Thiếu quyết liệt, dân mất niềm tin

GD&TĐ - Việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN) “chỉ mặt, đặt tên” 4 dự án BOT phải tạm dừng thu phí do chậm triển khai thực hiện thu phí không dừng đã được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, việc thiếu quyết liệt trong công tác giám sát, chỉ đạo sẽ khó lấy lại được niềm tin của người dân.

Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Xuân Phú
Trạm thu phí BOT Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh: Xuân Phú

Vẫn thu phí bình thường

Vừa qua, TCĐBVN cho biết, 3 trạm BOT phải tạm dừng thu phí sử dụng đường bộ cho đến khi hoàn tất việc ký phụ lục hợp đồng BOT triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng, hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Các trạm thu phí bị tạm dừng thu phí gồm: Trạm thu phí Km2079 + 535 QL1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp); Bắc Hải Vân thuộc Dự án hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (Công ty Cổ phần Phước Tượng Phú Gia BOT); Cam Thịnh - Km1517+ 647, Quốc lộ 1 thuộc Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1488 - Km1525 qua tỉnh Khánh Hòa (Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT QL1 - Cam Ranh).

Tuy nhiên, cho đến sáng 8/7, khi các quyết định của TCĐBVN có hiệu lực thì người dân vẫn thấy các trạm BOT trên thu phí. Anh Trần Thanh (thành viên của Fanpage Hoilaixe) cho biết: “Trạm Bắc Hải Vân ngày 7/7/2019 vẫn thu phí. Khi hỏi đã thông báo dừng thu phí rồi sao vẫn còn thu họ trả lời thông tin không chính xác và vẫn thu phí bình thường”.

Liên quan đến quyết định của TCĐBVN yêu cầu các BOT thực hiện thu phí không dừng, nhiều người dân tỏ ra đồng tình ủng hộ. Anh Nguyễn Văn Giang, một thành viên khác của Fanpage Hoilaixe chia sẻ: “Tôi ủng hộ việc làm này, nó rất hữu ích và tiết kiệm thời gian, quan trọng nhất là minh bạch tài chính, không thất thoát. Vì vậy, nên triển khai càng sớm càng tốt”.

Về việc triển khai công nghệ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng (ETC), Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định, đây là chủ trương đúng của Chính phủ, giúp các phương tiện tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, hiệp hội này cũng nêu quan điểm không đồng tình cách triển khai hiện nay của TCĐBVN.

Sau khi nghe các doanh nghiệp BOT giải thích, Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu TCĐBVN rút lại "tối hậu thư"
  • Sau khi nghe các doanh nghiệp BOT giải thích, Thứ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu TCĐBVN rút lại "tối hậu thư"

“Tối hậu thư” bị... chống đối

Theo Quyết định của Thủ tướng, lộ trình lắp đặt thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 phải xong trong năm 2018 (gồm tất cả các trạm thu phí BOT đường bộ trên tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14 - đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên). Tuy nhiên, tới hết tháng 6/2019, vẫn còn một số trạm thu phí chưa thực hiện, thậm chí chưa ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí tự động. TCĐBVN đã phải ra văn bản yêu cầu các trạm thu phí này dừng thu tới khi nào ký xong phụ lục hợp đồng.

Hiện nay trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng hệ thống trạm thu phí không dừng thì tại Việt Nam vẫn tồn tại các trạm thu phí một dừng. Việc này không chỉ gây lãng phí thời gian của người tham gia giao thông, tốn kém chi phí của các nhà quản lí môi trường mà còn gây ra ùn tắc giao thông, tăng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc thiếu quyết liệt trong công tác giám sát, chỉ đạo sẽ khó lấy lại được niềm tin của người dân.

Cụ thể, Trạm thu phí BOT Km152+080 - Quốc lộ 1 (cao tốc Hà Nội - Bắc Giang) được yêu cầu phải ký xong phụ lục hợp đồng trước ngày 5/7, nếu không sẽ dừng thu phí từ trưa 6/7. Còn trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân, trạm BOT Cam Thịnh và trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp sẽ phải dừng thu phí từ ngày 10/7, nếu chậm ký phụ lục hợp đồng.

Ngay sau khi văn bản của TCĐBVN ban hành, nhà đầu tư BOT tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang đã ký phụ lục hợp đồng lắp đặt thiết bị thu phí tự động không dừng. Trong khi đó, 3 trạm thu phí còn lại vẫn còn nhiều ý kiến và chưa thực hiện. Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam bày tỏ không đồng ý với cách triển khai của TCĐBVN, vì một số lý do như: Chưa phù hợp pháp luật hiện hành; ấn định chỉ 1 đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động; trạm thu phí đã được thế chấp ngân hàng, nếu bàn giao cho bên thứ 3 vận hành (doanh nghiệp thu phí tự động) sẽ ảnh hưởng tới quyền vận hành và quản lý trạm thu phí của nhà đầu tư, ngân hàng; còn ít người dùng dịch vụ thu phí tự động…

Bộ GTVT yêu cầu rút “tối hậu thư”

Sáng 8/7, tại cuộc họp với các dự án BOT bị yêu cầu tạm dừng thu phí, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu TCĐBVN rút lại thông báo tạm dừng thu phí tại 4 dự án BOT trên. Lý do bởi đại diện doanh nghiệp BOT đều cho biết họ đã ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng từ 1 - 2 năm trước và đang thu phí ổn định. Mới đây, Bộ GTVT điều chỉnh tỷ lệ doanh thu trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ ETC nên một số doanh nghiệp cần ký thêm phần điều chỉnh chứ không phải các đơn vị đó chưa ký phụ lục hợp đồng.

Đại diện BOT Đức Long - Gia Lai cho hay, trạm thu phí trên Quốc lộ 14 đã có 4 làn không dừng, nên việc TCĐBVN ra văn bản như vậy là không hợp lý. Vị đại diện này cho biết thêm, văn bản của TCĐBVN khiến nhiều doanh nghiệp vận tải yêu cầu rút lại tiền mua vé tháng. “Văn bản của TCĐBVN đã gây xáo trộn, bất ổn cho trạm thu phí. Chúng tôi yêu cầu TCĐBVN đính chính”, đại diện BOT Đức Long - Gia Lai nói.

Khẳng định đồng tình với chủ trương thu phí không dừng của Chính phủ, song đại diện các doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ mà họ phải trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là chưa hợp lý. Doanh nghiệp muốn tự đàm phán với đơn vị cung cấp dịch vụ ETC thay vì Bộ GTVT yêu cầu họ phải trả theo tỷ lệ doanh thu.

Trước các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu TCĐBVN rút lại thông báo tạm dừng thu phí với 4 dự án BOT. Đồng thời, ông chỉ đạo Vụ Đối tác công tư (PPP) tính toán tỷ lệ trích lại cho nhà cung cấp dịch vụ ETC, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT. “Không có chuyện nhà đầu tư BOT phải bàn giao toàn bộ trạm cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, mà chỉ bàn giao một số làn để tổ chức thu phí theo công nghệ ETC. Tất cả nhân sự, tài sản của trạm thu phí vẫn thuộc doanh nghiệp dự án quản lý”, ông Thọ nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ