Thi tốt nghiệp THPT đợt 2 tại vùng dịch phức tạp: Có thể xem xét đặc cách tốt nghiệp?

GD&TĐ - Trong điều kiện bất khả kháng vì dịch bệnh phức tạp, một số địa phương đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho học sinh chưa thi đợt 1, nếu các em có nguyện vọng. Nhiều ý kiến bày tỏ sự ủng hộ với đề xuất này.

Quyền lợi và nguyện vọng của người học phải được đặt lên hàng đầu và được xem xét kỹ lưỡng. Ảnh minh họa: Thế Đại
Quyền lợi và nguyện vọng của người học phải được đặt lên hàng đầu và được xem xét kỹ lưỡng. Ảnh minh họa: Thế Đại

Xét theo trường hợp “việc đột xuất đặc biệt”

Ngày 21/7, trong văn bản trình UBND TP Hồ Chí Minh, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất xét đặc cách tốt nghiệp cho hơn 3.200 thí sinh do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, không thể thi đợt 2 vào ngày 6 - 7/8. Căn cứ được Sở GD&ĐT đưa ra là điều 37 của Quy chế thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, 2 trường hợp có thể đặc cách gồm:

Thí sinh bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày, hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi; thí sinh bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một bài thi và không thể dự thi, hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi một số bài thi còn lại. Trường hợp cụ thể theo đề xuất của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh là đặc cách theo điều kiện “có việc đột xuất đặc biệt”.

Dù hiện là điểm nóng về dịch bệnh, nhưng TP Hồ Chí Minh không phải địa phương có số lượng thí sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 lớn nhất nước. Vị trí này thuộc về An Giang với tổng số 4.921 thí sinh đăng ký dự thi đợt 2 (4.913 thí sinh tại An Giang chưa thi đợt 1 do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và 8 thí sinh các tỉnh khác gửi về).

Dự kiến tổ chức thi đợt 2 tại An Giang đã được lên phương án. Theo đó, tỉnh này tổ chức 12 điểm thi với 220 phòng thi tại 5 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp, đề xuất đặc cách tốt nghiệp THPT cũng được An Giang đề cập, nhưng không phải cho toàn bộ thí sinh thi đợt 2 như TP Hồ Chí Minh.

“Tại hội nghị trực tuyến báo cáo tình hình công tác kiểm tra thi do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 19/7/2021, Sở GD&ĐT An Giang đã đề xuất với Bộ GD&ĐT xem xét cho phép thí sinh thuộc diện F1, F2 và các thí sinh trong khu vực giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nếu có nguyện vọng thì được xét đặc cách khi đủ điều kiện về học lực và hạnh kiểm trong đợt 2 lần này.

Dự báo, tình hình tại An Giang, nếu được địa phương kiểm soát như hiện nay thì khả năng số học sinh tự nguyện xin xét đặc cách cũng chỉ ở một tỷ lệ nhất định. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn hiện nay, và Bộ GD&ĐT cho chủ trương xét đặc cách như đề xuất, đồng thời có giải pháp bảo đảm một số quyền lợi khác trong xét tuyển sinh, tôi nghĩ rằng học sinh và cha mẹ học sinh sẽ ủng hộ”- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Nguyễn Quốc Khanh chia sẻ.

Đồng Tháp là địa phương có số thí sinh dự thi đợt 2 lớn thứ 2 cả nước với 4.685 thí sinh. Ông Bùi Quý Khiêm, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT cho biết: Chiều 21/7, Chủ tịch UBND tỉnh đã làm việc với Sở GD&ĐT và các sở ngành liên quan về việc tổ chức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Tại buổi làm việc, Sở GD&ĐT đã đề xuất 2 phương án tổ chức kỳ thi: Trong điều kiện tỉnh không còn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 15 và 16; Trong điều kiện còn thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 ở một số xã, phường hay một số huyện.

Ngành Giáo dục luôn chủ động trong công tác bảo đảm an toàn phòng dịch trong dạy và học. Ảnh minh họa: Thế Đại
Ngành Giáo dục luôn chủ động trong công tác bảo đảm an toàn phòng dịch trong dạy và học. Ảnh minh họa: Thế Đại        

Giải pháp hỗ trợ học sinh trong dịch bệnh

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cho rằng: Đề xuất của TP Hồ Chí Minh là phù hợp. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP Hồ Chí Minh, việc tổ chức thi khó bảo đảm an toàn. Không chỉ TP Hồ Chí Minh mà 19 địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nếu có đề xuất, cũng có thể cho học sinh các tỉnh này được xét đặc cách tốt nghiệp.

“Quy định tại quy chế thi tốt nghiệp THPT có trường hợp được xét đặc cách là: Bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt trước ngày thi không quá 10 ngày hoặc ngay trong buổi thi đầu tiên, không thể dự thi. Trường hợp nói trên chính là “việc đột xuất đặc biệt”, nên học sinh được xét đặc cách là phù hợp với quy định của quy chế” - ông Đặng Tự Ân phân tích.

Liên quan đến xét tuyển với những thí sinh có nhu cầu vào đại học, theo ông Đặng Tự Ân, thực hiện quyền tự chủ, các cơ sở giáo dục đại học có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau ngoài việc căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT. Do đó, số lượng thí sinh có nhu cầu điểm thi để xét tuyển sẽ không nhiều. Với đối tượng này, Bộ GD&ĐT có thể có ý kiến để ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh tổ chức đánh giá năng lực trực tuyến cho học sinh, từ đó có thêm căn cứ để các em xét tuyển vào đại học.

Là hiệu trưởng trường THPT có 235 học sinh dự thi đợt 2, thầy Nguyễn Đức Hồng, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên cho rằng: "Việc xét đặc cách đối với thí sinh ở các địa phương dịch bệnh quá phức tạp, không thể tổ chức thi tốt nghiệp THPT đợt 2 cũng là giải pháp để hỗ trợ các em bị thiệt thòi trong vùng dịch. Tuy nhiên, với những học sinh khá giỏi, có nguyện vọng vào đại học, nhất là trường tốp cao chắc chắn mong mỏi có cách nào đó để có cơ sở xét tuyển.

Nếu trường đại học có nhiều lần tuyển sinh trong 1 năm, sẽ tạo điều kiện cho các thí sinh xét tuyển mà không cần phải chờ đến mùa tuyển sinh sau. Tôi cũng được biết, 2 ĐHQG có tổ chức bài thi đánh giá năng lực. Nếu học sinh được tạo điều kiện tham gia kỳ thi này và lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học mình mong muốn sẽ là một hỗ trợ tuyệt vời với các em” - thầy Nguyễn Đức Hồng cho hay.

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ, đồng quan điểm khi cho rằng, do tình hình dịch bệnh phức tạp, học sinh chưa thể thi lần 1, nếu có nguyên vọng, nên được tạo điều kiện xét đặc cách tốt nghiệp theo quy chế. Để bảo đảm quyền lợi của các em xét tuyển, trường đại học, cao đẳng có thể điều chỉnh phương án tuyển sinh cho phù hợp.

“Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT tham khảo các địa phương và khảo sát ý kiến của học sinh về phương thức tổ chức kỳ thi, có thể đề nghị Bộ GD&ĐT cho thực hiện đặc cách nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, sớm tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định. Việc khảo sát đang được Sở GD&ĐT tiến hành” - ông Bùi Quý Khiêm thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ