Nước mắt của GV hợp đồng
Sử dụng GV hợp đồng là một trong hai phương án để ngành GD-ĐT chủ động trong bố trí giảng dạy, bảo đảm không thiếu GV hoặc GV phải dạy tăng – thay quá nhiều. Tuy nhiên, câu chuyện ứng xử với GV hợp đồng đang là mối quan tâm không chỉ của ngành Giáo dục khi không phải hợp đồng lao động nào cũng được minh bạch thông tin.
Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Quảng Nam, năm học 2019 – 2020, địa phương này còn thiếu khoảng 2.100 GV từ bậc học mầm non cho đến THPT. Trong đó, một số địa phương như thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên thiếu lượng lớn GV, chủ yếu tập trung ở bậc học mầm non.
Mặc dù, Quảng Nam đã tổ chức nhiều đợt tuyển dụng nhằm bổ sung đội ngũ GV cho các cấp học, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo rà soát của Sở Nội vụ Quảng Nam đến cuối tháng 8/2019, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã sử dụng 1.104 hợp đồng lao động làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập từ mầm non cho đến THPT nhằm bảo đảm đủ số lượng GV đứng lớp.
Ngay sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về chính sách xét tuyển đặc cách, không phải qua thi tuyển đối với GV hợp đồng trước ngày 31/12/2015 và có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, một số GV hợp đồng đang giảng dạy tại các trường học của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có đơn gửi đến các cơ quan chức năng và cả đơn kêu cứu đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Cô giáo Lại Thị Thu Thúy (GV hợp đồng tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi), đại diện cho nhiều GV hợp đồng ở huyện này bức xúc: Rất nhiều anh chị em đang là giáo viên hợp đồng theo chế độ thỉnh giảng, nhân viên hợp đồng ở các trường tại huyện Thăng Bình trong rất nhiều năm, có trường hợp từ năm 2011, có trường hợp năm 2012, nhưng đều không được tham gia BHXH.
“Mặc dù được đi dạy, được làm việc nhưng chúng cháu chưa một lần được đóng BHXH. Có trường cho ký hợp đồng, trong hợp đồng ghi rõ là: Dạy theo chế độ thỉnh giảng, hưởng lương theo quy định, không đóng BHXH. Cũng có trường không làm hợp đồng trong nhiều năm; năm học 2018 – 2019 có trường cho ký hợp đồng theo từng tháng. Với mong muốn được làm việc, có việc làm sau khi ra trường, được sống với niềm đam mê là dạy học nên dù thấy hợp đồng không thỏa đáng nhưng chúng cháu vẫn ký, nếu không ký sẽ không được tiếp tục dạy” – trích thư kêu cứu của cô giáo Thu Thúy.
Những GV hợp đồng không được đóng BHXH như cô Thu Thúy được Phòng GD&ĐT Thăng Bình giải thích: Do Công văn số 555 của Chủ tịch tỉnh Quảng Nam ngày 30/11/2015 quy định từ ngày 1/1/2016 không ký hợp đồng lao động và không đóng bảo hiểm nên Phòng không đóng được. “UBND huyện Thăng Bình cho phép các trường được 3 tháng ký hợp đồng 1 lần để không phải đóng BHXH, không sai Luật Bảo hiểm.
Vậy những lao động lâu năm từ trước ngày 1/1/2016 như tôi và rất nhiều giáo viên khác vì sao vẫn không được đóng BHXH? Vì sao những vị trí việc làm mà các GV hợp đồng đang đảm nhiệm trước đó vẫn thiếu nhưng vẫn cứ đưa vào chế độ thỉnh giảng để không phải đóng BHXH?” – cô Thu Thúy nêu vấn đề. Có những GV công tác liên tục 5 năm, 7 năm và cũng có những GV bước qua năm thứ 9 nhưng vẫn không được tham gia đóng BHXH, như trường hợp cô giáo Phan Thị Kim Huệ - GV dạy Nhạc Trường THCS Lê Đình Chinh.
Cô Thu Thúy cho rằng, mặc dù những GV rơi vào trường hợp như cô đã làm đơn kiến nghị gửi UBND tỉnh Quảng Nam và Sở GD&ĐT Quảng Nam “nhưng khả năng sẽ không được xem xét trong đợt xét tuyển đặc cách cho GV hợp đồng sắp tới; cơ hội việc làm gần như là không còn”.
Nhiều giáo viên hợp đồng chưa từng được đóng BHXH. Ảnh minh họa/ INT |
Tuyển GV: Mỗi nơi một kiểu
Năm nay, Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức các cơ sở GD công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã sau nhiều năm không tổ chức. Thời gian tổ chức dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2019 và hoàn thành vào tháng 12/2019. Theo kế hoạch, Hà Nội có hai hình thức tuyển dụng viên chức GD năm 2019 là thi tuyển và xét tuyển.
Hình thức thi tuyển sẽ có 2 vòng. Vòng 1 thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ và kiến thức chung để chọn các thí sinh dự thi vòng 2. Vòng 2 thi viết chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành tại các quận, huyện, thị xã. Đối với hình thức xét tuyển, vòng 1 thay vì thi tuyển, các thí sinh sẽ được xét tuyển. Vòng 2, tổ chức sát hạch phỏng vấn đối với nhân viên và thực hành giảng dạy đối với GV.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, kế hoạch tuyển dụng GV của thành phố thực hiện theo Nghị định 161 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Trong các tiêu chuẩn tuyển dụng GV đợt này có yêu cầu về ngoại ngữ và tin học. Việc đưa môn ngoại ngữ vào chương trình thi tuyển khiến nhiều thầy, cô giáo lo lắng, hoang mang.
Cô Nguyễn Thị Minh Phương - GV Trường THCS Đông Xuân (huyện Sóc Sơn), người có 24 năm công tác trong ngành cho biết: Nếu yêu cầu GV hợp đồng phải thi tuyển viên chức, cô sẽ không tham gia bởi nếu thi chắc chắn sẽ trượt.
Cô Dương Thị Hằng - GV Trường Mầm non An Phú (huyện Mỹ Đức) chia sẻ: Hiện nay, toàn bộ 26 trường mầm non của huyện Mỹ Đức không có trường nào đưa tiếng Anh vào giảng dạy trong chương trình nên việc thi ngoại ngữ là hình thức, “gây khó” cho GV hợp đồng, đẩy các GV hợp đồng vào cuộc đua không cân sức với sinh viên trẻ mới ra trường.
Theo đề nghị của cô Hằng, thành phố nên nghiên cứu, xem xét ưu tiên cho GV hợp đồng lâu năm sẽ được đặc cách vòng 1, chỉ thi vòng 2 là vòng chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, nhiều GV hợp đồng đề nghị không thi phỏng vấn ở vòng 2 để tránh tiêu cực, vì từ trước đến nay, vòng phỏng vấn không được ghi âm, ghi hình, không được phúc khảo, nhiều người có chuyên môn, nghiệp vụ tốt nhưng vẫn thi trượt mà không hiểu vì sao.
Tại Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn vừa ra quyết định hủy bỏ kết quả trúng tuyển viên chức sự nghiệp GD-ĐT thuộc UBND quận năm học 2019 - 2020 đối với 11 trường hợp do không đến nhận công tác. Trong số này, có 2 trường hợp dự tuyển vị trí giáo viên mầm non hạng IV và 9 trường hợp dự tuyển giáo viên tiểu học hạng IV. Được biết, 2 GV mầm non không đến nhận nhiệm sở có trình độ đào tạo là cử nhân mầm non; 9 GV tiểu học cũng có trình độ đào tạo từ ĐH trở lên.
Trước đó, tháng 10/2018, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng hủy kết quả 3 trường hợp trúng tuyển vào các chức danh GV mầm non hạng IV và GV tiểu học hạng IV nhưng không đến nhận nhiệm sở. Những trường hợp này đều tốt nghiệp ĐH nhưng khi đi dạy chỉ được nhận hệ số lương ở bậc trung cấp (GV hạng IV). Tiêu chí tuyển dụng quá cao và mức lương không tương xứng với trình độ đào tạo là một trong những nguyên nhân khiến những năm gần đây, Đà Nẵng liên tục rơi vào tình trạng thiếu GV dù chỉ tiêu tuyển dụng không thiếu.
Kỳ thi tuyển dụng viên chức để bổ sung GV cho năm học 2019 – 2020 của các quận, huyện ở Đà Nẵng vừa rồi, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã có văn bản đồng ý hạ tiêu chí tuyển dụng GV mầm non từ trình độ ĐH xuống cao đẳng. Trước đó, Sở Nội vụ Đà Nẵng yêu cầu các ứng viên dự tuyển vào vị trí công việc này phải có trình độ ĐH trở lên.
Theo lý giải của ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ trong buổi làm việc giữa Ban Văn hóa – Xã hội (Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng) và Sở GD&ĐT Đà Nẵng vào tháng 11/2018, việc đưa ra chuẩn GV cao hơn so với quy định của Bộ GD&ĐT là để không phải đào tạo lại GV khi Bộ GD&ĐT nâng chuẩn. Ông Võ Ngọc Đồng cũng khẳng định nguồn tuyển GV của Đà Nẵng không thiếu vì thành phố mở rộng đối tượng tuyển dụng đối với tất cả các tỉnh, thành khác trên cả nước. “Yêu cầu chuẩn GV của Đà Nẵng không phải là cao và quan điểm của thành phố, chuẩn càng cao, chất lượng giáo dục mới nâng cao lên được” – ông Đồng nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Đà Nẵng chỉ “nâng chuẩn” đối với tiêu chí tuyển dụng nhưng vẫn trả lương cho GV theo trình độ trung cấp. Chính vì vậy, mấy năm qua, địa phương liên tục thiếu GV ở bậc học mầm non và tiểu học, buộc các trường phải hợp đồng GV để đủ tỷ lệ GV/lớp.
Cần cơ chế riêng
Đưa ra giải pháp tháo gỡ trong công tác tuyển dụng GV hiện nay, bà Ngô Thị Minh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tuyển GV mà như tuyển viên chức ngành khác là bất cập.
Bởi lẽ, dù thực hiện tuyển GV theo Luật Viên chức nhưng ngành Nội vụ ở tất cả các địa phương là đơn vị chủ trì trong khi vai trò của ngành GD mới quan trọng. Do đó, thời gian tới ngành GD cần phối hợp sâu hơn nữa với ngành Nội vụ trong vấn đề bố trí, sắp xếp, kể cả công tác tuyển dụng GV, tránh tình trạng một số nơi không quan tâm đến vai trò của ngành GD.
Luật GD hiện hành đã giao thẩm quyền “tuyển dụng, quản lý nhà giáo, cán bộ, nhân viên; tham gia vào quá trình điều động của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đối với nhà giáo, cán bộ, nhân viên” cho nhà trường. tuy nhiên, vẫn còn những bất cập trong công tác tuyển dụng khi thực hiện Luật Viên chức, do đó chúng ta cần xem xét thấu đáo và có lộ trình trình với Quốc hội để đề nghị sửa Luật Viên chức.
Song song với quá trình đó, cần nhanh chóng có Luật Nhà giáo, mặc dù trong Luật GD mới được ban hành đã có chương quy định về nhà giáo, dù vậy cũng chưa thể đưa hết những vấn đề đặt ra nhưng ít nhất phải có quan điểm đối với nhà giáo ở các cơ sở GD ngoài công lập chất lượng cao. Bởi lẽ, đây chính là nơi chia sẻ gánh nặng với ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, thời gian qua chính sách hỗ trợ các trường ngoài công lập phát triển vẫn còn hạn chế.
Theo PGS.TS Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nếu nói về phương diện tuyển dụng thì có một nguyên tắc đó là: Ai sử dụng, người ấy đứng ra tuyển. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này chưa được làm rõ.
TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho biết: Ngành GD đang chịu trách nhiệm chính về hoạt động chuyên môn và chất lượng GD chung.
Tuy nhiên, hai yếu tố quan trọng chi phối hoạt động chuyên môn và quyết định chất lượng GD là tuyển dụng GV và cơ sở vật chất thì ngành GD dường như lại không được tham gia. Đây rõ ràng là một bất cập thực tế. Điều này cần sớm được nghiên cứu để có sự phân cấp quản lý phù hợp hơn.