Năm 2005 Việt Nam công bố thanh toán được tình trạng thiếu i ốt trên toàn quốc, mức trung vị i ốt niệu là 122 µg/l, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em từ 8 đến 10 tuổi là 3,8%. Gần 13 năm sau, tình trạng thiếu i ốt gia tăng trở lại ở mức báo động khi trung vị i ốt niệu chỉ đạt 84 µg/l, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8 đến 10 tuổi tăng lên gần 10%.
Thông tin trong chương trình “Thyroid Change - vì những người phụ nữ tôi yêu” diễn ra tại TPHCM (ngày 23/7) TS Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Những năm gần đây, bệnh lý tuyến giáp do thiếu i ốt, thiếu vi chất như basedow, ung thư tuyến giáp, bướu cổ, suy giáp, viêm tuyến giáp ngày càng tăng”.
Theo đó, trong vòng 4 năm qua, số lượt người mắc bệnh lý tuyến giáp đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tăng gấp 3 lần (năm 2014 là 27.445 lượt sang năm 2017 là 74.703 lượt). Đây là con số đáng báo động khi tình trạng thiếu i ốt trong cộng đồng đang quay lại.
Phân tích chuyên môn của TS Hướng Dương chỉ ra, tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng để điều hòa nhiều hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể, giúp tổng hợp hóc môn giáp trạng tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể, giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định.
Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn sẽ ảnh hưởng đến việc hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh không đặc trưng và rất dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm người bệnh sẽ phải đối mặt với tình trạng giảm trí nhớ, tăng hoặc giảm cân bất thường, hạn chế vận động, chậm nhịp tim, suy tim… dẫn tới tử vong.
Rối loạn tuyến giáp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng tỷ lệ bệnh nhân mắc tuyến giáp ở nữ giới cao gấp 10 lần nam giới. Tuy nhiên, có tới 50% số người mắc bệnh không được chẩn đoán do triệu chứng bệnh không đặc trưng, dễ nhầm lẫn với biểu hiện bất thường của áp lực cuộc sống.
Ở phụ nữ mang thai nếu mắc cường giáp có thể bị bất thường về nhau thai, đẻ non hoặc tiền sản giật, suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Con của sản phụ bị cường giáp không được kiểm soát tốt nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, trẻ bị đẻ non, thai chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, kịp thời chẩn đoán và điều trị cho nhóm đối tượng bệnh nhân là phụ nữ và trẻ em trong chương trình “Thyroid Change - vì những người phụ nữ tôi yêu”, Quỹ The Merck Family sẽ phối hợp cùng 15 bệnh viện trên cả nước (Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bắc Ninh, Nghệ An, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, TPHCM, Vũng Tàu, Cần Thơ) tổ chức tầm soát miễn phí bệnh lý tuyến giáp cho 50.000 lượt bệnh nhân, chương trình sẽ bắt đầu từ tháng 8/2018.