Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Chiến thắng này là của ai? Tại sao Moskva lại ủng hộ thỏa thuận này khi thừa biết việc dỡ bỏ cấm vận đối với Iran sẽ làm giá dầu lao dốc, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế với 40% phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ của Nga?
Thắng lợi của Obama có công của V.Putin
Không ai phủ nhận việc ký kết thỏa thuận hạt nhân của Iran là chiến thắng ngoại giao quan trọng của Bararck Obama. Ngoài việc chấm dứt chương trình hạt nhân gây tranh cãi, việc ký kết thủa thuận hạt nhân Iran để lại bài học lịch sử quan trọng - mọi vấn đề dù có nan giải đến mấy vẫn có thể giải quyết bằng đường ngoại giao mà không cần đến súng đạn.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ, đặc biệt là nhóm vận động hành lang cho Israel đang là rào cản đối với Tổng thống Mỹ. Thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ có hiệu lực khi được Quốc hội Mỹ thông qua và giờ là lúc quả bóng mang tên “hạt nhân Iran” đang nằm ở nước Mỹ.
Bình luận về thắng lợi của thỏa thuận hạt nhân Iran, các tờ báo hàng đầu của phương Tây một lần nữa lại phải ngả mũ kính chào bản lĩnh và tài thao lược của Tổng thống Nga V.Putin. Tờ The New York Times viết: “Với một con người luôn được coi là nhà lãnh đạo độc tài, bạo lực ở phương Tây, Tổng thống V.Putin đã thành công trong những ngày qua: Ông khẳng định mình ở vị trí trung tâm của ngoại giao quốc tế, thậm chí còn nhận được lời khen ngợi bất ngờ từ Tổng thống Obama vì sự trợ giúp trong việc ký kết thỏa thuận hạt nhân của Iran”.
Mặc dù quan điểm của ông về Ukraine không hề thay đổi, “Putin biết giữ mình trên trường quốc tế, tham gia các giải pháp ngoại giao có chủ ý để phá tan những nỗ lực của phương Tây trong việc coi ông như một nhân vật phản diện”- Các chuyên gia nhận định. Theo Pavel Baev (Viện Nghiên cứu hòa bình Oslo), có những thời điểm trong cuộc đàm phán kéo dài, Moskva đã tìm cách “làm phức tạp thêm tình hình” như tuyên bố xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Iran, cung cấp tên lửa S-300 cho Iran bất chấp các lệnh trừng phạt chống lại Iran của LHQ.
“Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối cùng, mang tính quyết định nhất của cuộc đàm phán, Moskva đã tự giữ mình, không có những động thái phá bĩnh” - Baev nói.
Tại sao Moskva ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran?
Không ít các nhà phân tích đặt câu hỏi: Tại sao Nga sẵn sàng ủng hộ việc ký kết thỏa thuận hạt nhân, dọn đường cho sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran trong khi thừa biết Tehran có thể giật đổ giá dầu, gây tổn thương cho nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ của họ?
Theo Baev, Putin quyết định như vậy là do lợi ích từ việc cải thiện quan hệ kinh tế với Trung Quốc, trong đó lượng dầu, khí bán được cho Bắc Kinh mang lại lợi nhuận hơn nhiều so với những thiệt hại do sự trở lại thị trường năng lượng mà Iran mang lại.
Các nhà phân tích dự đoán sự trở lại thị trường năng lượng của Iran với 500.000 đến 1 triệu thùng dầu mỗi ngày có thể đẩy giá dầu xuống dưới 45 USD/thùng - Tờ La Stampa viết. Điều này cực kỳ bất lợi cho ngân sách của Kremlin, tuy nhiên, khi bỏ cấm vận đối với Iran, Moskva hưởng lợi rất nhiều từ các khoản khác.
Thứ nhất, bỏ cấm vận đồng nghĩa với việc mở đường cho xuất khẩu vũ khí - một món lợi lớn của Moskva khi Iran luôn là thị trường truyền
thống của Nga. Thứ hai, Mặc dù Iran là nhà xuất khẩu khí lớn thứ 2 thế giới, sau Nga nhưng việc đẩy mạnh khai thác dầu khí ở
Iran khiến nước này cần rất nhiều nguồn đầu tư từ nước ngoài, trong đó Nga là ứng cử viên số 1.
Trước khi có lệnh cấm vận, chỉ tính riêng nhà máy đường ống trên sông Volga của Nga đã cung cấp tới 40% cho thị trường đường ống
của Iran, Tổng Công ty Unitet của Nga cung cấp cho Iran 25% thị trường máy bơm và turbin.
Ấy là chưa kể Tehran cần các tuyến đường sắt để vận chuyển dầu và Nga có đầy đủ điều kiện đáp ứng cho nhu cầu này. Iran có thể làm khuynh đảo thị trường dầu mỏ sau khi bỏ cấm vận, nhưng người cùng hưởng lợi không ai khác là Nga.