Chuẩn bị từ một tháng trước, bằng việc mua một con lợn về nuôi để làm thịt Tết, sáng 26/1 (tức 29 Tết), gia đình anh Tạ Quang Hòa ở xóm 11, Khánh Sơn1, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) cùng những người trong nhóm đã tập trung mổ thịt con lợn này. Sau một hồi thuốc, trầu rôm rả, chờ vợ anh Hòa nấu nước sôi, mọi đã người bắt tay vào công việc chính.
Chỉ một thoáng sau, con lợn 70 kg đã được làm xong. Thịt thành phẩm được phân chia thành 8 suất, mỗi suất được 7 kg cả thịt lẫn xương.
Niềm vui đụng thịt ngày tết tại xã Thanh Hưng (Thanh Chương). Ảnh: Huy Thư.
Anh Nguyễn Văn Trúc (31 tuổi) ở xóm 4, Khánh Sơn 2, xã Khánh Sơn lên "đụng thịt" tại nhà anh Hòa, cho biết: Tết năm nào cũng thế, nhà anh ít khi đi mua thịt lợn giữa chợ mà thường đi "đụng thịt" với người trong xã. Tầm tháng 10, 11 âm lịch, thấy nhà ai nuôi lợn để ăn Tết hay gần Tết có người kêu gọi "đụng thịt" thì anh sẽ “đăng ký” với họ để chung suất, chia phần”
Theo anh Trúc, những con lợn để đụng này được các gia đình nuôi trước đó một thời gian bằng thức ăn rau, cám bình thường và không nuôi bằng “cám cò” và các hợp chất khác. Nhà nào cầu kỳ còn nuôi lợn từ nhỏ cho đến lúc làm thịt. Tết đến, mọi người bàn bạc chọn ngày mổ lợn, chia thịt.
Thịt trâu đã chia phần tại nhà chị Nguyễn Thị Phương xóm Hòa Phú xã Hiến Sơn (Đô Lương). Ảnh: Huy Thư.
"Đụng thịt" như thế này, so với giữa chợ, thịt sẽ ngon, sạch và rẻ hơn, ngoài ra còn vui nữa. Anh em bạn bè trong xóm, ngoài làng sẽ được gặp nhau, cùng làm thịt lợn, cùng ăn uống, chúc tụng vui vẻ.
Không chỉ có đụng thịt lợn, hiện nay người dân quê mình còn đụng cả thịt trâu, thịt bò. Chị Nguyễn Thị Phương (24 tuổi), Bí thư xóm Hòa Phú, xã Hiến Sơn (Đô Lương) cho biết, nhà chị vừa đụng 1 con trâu nghé. Con nghé này được các gia đình trong xóm mua của người quen với giá 10 triệu đồng, cách nay 1 tháng.
Chiều 29 tết, các gia đình đã tập trung tại nhà chị để làm thịt nghé, chia phần. Sau khi làm xong, thịt nghé được chia thành 10 suất , mỗi suất được 6 kg thịt (chưa tính lòng và xương) có giá 1 triệu đồng. Ai thích suất nào thì lấy suất đó.
Tết nay, gia đình chị Phương có công, nên lấy luôn 3 suất, ngoài thịt nghé, còn làm thêm 1 con lợn nữa. Theo chị Phương, năm nay bà con trong xóm Hòa Phú đụng thịt Tết rất nhiều, ít người đi mua ở chợ.
Qua tìm hiểu được biết, ngày trước người dân nông thôn thường đụng thịt ngày Tết. Bởi ngày đó, thịt lợn còn hiếm chứ không nhiều như bây giờ, hơn nữa gia đình nào cũng nghèo, cơm không đủ mà ăn thì lấy đâu ra tiền để mua thịt.
Người dân xóm 6 xã Hạnh Lâm đụng thịt Tết, xong việc, gánh thịt ra về. Ảnh: Huy Thư.
Vì vậy, năm nào cũng thế, cứ đến Tết, người dân khắp mọi nơi lại rủ nhau cùng chung đụng thịt lợn, chia phần. Họ thường công khai định giá lợn trước để ước lược số người chung đụng. Sau khi làm thịt, định suất, người nhận thịt không phải thanh toán ngay mà được chịu đến một thời gian nhất định, thường là đến ngày mùa mới phải trả bằng lúa.
Hàng năm cứ độ Giêng, Hai, nhiều nhà đã đi chọn lợn giống các chợ để về nuôi làm thịt Tết. Nuôi lợn ngày đó, thời gian khá dài, cả nhà phải tập trung phụ phẩm nông nghiệp, gần như trọn năm mới nuôi được một con lợn có trọng lượng 50 – 60 kg. Có lợn để làm thịt ngày Tết không chỉ là niềm mong đợi của những nhà nuôi lợn mà còn là sự háo hức của người già và trẻ em.
Năm tháng gian khổ đó đã qua, nhưng bây giờ, mỗi dịp Tết về, người dân các xóm làng vẫn “gù” nhau chung đụng thịt lợn, thịt trâu, bò. Cách thức hóa giá, làm thịt, chia phần thì vẫn như xưa, chỉ có khác là cách thanh toán bằng tiền mặt. Lấy thịt trả tiền và thường trả ngay chứ không phải chịu lâu dài như ngày trước.
Lý do đụng thịt ngày nay cũng khác ngày xưa, chẳng phải vì thịt lợn hiếm, lại chẳng phải vì tiền không dư giả, mà vì chất lượng thực phẩm bây giờ. Thời buổi thị trường, do chạy theo lợi nhuận, bất chấp tính mạng con người, lợn, trâu, bò… được nuôi bằng đủ loại thức ăn, mà trong đó có chứa không ít hóa chất độc hại, (kể cả sau khi đã làm thịt) gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Vì vậy mỗi dịp Tết về, những gia đình muốn có thịt sạch, thịt ngon thì phải chung đụng thịt,
Nhiều nhà tự chăn nuôi gà, lợn để làm thịt hoặc cất công đến với vùng sâu vùng xa, để săn lùng lợn rừng, lợn nít… dù tốn công sức và giá cả có cao hơn nhưng yên tâm hơn về chất lượng.
Những năm gần đây, cứ độ 27 Tết trở đi, khắp các làng quê lại xôn xao chuyện chung đụng thịt Tết. Cuộc sống đã đổi thay, nhưng tục đụng thịt ngày Tết ở quê mình thì dường như vẫn thế – một nét quê xưa luôn sống lại mỗi dịp Tết về.