Thí sinh U60 vượt 100 km đi thi: Chiếc túi ni-lon đựng ước mơ đỗ tốt nghiệp

GD&TĐ - Chưa hết ấn tượng và nể phục thí sinh Mai Kim Thiều, 54 tuổi vẫn tự tin dự thi THPT quốc gia thì chúng được biết đến một trường hợp cũng không kém phần đặc biệt, đó là thí sinh K’Koi (51 tuổi), dự thi tại điểm Trường THPT Phạm Văn Đồng (Đắk R’lấp).

Chiếc túi ni-lon đựng ước mơ đỗ tốt nghiệp của thí sinh K’Koi, 51 tuổi.
Chiếc túi ni-lon đựng ước mơ đỗ tốt nghiệp của thí sinh K’Koi, 51 tuổi.

Chúng tôi gặp K’Koi khi ông tham gia môn thi cuối cùng của kỳ thi là Tổ hợp các môn xã hội. Dáng người nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn làm che bớt cái tuổi U60 của ông.

Khuôn mặt không quá lo lắng, K’Koi vừa mở túi bóng màu vàng đã bị nhàu, đựng đồ dự thi kiểm tra những vật dụng được mang vào phòng thi vừa vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi.

K’Koi có phần vui vì những môn trước mặc dù khó nhưng ông đã hoàn thành được ở mức cần thiết.

K’Koi ở thôn 2, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) nhưng trước đây do chưa có lớp học phù hợp nên ông đăng ký học bổ túc văn hóa ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Đắk R’lấp.

Ông đăng ký khóa học cuối tuần để không ảnh hưởng nhiều đến công việc nương rẫy. Dù đi học xa nhưng ông vẫn kiên trì học 3 năm nay.

K’Koi kể lại, trước đây ông từng được bà con tín nhiệm làm Chủ tịch mặt trận xã. Vì uy tín nên K’Koi được tin tưởng, triển khai hoạt động gì cũng được bà con nghe và làm theo.

Khi còn trẻ một phần do khó khăn, một phần không hiểu được tầm quan trọng của việc học nên ông chỉ học đến lớp 9 thì bỏ giữa chừng. Trong quá trình tham gia cùng chính quyền xã triển khai các hoạt động tuyên truyền ông mới thấy những hạn chế của mình.

K’Koi trước giờ vào phòng thi cùng các thí sinh khác.

K’Koi trước giờ vào phòng thi cùng các thí sinh khác.

Ông tâm sự: “Chỗ dân mình sống bà con còn nghèo lắm, rất cần thay đổi tư duy để làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều người lớn còn mù chữ nên khó khăn trong giao dịch nhưng lại rất ngại đi học chữ.

Một số bố mẹ chưa mấy quan tâm đến việc học tập của con cái nên tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn. Tôi quyết định học nâng cao trình độ một phần để bà con hiểu được tầm quan trọng của “con chữ”, một phần có thể nâng cao sự hiểu biết để có thể tuyên truyền cho bà con tốt hơn”.

K’Koi hiện đã có một cháu ngoại. Hai con gái của ông một người tốt nghiệp sư phạm mầm non, một người tốt nghiệp sư phạm tiểu học.

Thấy bố chăm chỉ học hành, các con ông cũng vui và tự hào. Người dân trong bon thì gần như quen với hình ảnh K’Koi khăn gói đi học cuối tuần.

K’Koi kể, hàng tuần ông phải đi học cách xa 100km. Vất vả nhất là những ngày mưa gió và những lúc kinh tế gia đình khó khăn. Cũng có đôi lúc ông suy nghĩ đến việc bỏ giữa chừng nhưng những lúc ấy lại được các đồng chí trong Đảng ủy xã động viên, K’Koi lại tiếp tục đến trường và càng quyết tâm hơn.

Những thí sinh cùng phòng với K’Koi cho biết, ông đi thi rất đúng giờ, làm bài rất nghiêm túc, tận dụng hết quỹ thời gian để làm bài.

Có thể thấy, kỳ thi THPT quốc gia 2019 tại Đắk Nông đã để lại những ấn tượng đẹp khi xuất hiện hình ảnh những người lớn tuổi vẫn tự tin dự thi. Đây cũng là kết quả khả quan từ việc đẩy mạnh phong trào “xã hội học tập” của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...