Thiên nhiên dạy chúng ta điều gì?

GD&TĐ - Trước kia, nếu đến Trường Tiểu học Jigme Losel ở thủ đô Thimphu của Bhutan, người ta thấy cây hoang mọc khắp nơi, lan kín các cột kèo, tường và cầu thang. Và rồi một ngày, trên bức tường sau vườn trường xuất hiện một tấm biển viết dòng chữ: “Hãy để thiên nhiên dạy chúng ta”. 

Học sinh Trường Tiểu học Jigme Losel tưới cây.
Học sinh Trường Tiểu học Jigme Losel tưới cây.

Từ đó một dự án trường học xanh - mô hình “Dự án Hạnh phúc” của học sinh nơi đây ra đời.

Giữ thiên nhiên

“Tấm biển này đã trở thành khẩu hiệu không chính thức của chúng tôi”, cô Choki Dukpa, Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2005 nói.

“Chúng tôi muốn thiên nhiên đi theo các em đến mọi nơi. Bạn biết đấy, hầu hết địa hình Bhutan là núi, ấy vậy mà khi sống trong thành phố, tôi cảm thấy các em học sinh vẫn bị ngăn cách với môi trường thiên nhiên trong lành. Thực hiện dự án là cách chúng tôi mang thiên nhiên vào trong trường học”, cô Dukpa nói.

Trong những năm qua, mặc dù công việc ở trường khá bận rộn, trên bục giảng cũng như khi tiến hành các hoạt động ngoại khóa, cô Dukpa luôn ấp ủ một tình yêu vô bờ bến với thiên nhiên nơi đây.

“Từ nay, trọng tâm giáo dục của trường chính là gìn giữ thiên nhiên bền vững”, cô nói thêm.

Bhutan là một quốc gia có diện tích khá nhỏ, 38.394 km2 nằm trên dãy núi Himalaya, với số dân hơn 800.000 người, mật đô dân cư 20 người/km2.

Từ năm 1971, chính phủ nước này đã không dùng chỉ số GDP (thu nhập bình quân đầu người) làm thước đo sự tiến bộ và thịnh vượng mà dùng chỉ số GNH (Gross National Happiness, tạm dịch: Chỉ số Hạnh phúc và Thịnh vượng của nhân dân).

Chỉ số này dựa trên 4 trụ cột: Phát triển xã hội công bằng; duy trì văn hóa; bảo tồn môi trường và thúc đẩy để có một chính phủ tốt.

Học là để làm người

Năm 2009, Bhutan đăng cai hội nghị giáo dục về chỉ số GNH. Tại đây, người ta đã thông qua các nguyên tắc cơ bản, đặc biệt bảo tồn môi trường đã trở thành chương trình quốc gia thúc đẩy việc học tập một cách có tư duy, sát thực hơn, và trụ cột này đã được áp dụng vào thực tiễn ngay lập tức.

“Nói trường học xanh không có nghĩa chỉ là vấn đềmôi trường, đây là một khái niệm triết học, chúng tôi cố gắng để học sinh thấm nhuần khái niệm xanh từ trong tiềm thức, sau đó các em sẽ phát triển tư duy mở và linh hoạt trong các hoạt động học tập”, Bộ trưởng Giáo dục Bhutan, ông Thakur Singh Powdyel phân tích thêm.

“Đây là cách tiếp cận mang tính dẫn dắt trong giáo dục, nó được bắt nguồn từ niềm tin rằng cái đích của giáo dục nên là những gì cao, rộng hơn. Chúng ta cần giáo dục để các em có được tư duy mở, các em nhận ra làm người là phải như thế nào - và điều đầu tiên chính là chung tay phải bảo tồn môi trường thiên nhiên tươi đẹp”, ngài Bộ trưởng phân tích.

Vậy là Trường Tiểu học Jigme Losel đã xây dựng một khu vườn rau chung và học sinh được dạy các kỹ năng làm nông nghiệp. Ở đây, mỗi lớp chăm sóc những loài cây và hoa riêng của lớp mình. Nhưng trường có chung một hệ thống giáo dục mang tên “hệ thống xanh” nhằm tái sử dụng tất cả nguyên vật liệu qua sử dụng có được từ mọi nơi.

Học sinh tự làm những chiếc chổi từ chai lọ và dây phế liệu; Song song với đó, các em vẫn tham gia các buổi cầu nguyện và thiền.

Trong những năm gần đây, chính phủ Bhutan quyết tâm biến việc giữ gìn những giá trị văn hóa thành hành động cụ thể nhằm góp phần loại bỏ những hiện tượng lệch chuẩn, suy thoái. Học sinh Trường Jigme Losel được nghe nhạc và các câu chuyện có chủ đề liên quan đến giá trị dân tộc, bắt buộc phải mặc áo dài truyền thống trong các dịp lễ, các em được dạy những gì được coi là chuẩn mực cho “giá trị Bhutan”.

Mặc dù những hoạt động nhận được không ít chỉ trích vì một số người coi đây là sự áp đặt văn hóa truyền thống, tuy nhiên Bộ trưởng Giáo dục Bhutan, ông Thakur Singh Powdyel vẫn khẳng định: “Một bản sắc dân tộc mạnh mẽ thì cần được truyền lại cho các thế hệ”.

Ở Bhutan, trong những năm 1960, chỉ có 11 trường tiểu học với 500 học sinh. Nhưng năm ngoái con số này đã là 170.000 em với 650 trường tiểu học, như vậy những gì mà Trường Tiểu học Jigame Losel đã làm được thì chưa thấm tháp vào đâu trong một quốc gia có tham vọng giáo dục tiến bộ như thế.

Bhutan đang phải vật lộn với tình trạng thiếu giáo viên, thầy cô phải đi dạy luân chuyển ở những vùng núi xa xôi, thiếu thốn. “Nhìn vào bản đồ địa lý Bhutan ta thấy ngay mật độ dân cư thưa thớt và hẻo lánh”, ông Bishnu Bhakta Mishra, nhân viên của UNICEF tại Bhutan nói. “Chuẩn bị cho một nền giáo dục có chất lượng ở nước chúng tôi là một vấn đề lớn”, ông nói thêm.

“Chúng tôi đang chạy đua để có 8.000 giáo viên - ông Mishra nhắc đến quan tâm hiện nay của Chính phủ. Chỉ cần đạt được mức trường đề ra đã thấy gian nan và nếu không có đào tạo giáo viên thì cũng không thể làm được. Ý tưởng thì hay đấy nhưng để hiện thực hóa thì còn nhiều việc lắm, chúng tôi cũng không có nguồn bổ sung nào từ chính phủ”.

Ông Mishra nói thêm: “Không nghi ngờ gì nữa, nếu các thế hệ học sinh tốt nghiệp với tư duy GNH trong đầu, chúng sẽ mang lại lợi ích lớn cho quốc gia, nhưng việc này cũng cần phải có thời gian để đánh giá thực tế”.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?