Thị trấn Đức giữa lòng Thụy Sĩ

GD&TĐ - Büsingen am Hochrhein là một thị trấn của Đức nhưng được bao quanh hoàn toàn bởi Thụy Sĩ. Vị trí đặc biệt kể trên khiến người dân Büsingen tiếp nhận nhiều nét văn hóa của quốc gia sở tại và có vẻ họ hài lòng về điều này.

Thị trấn xinh đẹp Büsingen am Hochrhein.
Thị trấn xinh đẹp Büsingen am Hochrhein.

Thị trấn đặc biệt

Thị trấn Büsingen có diện tích 7,62km2 với 1.450 dân, sử dụng ngôn ngữ và tiền franc Thụy Sĩ thay vì Euro. Trên thực tế, cho đến cuối những năm 1980, Büsingen thậm chí còn không chấp nhận đồng Mark Đức. Ngay cả bưu điện Büsingen cũng chỉ nhận đồng franc Thụy Sĩ để thanh toán tem Đức.

Mặc dù, trẻ em theo học ở một trường địa phương của Đức, nhưng lên trung học, HS vẫn sang học ở bên kia biên giới. Hầu hết cư dân Büsingen làm việc cho Thụy Sĩ ở các thị trấn gần đó và được trả bằng đồng franc Thụy Sĩ. Điều này giải thích sự ưa thích của người dân thị trấn đối với tiền tệ của nước láng giềng hơn là đồng tiền của chính quốc gia họ. Ngay cả điện mà họ dùng cũng đến từ Thụy Sĩ.

Đáng chú ý nhất, câu lạc bộ bóng đá của thị trấn là đội bóng Đức duy nhất được phép chơi ở giải vô địch quốc gia Thụy Sĩ. Tuy nhiên, người dân ở đây phải trả thuế thu nhập cho nước Đức, bởi vì họ vẫn là công dân Đức.

Có rất nhiều tính hai mặt ở Büsingen. Cư dân có thể chọn giữa hai mã bưu điện và các nhà cung cấp điện thoại từ cả hai quốc gia cạnh tranh với nhau để giành khách hàng. Các công ty bảo hiểm cũng vậy. Người ta có thể tìm thấy cả ổ cắm điện sản xuất ở Đức và Thụy Sĩ trong nhà của mọi người và trong khách sạn.

Ở đây, thậm chí còn có hai lực lượng cảnh sát. Một kẻ gây rối bị bắt ở Büsingen có thể bị xét xử tại tòa án Đức hoặc tòa án Thụy Sĩ, tùy thuộc vào việc cảnh sát nước nào tham gia vào vụ bắt giữ.

Đôi dòng lịch sử

Thị trấn Büsingen nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Thụy Sĩ.
Thị trấn Büsingen nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Thụy Sĩ.

Làm thế nào mà Büsingen lại ở một vị trí kỳ lạ này? Mọi chuyện bắt đầu từ mối thù gia tộc vào năm 1693. Khi đó, Büsingen nằm dưới sự kiểm soát của một lãnh chúa phong kiến ​​người Áo tên là Eberhard Im Thurn. Eberhard thuộc một gia đình theo đạo Tin lành, nhưng sau một cuộc tranh cãi với vị mục sư của thị trấn, ông ta bị buộc tội lén lút theo Công giáo.

Chẳng bao lâu sau, ông bị bắt cóc, giao cho chính quyền Thụy Sĩ ở Schaffhausen, bởi chính những người anh em họ của mình. Eberhard đã trải qua 6 năm trong ngục tối trước khi được đưa trở về Büsingen với thể xác và tinh thần bị suy sụp trầm trọng. Sau đó, Eberhard đã thực sự cải đạo sang Công giáo. Việc bắt cóc và giam cầm lãnh chúa của Büsingen dưới bàn tay của người Thụy Sĩ láng giềng suýt dẫn đến cuộc chiến tranh giữa Áo và Thụy Sĩ.

Vài thập niên sau đó, khi Áo bán những phần lãnh thổ mà họ nắm giữ cho bang Zurich của Thụy Sĩ, họ đã giữ lại Büsingen nhằm gây khó cho đối phương. Vào thế kỷ 19, một số vùng đất của Áo bị sáp nhập vào Đức và Büsingen đã bị nước cộng hòa mới này giành lấy.

Lãnh thổ  không phụ thuộc EU

Người dân có thể chọn giữa hai mã bưu điện và các nhà cung cấp điện thoại từ cả hai quốc gia.
Người dân có thể chọn giữa hai mã bưu điện và các nhà cung cấp điện thoại từ cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, cư dân Büsingen không thích sống dưới quyền của người Đức. Vào năm 1918, họ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để quyết định xem thị trấn muốn trở thành một phần của phe nào. Kết quả có đến 96% cử tri đã bỏ phiếu đồng ý sáp nhập vào Thụy Sĩ, nhưng vì Thụy Sĩ không có vùng đất nào để trao đổi nên nước Đức không chấp nhận việc trưng cầu này và Büsingen vẫn trong tình trạng cũ.

Cuối cùng, vào năm 1967, Büsingen chính thức gia nhập liên minh thuế quan với Thụy Sĩ, khiến địa phương này trở thành lãnh thổ duy nhất của Đức không thuộc Liên minh châu Âu và do đó các quy định kinh tế của EU không được áp dụng ở đây. Điều này đã khiến Büsingen trở thành một thiên đường thuế. Khi cư dân mua hàng hóa ở EU và mang sang Büsingen, họ có thể đòi lại thuế VAT đã trả cho các giao dịch của họ. Các giao dịch mua được thực hiện tại Büsingen phải chịu thuế VAT của Thụy Sĩ, vốn thấp hơn thuế suất của Đức. Cư dân Büsingen cũng không phải trả thuế tài sản.

Tuy nhiên, do thuế thu nhập ở Büsingen cao hơn các thị trấn xung quanh, khiến nhiều người trẻ chuyển từ Büsingen sang Thụy Sĩ làm việc. Nhưng tình hình sẽ đảo ngược, khi một người nghỉ hưu. Những người hưởng lương hưu, giống như ở phần còn lại của Đức, trả ít hoặc không phải trả thuế cho lương hưu của họ, và do đó đối với nhiều người Thụy Sĩ, Büsingen là nơi lý tưởng để nghỉ hưu. Điều này dẫn đến hệ quả là người trẻ thì đến Thụy Sĩ, còn người già thì đến Büsingen khiến dân số thị trấn mỗi ngày mỗi già hơn.

Đối với nhiều người dân Büsingen, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu thị trấn của họ chính thức là một phần của Thụy Sĩ. Nhưng điều đó khó có thể xảy ra. Vì vậy, mọi người luôn làm ra vẻ mình là dân Thụy Sĩ. Họ treo cờ Thụy Sĩ và ăn mừng các lễ hội của Thụy Sĩ.

Khi phóng viên BBC, Larry Bleiberg hỏi Phó Thị trưởng thị trấn về việc Büsingen kỷ niệm Quốc khánh Thụy Sĩ vào ngày 1/8, ông ta giải thích: “Đó là một ngày lễ hấp dẫn ở đây. Cũng là một dịp vui chơi giải trí. Tinh thần và trái tim của chúng tôi là Thụy Sĩ”.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ