Từ chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước...
Những năm qua, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất như Chương trình 30a, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh Điện Biên. Mục tiêu từ các chính sách nhằm tạo bước chuyển dịch trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tận dụng lợi thế này, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các xã rà soát các hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ. Trong đó, ưu tiên lựa chọn những cây, con giống chất lượng và có giá trị kinh tế cao để hỗ trợ cho người dân, như: giống lúa chất lượng cao, ngô lai, phân bón. Nhiều hộ còn mạnh dạn nhận khoán bảo vệ rừng, trồng rừng. Không những thế, người dân còn được hỗ trợ khai hoang tạo đất trồng lúa nước; hỗ trợ các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; mua giống cỏ trồng phát triển chăn nuôi trâu, bò…
Mô hình trình diễn lúa chất lượng cao tại huyện Điện Biên Đông. |
Quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn cũng như các tổ chức đoàn thể. Nhờ đó, các chương trình hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng, hạng mục hỗ trợ không có sự trùng lặp, chồng chéo.
Ông Tráng Phổng Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông cho biết: “Thời gian qua từ các nguồn vốn hỗ trợ như chương trình 30A, 135… mua được 34 con bò giống, xã đã triển khai rà soát các đối tượng hộ nghèo, không có khả năng mua giống để cấp phát. Đến nay số lượng bò đã phát triển tốt nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, đời sống ổn định hơn”.
Việc hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện trên cơ sở nhu cầu thực tế sản xuất của người dân như: triển khai các mô hình thâm canh lúa, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ trâu, bò sinh sản. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, huyện đã tổ chức triển khai 115 mô hình dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 15 dự án nhân rộng các mô hình giảm nghèo. Trong đó, đã hỗ trợ trên 3.000 con trâu, bò cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số.
Đồng thời, để đảm bảo chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, huyện Điện Biên Đông đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng đúng mục đích các nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án, nhất là hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Các xã đã giao cho từng bản tổ chức họp dân, thông tin tuyên truyền, thông báo công khai các chính sách hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, lựa chọn các hộ có điều kiện để đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…
Người dân được phổ biến các chính sách hỗ trợ giảm nghèo. |
Đời sống người dân được nâng cao...
“Từ khi thực hiện mô hình trình diễn áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ vào trong sản xuất lúa vụ mùa do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên hỗ trợ, tôi thấy cùng một diện tích gieo trồng nhưng khi áp dụng mô hình vào, sản lượng năng suất tăng hơn hai lần so với vụ trước, sâu bệnh hại cũng ít hơn rất nhiều…”, anh Quàng Văn Pâng bản Pá Pao, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông chia sẻ.
Qua thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất được đánh giá là chương trình hợp lòng dân.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trên địa bàn huyện, đời sống của đại bộ phận người dân đã được nâng lên.
Người dân đã có chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế, nhất là trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ. Người dân tích cực tham gia sản xuất vụ đông xuân, chủ động sản xuất vụ mùa, trồng ngô trên diện tích trước đây trồng lúa nương, góp phần quan trọng vào đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo của huyện.
Hỗ trợ vốn để người dân đầu tư phát triển kinh tế. |
Ông Nguyễn Trọng Huế - Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Điện Biên Đông cho biết: “ Các xã và các phòng ban chuyên môn đã phối hợp tham mưu cũng như tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ cho bà con nhân dân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, huyện cũng chú trọng trong công tác đa dạng hóa sinh kế cũng như hỗ trợ sản xuất và xây dựng các mô hình về trồng trọt chăn nuôi.
Qua đánh giá đến thời điểm hiện tại các mô hình cũng như các chương trình hỗ trợ đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Qua đó đảm bảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Nhờ triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp hàng nghìn hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm đã giảm đáng kể; kiến thức sản xuất, trình độ học vấn, vấn đề hiểu biết phát luật, chấp hành pháp luật trong đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng cao.