Thỏa hiệp tư pháp và hệ lụy chính trị

GD&TĐ - Vụ việc WikiLeaks kéo dài suốt 3 thời Tổng thống Mỹ là Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Sau 7 năm tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở thủ đô London (Anh), hơn 5 năm tù trong nhà giam ở Anh, chấp nhận tự thú trước một tòa án ở Mỹ và nhận một trong tổng số 17 tội bị cáo buộc, nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã được trả tự do.

Ông này cũng thỏa hiệp với tư pháp Mỹ để được hồi hương, chấm dứt một vụ việc thu hút sự theo dõi của cả thế giới vì liên quan đến chính trị và an ninh, tư pháp quốc gia và quan hệ quốc tế, tự do báo chí và báo chí điều tra.

Ngay từ đầu, vụ việc này đã mang màu sắc chính trị. Thụy Điển và Anh đã dàn dựng mọi kịch bản có thể để dẫn độ ông Assange về Mỹ theo yêu cầu của nước này.

Vụ việc kéo dài suốt 3 thời Tổng thống Mỹ là Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden, đồng thời góp phần không nhỏ vào làm sâu sắc thêm sự phân hóa trên chính trường và dư luận nước Mỹ.

Cả ba vị tổng thống trên đều coi Assange là kẻ thù của nước Mỹ, nhưng cả ba đều lợi dụng ông này phục vụ cho lợi ích và mục tiêu của họ. Ông Obama để cho nghiêm trị Chelsea Manning - người đã cung cấp thông tin mật cho Assange, nhưng rồi giảm đáng kể án tù cho người này để lấy lòng giới quân sự và báo chí Mỹ.

Ông Trump lợi dụng WikiLeaks để xoáy vào điểm yếu của đối thủ chính trị là bà Hillary Clinton trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ ông này kích hoạt quá trình truy sát Assange.

Thế nhưng mới đây, ông Trump tuyên bố nếu trở lại cầm quyền thì sẽ ân xá ông Assange. Ông Biden tiếp tục mạch truy sát ông Assange về tư pháp. Nhưng vì vận động tranh cử tổng thống mà ông phải tìm mọi cách vô hiệu hóa những con chủ bài của Trump, trong đó có vấn đề truy sát tư pháp ông Assange.

Nếu giải quyết được dứt điểm vấn đề Assange, Tổng thống Biden không những thoát khỏi tình thế khó xử hiện tại, mà còn có được lợi thế lớn trong cuộc đua với đối thủ Donald Trump.

Thỏa thuận vừa rồi giữa tư pháp Mỹ và Assange cũng giúp Tổng thống Biden tranh thủ được giới báo chí và truyền thông vốn luôn coi tự do báo chí là tối thượng, đặc biệt tôn sùng báo chí điều tra.

Ông Biden không bị tổn hại thể diện khi nhà sáng lập WikiLeaks nhận tội, cho dù không nhận tất cả 17 tội bị cáo buộc, tự thú trước tòa và chấp nhận bị tòa án Mỹ xét xử, phán quyết.

Như thế có nghĩa là ông Assange bị tuyên phạt án tù chứ không được trắng án, phạm tội chứ không phải vô tội theo luật pháp và tư pháp Mỹ. Điều đó giúp ông Biden giải quyết được vấn đề mà ông Trump vốn không giải quyết được và đang dự định sẽ giải quyết nếu trở lại cầm quyền ở Mỹ.

Tổng thống Biden còn giữ cho mối quan hệ của Mỹ với Australia không bị ảnh hưởng tiêu cực. Chính phủ Australia lâu nay kiên trì thuyết phục, vận động và đấu tranh với Mỹ, Anh và Thụy Điển để ông Assange được tự do.

Australia là đối tác rất quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giải pháp cho vấn đề Assange đã giải thoát Chính phủ Australia khỏi tình trạng chịu áp lực và khó xử về đối nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ