272 học sinh (48 học sinh THCS và 224 học sinh THPT).

Cuộc thi năm nay có 143 dự án của 272 học sinh (48 học sinh THCS và 224 học sinh THPT).

Cuộc thi KHKT là sân chơi bổ ích, bà đỡ cho những sáng tạo, ươm mầm tài năng. Song song với sự phục hồi kinh tế thời kì hậu Covid-19, chúng ta cần duy trì và làm cho cuộc thi ngày càng đạt chất lượng tốt hơn, tạo ảnh hưởng tích cực đến những tiến bộ xã hội; tiếp tục lựa chọn dự án xuất sắc nhất để tham sự Hội thi KHKT (ISEF) quốc tế, góp phần nâng tầm trí tuệ Việt Nam.

Không bỏ sót tài năng

Đối với cuộc thi KHKT năm học này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Ban tổ chức có kế hoạch hoạt động chi tiết, phân công rõ người, rõ việc; đảm bảo những điều kiện tốt nhất để giám khảo làm việc và thí sinh phát huy được khả năng, năng lực của mình. Xây dựng các phương án chủ động ứng phó với sự cố bất thường có thể xảy ra trong quá trình tổ chức cuộc thi.

Sở GD&ĐT Quảng Ninh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh có phương án hỗ trợ các đoàn tham dự cuộc thi khi cần; cung cấp những thông tin cần thiết, tư vấn cho các đoàn về công tác hậu cần; đảm bảo an toàn về con người và tài sản trong thời gian tham dự cuộc thi. Các Sở GD&ĐT phối hợp với Sở GD&ĐT Quảng Ninh đảm bảo việc ăn nghỉ, đi lại, chuẩn bị hệ thống thiết bị giúp thí sinh dự thi; huy động các nguồn tài trợ động viên bằng cả tinh thần và vật chất trong điều kiện có thể để thí sinh tự tin tham dự cuộc thi.

Sau lễ khai mạc, Thứ trưởng dành thời gian đi thăm và động viên học sinh có dự án tại cuộc thi. Ảnh: Minh Cương

Sau lễ khai mạc, Thứ trưởng dành thời gian đi thăm và động viên học sinh có dự án tại cuộc thi. Ảnh: Minh Cương

Ban giám khảo làm việc chính xác, công tâm, dân chủ, khách quan; chú ý phát hiện và trân trọng những ý tưởng sáng tạo, độc đáo với phương châm “không bỏ sót tài năng”; lựa chọn được những sản phẩm tốt nhất để trao giải và chọn cử tham gia Hội thi quốc tế ISEF; vinh danh thí sinh xuất sắc nhất để tạo cảm hứng và truyền cảm hứng cho lớp lớp học sinh từ các nhà trường.

Đặc biệt, Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế. Vì thế mỗi chúng ta càng phải ý thức ứng xử văn hóa, văn minh để góp phần tạo dựng ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ