Thiệt thòi khi sử dụng Internet tại chung cư

Việc chỉ có từ 1 đến 2 nhà cung cấp dịch vụ Internet cho các khu chung cư trên địa bàn TP Đà Nẵng đã làm cho người dân bị thiệt thòi trong việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ.

Thiệt thòi khi sử dụng Internet tại chung cư
Khách hàng buộc phải dùng dịch vụ “mặc định”

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay tại TP Đà Nẵng có đến vài chục khu chung cư đã đi vào hoạt động, số lượng người dân ở các khu chung cư này đã gần lấp đầy.

Tuy nhiên các hộ dân ít có cơ hội được lựa chọn các dịch vụ Internet, truyền hình cáp... Họ buộc phải sử dụng dịch vụ của một hoặc hai nhà cung cấp dịch vụ, thậm chí có khu chung cư chỉ có một doanh nghiệp duy nhất.

Chị N.T.T.T, sống tại khu chung cư C2, phường Nại Hiên Đông cho biết: “Gia đình chúng tôi chuyển về khu chung cư này từ tháng 4/2013.

Thời điểm đó, chỉ có duy nhất FPT là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet cho nên chúng tôi buộc phải liên hệ và đăng ký sử dụng dịch vụ của nhà mạng này. 

Tuy nhiên, mãi đến tháng 12/2013, sau nhiều lần thúc giục, gia đình chúng tôi mới được nhà mạng lắp đặt. Khi có “mạng”, chúng tôi cũng chỉ sử dụng được 1 - 2 ngày, sau đó thì “mất tín hiệu”.

Tôi đã nhiều lần liên lạc với nhà mạng yêu cầu sửa chữa nhưng mãi hơn 1 tháng vẫn không thấy động tĩnh gì. Vì có nhu cầu sử dụng dịch vụ Internet ngay, tôi muốn chuyển qua sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khác, thì được biết trong khu chung cư này chỉ có mỗi FPT là có đầu tư hạ tầng.

Mãi đến đầu tháng 1/2014, VNPT Đà Nẵng mới đầu tư vào khu chung cư này. Vì vậy, tôi đã làm thủ tục chuyển sang dùng dịch vụ của VNPT Đà Nẵng.

Tuy nhiên, khi thông báo với FPT để làm thủ tục ngừng không sử dụng dịch vụ nữa, thì nhân viên của FPT không đồng ý cho cắt hợp đồng với lý do mạng đã ổn định trở lại. Đến bây giờ, hàng tháng FPT vẫn gửi thông báo cước cho tôi mặc dù tôi không sử dụng nữa”.

Còn chị Trương Thị Thu Vân, trú tại số nhà 6B/24, khu chung cư Blue House than phiền: “Mặc dù phải bỏ ra hàng trăm ngàn đồng mỗi tháng để sử dụng các dịch vụ viễn thông của VNPT nhưng mỗi khi gặp sự cố cần sự giúp đỡ của nhà mạng này thì rất khó khăn.

Đơn cử như mới đây nhất, mỗi khi truy cập vào mạng máy chủ đều báo lỗi hệ thống không thể nào kết nối được. Tôi có gọi điện cho nhân viên thường xuyên đến sửa chữa ở đây nhưng vài ngày sau vẫn chưa thấy tới”. Hiện khu chung cư Blue House chỉ có duy nhất VNPT cung cấp dịch vụ viễn thông.

Không hài lòng với các nhà mạng về cung cách phục vụ, một số hộ gia đình muốn chuyển qua dịch vụ của các nhà mạng khác nhưng bất khả thi, bởi ở các khu chung cư thường chỉ có một nhà mạng cung cấp dịch vụ.

Điều này vô tình khiến người dân không  có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ mà mình yêu thích, mà buộc phải sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đã “mặc định” sẵn. 

Chính vì không có sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau dẫn đến tình trạng độc quyền khiến các doanh nghiệp lơ là trong việc sữa chữa, hỗ trợ khách hàng khi có sự cố.

Có sự “bắt tay” giữa doanh nghiệp và chủ đầu tư?

Theo khảo sát tại các khu chung cư trên địa bàn TP Đà Nẵng nhận thấy, mỗi một khu chung cư đều có một hoặc hai doanh nghiệp đảm nhiệm việc cung cấp dịch vụ cho cả khu chung cư.

Đơn cử, khu chung cư Nam Tuyên sơn, Blue House...có 100% thị phần thuộc VNPT;  khu chung cư C2 trước đây chỉ có mỗi FPT, nay có thêm VNPT; Cao ốc ACB do VNPT và Viettel cung cấp dịch vụ....

Ông Nguyễn Bá Bình - Giám đốc Công ty quản lý nhà chung cư TP Đà Nẵng - cho biết: Theo quy trình, khi xây dựng khu chung cư, nhà đầu tư sẽ thông báo đến các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn để lập hồ sơ, khảo sát, lắp đặt cơ sở hạ tầng tiến tới phục vụ nhu cầu cho người dân. Quan điểm của Ban quản lý chung cư là người dân có quyền lựa chọn các nhà mạng để được cung cấp dịch vụ”.

Trả lời về việc có sự “bắt tay” giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tại các khu chung cư hay không? Ông Bình khẳng định: “Không có tình trạng độc quyền trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông ở các khu chung cư.

Việc mỗi khu chung cư chỉ có một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông liên quan tới nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc các doanh nghiệp viễn thông có muốn vào lắp đặt hạ tầng hay không?"

Ông Bình giải thích: Một số doanh nghiệp dù đã được nhà đầu tư mời nhưng vẫn không đến lắp đặt hạ tầng vì sợ bị lỗ. Thử làm một phép tính, mỗi Block nhà có 200 hộ dân, nếu chia đều cho 4 doanh nghiệp thì thị phần của mỗi doanh nghiệp chỉ có 25%.

Nếu tính đến bài toán đầu tư thì doanh nghiệp có khả năng lỗ vì chi phí xây dựng hạ tầng cao hơn doanh thu mà họ kỳ vọng. Vì vậy, các doanh nghiệp “ngại sống chung” với nhau trong cùng một khu chung cư.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Miễn, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng 579 (Công ty 579) với tư cách là chủ đầu tư kiêm ban quản lý khu chung cư Blue Hosue, cũng khẳng định không có tình trạng độc quyền trong cung cấp các dịch vụ viễn thông.

“Trong quá trình xây dựng, Công ty 579 đã cân nhắc kĩ lưỡng để chọn các doanh nghiệp viễn thông tốt nhất vào cung cấp dịch vụ để người dân sử dụng.

Bất kỳ doanh nghiệp viễn thông nào có nhu cầu đầu tư hạ tầng viễn thông trong các khu chung cư đều được Công ty chấp nhận, miễn sao không gây mất mỹ quan đô thị và hư hại đến hạ tầng của doanh nghiệp khác.

Về phía người dân, nếu họ ưa thích dùng mạng viễn thông nào thì công ty sẽ thu thập ý kiến sau đó sẽ mời doanh nghiệp đó vào cung cấp dịch vụ.

Để triển khai tốt vấn đề này, bắt đầu từ năm 2014, ban quan lý chung cư sẽ phát phiếu đăng ký nguyện vọng sử dụng dịch vụ cho tất cả các hộ dân, người dân muốn sử dụng dịch vụ của nhà mạng nào thì cứ điền tên doanh nghiệp vào phiếu đăng ký ban quản lý ghi nhận và phân bổ một cách hợp lý -  Ông Huỳnh Ngọc Miễn nói.

Theo ITC News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ