Việc phát hiện ra 71 xác chết ở Bihar làm dấy lên lo ngại rằng virus đang hoành hành ở vùng nội địa nông thôn rộng lớn của Ấn Độ - nơi 2/3 người dân sinh sống.
Người dân địa phương nói với hãng tin AFP rằng người dân thả các thi thể xuống sông vì họ không đủ tiền mua gỗ cho các lễ hỏa táng truyền thống của người Hindu hoặc vì các lò hỏa táng đã quá tải.
Hôm qua (12/5), người phụ trách Tài nguyên nước của bang Bihar, ông Sanjay Kumar, cho biết một chiếc lưới đã được giăng ra trên sông và công tác tuần tra tại đây đã giăng lên. Ông nói rằng chính quyền bang “đau đớn trước thảm kịch cũng như những ảnh hưởng đối với sông Hằng”.
Báo chí cho biết có tới 25 thi thể đã được vớt lên ở quận Gahmar của Uttah Pradesh.
Chỉ vài ngày sau khi thi thể nạn nhân bị nghi là mắc Covid-19 được phát hiện trôi trên sông Hằng ở Bihar, có thông tin cho biết về việc nhiều thi thể được tìm thấy bị chôn vùi trong cát tại 2 địa điểm bên con sông ở quận Unnao của Uttar Pradesh.
Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu chính quyền các bang của nước này điều tra về hành vi thả trôi người bệnh tử vong do mắc COVID-19 trên sông Hằng, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang vật lộn trong làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Những hình ảnh chụp từ điện thoại di động cho thấy nhiều thi thể bị chôn vùi và có người dân địa phương đang trông coi.
Người theo đạo Hindu coi sông Hằng là dòng sông linh thiêng nhất nhưng việc chôn xác hay thả xác chết ở dòng sông này không thuộc bất kỳ truyền thống của tôn giáo nào, kể cả đạo Hindu. Người dân địa phương tin rằng tình trạng thiếu gỗ làm giàn thiêu trong khi số người chết tăng mạnh có thể là nguyên nhân dẫn đến sự việc này.
Hôm qua, Ấn Độ lập kỷ lục mới với 4.205 ca tử vong trong 24 giờ, nâng tổng số người chết lên 254.197 người. Số ca mắc tăng gần 350.000 ca lên 23,3 triệu ca, cao thứ 2 thế giới sau Mỹ.