Thịt da nào mà chẳng biết đau

Đây không phải lần đầu anh thượng cẳng chân hạ cẳng tay với em. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không biết sau mỗi lần đánh vợ, anh có thật sự ân hận như lời anh đã nói, hay đơn giản chỉ là lời xin lỗi qua quýt cho xong chuyện, để cơm lại lành canh lại ngọt, để em lại cúc cung tận tụy chăm sóc gia đình.

Những vết thương trên da thịt em còn sưng tím nhưng anh đâu cảm thấy đau. Càng không thể nhìn thấy được nỗi đau trong tâm hồn một người vợ đã chịu nhiều thương tổn. 

Chỉ có em đối diện với nó mỗi ngày và luôn tự hỏi có phải mình đã sai với sự lựa chọn này? Liệu đây có phải lần cuối cùng anh lao vào em đánh đập như hổ dữ? Cuộc hôn nhân này liệu đi được bao xa?

Em có lý do để nghi ngờ tình yêu anh dành cho em đã cạn đáy rồi. Em cứ nghĩ đã là vợ chồng đầu ấp tay gối thì người này đau, người kia phải xót. Đằng này đánh em xong anh hả hê đi nói với bạn bè rằng “hư thì phải dạy. Lần sau có thách kẹo cũng không dám hỗn”. 

Em đã từng nhìn lại mình nhiều lần và cũng tự suy xét đúng sai. Nên em đang tự hỏi nếu mọi mâu thuẫn lớn nhỏ đều không thể dùng lời nói để giải quyết mà phải động đến tay chân thì có khi chẳng cần giữ cái gia đình này làm gì nữa.

Em nhớ cách đây bốn năm, lúc anh đến thưa chuyện với gia đình em để xin cưới, bố em không nói gì nhiều, chỉ dặn anh đối xử với em theo đúng nghĩa phu thê. 

Bố mẹ sống với nhau hơn ba mươi năm trời, đã lên chức ông bà, đầu đã hai thứ tóc, ấy vậy mà chưa bao giờ bố làm đau mẹ. Như bao nhiêu gia đình khác, bố mẹ cũng đã từng gặp nhiều sóng gió, từng không biết bao nhiêu lần cãi cọ to tiếng với nhau.

Thế nhưng bố mẹ đều vượt qua một cách ôn hòa để cùng chăm sóc con cháu và sống hạnh phúc lúc về già. Ấy là vì ngoài nghĩ đến trách nhiệm, còn là tình yêu thương và sự tôn trọng mà cả hai người dành cho nhau. 

Em cũng có lúc sai, nhưng bạo lực đâu phải là cách giải quyết mâu thuẫn gia đình; huống hồ chính anh lại là nguyên nhân gây ra mâu thuẫn đó. Em nhẫn nhịn suốt bao lâu thì được, vậy tại sao lúc “cơm sôi” anh lại không thể vì em mà “bớt lửa”?

Anh bảo “đàn bà thì phải nhún nhường, nhịn nhục” lúc nghe em than thở về nỗi khổ của mình khi sống trong gia đình chồng. Bốn năm chung sống, anh bỏ mặc em tự xoay xở với bao định kiến nhà chồng. 

Anh không bao giờ bênh vực, động viên như thể đó là cuộc sống của riêng em nên em hãy tự mình chiến đấu. Em đã im lặng quá lâu, bao nhiêu oan ức dồn nén trong lòng chỉ chờ có cơ hội được bung ra cho nhẹ. 

Chỉ cần anh lắng nghe là em đã thấy được an ủi phần nhiều. Nhưng lần nào cũng vậy, đã không cùng em tìm giải pháp anh còn thách thức, thậm chí xúc phạm em. Em cũng chỉ là con người, cũng có lúc tức nước vỡ bờ mà nói lời nặng nhẹ với anh, để rồi phải nhận về những cú đánh xây xẩm mặt mày. Liệu có phải anh đánh nhiều thành quen tay, quen tính?

Hôm qua lúc anh ngồi cùng bạn bè, mọi người nhắc đến câu chuyện chồng tra tấn vợ như thời trung cổ đang khiến dư luận phẫn nộ. Anh thản nhiên bảo: “Đàn bà khôn khéo thì đừng nên kiện tụng làm gì, đóng cửa mà bảo nhau. Đánh thì cũng đã đánh rồi”. 

Em bỗng nhiên thấy chua xót cho thân phận những người đàn bà cam chịu chỉ vì muốn yên cửa yên nhà. Giống như em sau mỗi lần bị anh đánh, lại vội vàng tìm cách che đậy vết thương để không ai nhìn thấy. Sợ người trong nhà nhỏ to, sợ thiên hạ dị nghị nên vết thương ở tay thì mặc áo tay dài, ở mắt thì xõa tóc.

Còn vết thương ở tim thì hết lần này đến lần khác em đều cố gắng che đậy bằng nụ cười. Em đâu phải là gỗ đá mà không biết xót thương mình. Cũng thôi không cần thứ vỏ bọc hạnh phúc nữa. 

Dù không có cuộc kiện tụng ầm ĩ nào thì đàn bà chúng em cũng còn biết ra đi. Nói để anh hiểu thịt da nào mà chẳng đau và có những vết thương mãi mãi không bao giờ lành được…

Theo PNO

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.