Thiết thực đưa khởi nghiệp vào trường học

GD&TĐ - Không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngoại khóa, các sân chơi, các cuộc thi khởi nghiệp…, các trường ĐH, CĐ đã chủ động kết nối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp để những dự án của SV đi xa hơn. 

Thiết thực đưa khởi nghiệp vào trường học

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã tạo được hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi để SV hình thành, phát triển ý tưởng hoặc có thể triển khai ngay trong thực tế.

Tinh thần khởi nghiệp

Với chủ trương phải chủ động đưa chương trình khởi nghiệp vào giảng dạy từ sớm chứ không phải đợi đến lúc SV thất nghiệp rồi mới tính đến chuyện giáo dục khởi nghiệp, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) là trường ĐH đầu tiên ở Đà Nẵng có Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp với thành viên tham gia ban đầu lên đến 200 người, cả giảng viên và sinh viên.

CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ, mời các chuyên gia khởi nghiệp giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm, bài học về khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi như Startup Wheel, Vườn ươm doanh nghiệp… tạo sự tự tin cho thành viên. Tân Hiển (SV Trường ĐH Bách khoa) cho biết: “Ngoài được tạo điều kiện sử dụng không gian làm việc tại văn phòng của CLB, các hội viên còn được tham gia xét vay vốn khởi nghiệp, kết nối để thành lập các nhóm dự án…”. Thế nhưng, quan trọng nhất, theo như Hiển nhận xét, là nhờ những hoạt động của CLB, các bạn SV như Hiển hiểu rõ hơn các kiến thức về khởi nghiệp như quản trị nhân sự, chuỗi cung ứng, quản trị tài chính…

Theo ông Lý Đình Quân - Phó Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng, để xã hội có nhiều công ty khởi nghiệp tốt, việc phải đẩy mạnh tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng SV là rất quan trọng. Các trường ĐH, CĐ phải cung cấp được cho SV nhận thức, tầm nhìn về khởi nghiệp cho tốt, từ cơ hội khởi nghiệp, các khái niệm trong khởi nghiệp, hành trình của khởi nghiệp, muốn khởi nghiệp thành công cần phải có những yếu tố gì.

“Thành công ngay từ lần đầu khởi nghiệp thì rất tốt, nhưng không phải mọi người đều có thành công ngay từ lúc mới khởi sự. Điều quan trọng trong khởi nghiệp là văn hóa biết chấp nhận thất bại. Từ ý tưởng cho đến sản phẩm là một câu chuyện dài mà nếu không có niềm tin, khát vọng, bản lĩnh cũng như tri thức thì không thể đi đến thành công. Và cũng đừng bao giờ khởi nghiệp với suy nghĩ rằng mình đang làm “nháp” thôi” - ông Quân cho biết. Và trong hành trình khởi nghiệp, yếu tố liên kết làm việc đội, nhóm với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau thường có khả năng thành công cao hơn.

Có lẽ chính vì vậy mà Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (ĐH Đà Nẵng) đã sớm đưa khởi nghiệp vào trong chương trình đào tạo chính khóa. Sinh viên được tiếp cận tư duy và ý tưởng khởi nghiệp ngay từ năm thứ nhất thông qua các môn học cũng như tham gia các hoạt động khởi nghiệp thường xuyên tổ chức tại Viện cũng như tại Đà Nẵng.

SV được tổ chức học tập theo nhóm, xây dựng dự án thực tế ngay trong quá trình học. TS Dương Mộng Hà - Giám đốc Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh - cho biết: “Giáo trình khởi nghiệp được Viện xây dựng trên cơ sở tham khảo giáo trình của các trường ĐH Vương quốc Anh.

Dựa trên kinh nghiệm của các trường đại học Vương quốc Anh, Viện đã hợp tác với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đà Nẵng, Đại học Aston và Công viên Khoa học Birmingham tại VNUK xây dựng các dự án Tạo ra một văn hóa khởi nghiệp công nghệ cao ở Đà Nẵng - Điểm thương mại công nghệ cao giữa Việt Nam và Vương quốc Anh và dự án Xây dựng một Trung tâm khởi nghiệp tại VNUK trên kinh nghiệm từ Vương quốc Anh.

Các dự án này được thực hiện với sự tài trợ của Hội đồng Anh sẽ gắn kết với các hoạt động của Mạng lưới khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng vừa mới thành lập”. Cuối mỗi đợt học, SV sẽ được chính đại diện các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả và tính khả thi của dự án.

Đầu vào là ý tưởng, đầu ra là doanh nhân

Cuộc thi Da Nang Startup Runway 2016 do Trường ĐH Kinh tế cùng với Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức được xem là hoạt động khởi nghiệp có tính kết nối lớn nhất với sự tham gia của SV đến từ nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Nẵng. Startup Runway tập trung khởi nghiệp cho các SV có ý tưởng và giúp SV đưa ý tưởng đó đến thực tế.

Ngoài việc chấm chọn các dự án của SV, Startup Runway còn mời chuyên gia đến từ Trung tâm khởi nghiệp - Học viện Công nghiệp Cork (CTI), Ailen chia sẻ kinh nghiệm bổ ích về các phương pháp, tư duy để tạo nên ý tưởng kinh doanh. Các kiến thức này sẽ được tổ chức thực hành theo nhóm ngay tại chỗ nhằm đánh giá hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Phúc Nguyên - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Kinh tế - cho biết: “Khi tham gia vào những chương trình khởi nghiệp này, SV sẽ có cơ hội được trang bị, cọ xát với môi trường kinh doanh, được tiếp xúc với những nhà đầu tư, được đào tạo, bồi dưỡng”. Ngoài các hỗ trợ về chuyên môn của các chuyên gia CIT, Startup Runway còn kết nối với Vườn ươm doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng tham gia để hỗ trợ cho SV.

Ông Huỳnh Quang Triết - Trưởng điều phối dự án “Vút bay” - chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ vì chọn học nhầm ngành mà có tâm lý chán nản, không có động cơ học tập, dẫn đến kết quả học không tốt, thậm chí có bạn bỏ học giữa chừng. Làm sao để không chọn nhầm nghề, học nhầm ngành không chỉ là câu chuyện đau đầu của các bạn trẻ mà còn của cả phụ huynh nữa. Đó là những lí do để bọn em liên kết với các trường THPT kêu gọi học sinh đăng ký tham gia và chạy dự án”. Bằng chính những hoạt động trải nghiệm, “Vút bay” đã hướng cả HS và phụ huynh có cái nhìn đúng đắn trong việc chọn ngành, trường học. Hiện dự án “Vút bay” đã kêu gọi được vốn đầu tư, đặt văn phòng ở ngay Vườn ươm doanh nghiệp TP Đà Nẵng.

Theo ông Lý Đình Quân, việc đưa khởi nghiệp vào trường ĐH, CĐ ở Đà Nẵng mới chỉ bắt đầu khởi động, chưa có chiến lược và hệ thống. “Trong khi đó, khởi nghiệp đòi hỏi phải liên tục, phải có sự hỗ trợ về tài chính và hạ tầng của các tổ chức trong nhà trường về khởi nghiệp. Ngoài ra, cũng cần thiết phải đưa chương trình ươm tạo về các trường ĐH, CĐ. Điều cốt lõi của khởi nghiệp là sự sáng tạo nên cần thiết phải có sự kết nối đa văn hóa, các trường phải liên kết với nhau trong khởi nghiệp để tạo nên những sản phẩm có giá trị sáng tạo lớn”.

“Vút bay” là một trong 2 dự án của chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” được đưa vào Vườn ươm thành phố Đà Nẵng. Dự án “Vút bay” do 20 bạn trẻ đến từ một số trường ĐH, CĐ trên địa bàn Đà Nẵng nhằm giúp HS phổ thông có định hướng trong lựa chọn nghề nghiệp. Theo đánh giá của ông Lý Đình Quân, đây là một dự án có nhiều sáng tạo, thiên về trí tuệ, khả năng mở rộng dễ do ít sử dụng nguồn lực tài sản hữu hình, tạo ra được giá trị để tìm nhà đầu tư nên khởi nghiệp rất tốt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.