Thị trường tiền tệ: Cần một cái nhìn công bằng hơn

Thị trường tiền tệ: Cần một cái nhìn công bằng hơn

(GD&TĐ) - Giá vàng trong nước ngày càng lệch xa với quốc tế; tỷ giá điều chỉnh tăng làm nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu “kêu trời”... Những điều đó che lấp mất mặt “được” mà Ngân hàng Nhà nước nỗ lực rất nhiều thời gian qua: điều chỉnh lãi suất, cân bằng dư nợ tín dụng… để phục vụ mục tiêu bình ổn nền kinh tế.

Khả thi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12%

Đánh giá của các tổ chức quốc tế thời gian qua đều đưa đến nhận định chung là nền kinh tế Việt Nam vẫn có những khó khăn, chưa thể lấy lại được đà tăng trưởng. Trong bối cảnh như vậy, việc đề ra các giải pháp đúng hướng cũng rất quan trọng, nhưng còn tùy thuộc vào việc thực hiện có hiệu quả hay không.

Những giải pháp của chính sách tiền tệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai đã có những kết quả nhất định như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các khoản nợ, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đảm bảo thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD); cơ cấu lại hệ thống (sắp xếp, cơ cấu lại 9 TCTD yếu kém). Về việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay, theo khẳng định mới đây của Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến: “Đây là những giới hạn điều chỉnh cuối cùng trong tình hình lạm phát hiện nay”. Trong khi đó, diễn biến CPI bình quân 6 tháng tăng 6,73%, với mức lãi suất tiền gửi VND còn 7%/năm (cho các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng) thì quyền lợi người gửi tiền cũng sẽ không còn được như trước. Với việc giảm chênh lệch lãi suất huy động và cho vay, thu nhập của nhiều TCTD sẽ không có lãi. Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra nếu chưa thực hiện dự phòng chỉ còn 3%, trong khi đã thực hiện dự phòng chỉ 1,93%. 

Việc điều chỉnh tỷ giá gần đây (tăng 1% giữa ngoại tệ - lấy USD làm quy chiếu - với nội tệ) thậm chí còn được nhiều chuyên gia đánh giá là tích cực, thể hiện qua động thái NHNN chủ động bán USD cho các ngân hàng thương mại ở mức giá trần trong giai đoạn gần đây, trong khi trạng thái USD của các ngân hàng đang khá tốt. Tỷ giá liên ngân hàng giao dịch sát với trần trước khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố hiệu chỉnh 1% tỷ giá USD/VND.

Theo ông Nguyễn Đồng Tiến, cơ sở cho những điều chỉnh “mạnh tay” này là bởi nguồn vốn tín dụng đã tăng trưởng trở lại, đến cuối tháng 6/2013 đã tăng khoảng 3,5%. Ông cho rằng: “Kỳ vọng của doanh nghiệp về sử dụng vốn vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, với nhiều lĩnh vực, vấn đề thị trường, đầu ra cho sản phẩm, giá thành sản phẩm, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn cũng có tính chất quyết định”. “Hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả khi phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính”, đại diện NHNN cho biết thêm. Ông Tiến cũng khẳng định, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 là rất khả thi.

Huy động được nguồn lực vàng là mục tiêu chính trong điều hành thị trường
Huy động được nguồn lực vàng là mục tiêu chính trong điều hành thị trường
 

Giảm thiểu nguy cơ “vàng hoá” nền kinh tế

Là một trong những vấn đề “nóng” của xã hội, giá vàng dù có khoảng cách xa với giá thế giới, nhưng thực tế không thể phủ nhận là thị trường vàng lại khá ổn định, không còn xảy ra hiện tượng sốt vàng, giảm hiện tượng đầu cơ, tăng dự trữ ngoại hối. Đó là chưa kể việc tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc bán đấu thầu vàng miếng của NHNN.

Đã có nhiều ý kiến trong dư luận phản ứng về cách thức điều hành của NHNN đối với thị trường vàng, cho là yếu kém (để chênh lệch giá ngày càng cao); hay chỉ tập trung đầu tư thu lời thay vì tăng cường quản lý (thông qua các phiên đấu giá vàng miếng). Nhưng thực tế, việc điều hành thị trường đặc biệt này của NHNN là dựa trên các quy định của Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, chứ không phải (và không được phép) tự ý.

Điều này cũng được đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2013 diễn ra mới đây. Theo đó, việc điều hành thị trường vàng trong thời gian qua không phải chỉ nhằm mục tiêu giá vàng trong nước bằng với giá vàng thế giới. Theo Thủ tướng thì điều hành thị trường vàng phải làm sao huy động được nguồn lực vàng, người có vàng không bị thiệt hại gì. “Điều này là khó nhưng vẫn phải làm để ổn định kinh tế vĩ mô. Đi đâu cũng niêm yết bằng vàng thì làm sao ổn định kinh tế vĩ mô được. Ý kiến nào tốt thì tiếp thu, nhưng không có lùi, không thể quay lại tự do vàng thành phương tiện thanh toán như trước đây”, Thủ tướng nói.

“Vừa qua, tôi đánh giá cao về cách điều hành thị trường vàng. Bao nhiêu năm qua, vàng làm cho tỷ giá rất gay go, nhưng điều hành đã làm được điều này” – đó là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đề cập đến sự vận hành của thị trường vàng trong nước thời gian qua.

Lưu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.