Thí sinh tự tin với đề Toán
Theo thầy Lê Bá Việt Hùng – Phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Phú Thọ - đề thi tham khảo môn Toán có 30 câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chiếm tỉ lệ 60% tổng số câu hỏi; 20 câu ở mức độ vận dụng và vận dụng cao, chiếm tỉ lệ 40% tổng số câu hỏi. Mỗi câu hỏi đều thuộc loại câu trắc nghiệm 4 lựa chọn, trong đó chỉ có 1 lựa chọn đúng.
Tất cả các câu hỏi trong đề đều đảm bảo tính chính xác khoa học và có nội dung thuộc phần chung của Chương trình môn Toán lớp 12 hệ THPT và Chương trình môn Toán lớp 12 hệ GDTX hiện hành, không vi phạm các nội dung giảm tải. Các câu hỏi trong đề đã được biên soạn đảm bảo đề cập hết các đơn vị kiến thức HS cần biết, các kĩ năng HS cần có theo yêu cầu của phần chương trình nêu trên. Điều đó góp phần khắc phục tình trạng học “tủ”, học lệch trong quá trình học tập, cũng như trong quá trình ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi, giúp giáo viên và HS tập dượt, làm quen với định dạng câu hỏi để tiếp tục giảng dạy, ôn luyện.
Theo thầy Hùng, điểm mới về hình thức ở đề thi tham khảo môn Toán lần này là sự sắp xếp thứ tự các câu hỏi. Các câu được xếp theo nhóm các câu hỏi từ dễ đến khó theo bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cách sắp xếp như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh khi làm bài. Chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản, các thí sinh có thể nhanh chóng hoàn thành 30 câu hỏi đầu tiên. Điều này tạo tâm lý tự tin và cũng giúp các em có một chiến thuật hợp lý trong quá trình phân chia thời gian cho từng phần một cách tương đối tùy theo trình độ của mình; Trong khuôn khổ của các câu hỏi trắc nghiệm, các câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao được biên soạn nhằm đảm bảo có thể phân hóa trình độ, năng lực của người dự thi ở mức tối đa cho phép, cũng như đảm bảo chỉ HS có năng lực học tập từ thực sự khá trở lên ở môn Toán có thể đạt điểm tối đa.
Đồng thời với đó, trong đề, cùng với các câu hỏi kiểm tra kiến thức và các kĩ năng cơ bản, có một số câu hỏi nhằm mục đích kiểm tra năng lực vận dụng liên kết các kiến thức và kĩ năng lý thuyết với nhau vào việc giải quyết các vấn đề, các tình huống toán học không đơn giản, không giống hoặc không tương tự các tình huống đã được luyện tập trên lớp, hoặc đã có trong SGK, sách bài tập. Các bài toán đó có thể gặp phải trong thực tiễn cuộc sống, cũng như trong việc học tập các môn học khác. Điều này có thể góp phần khắc phục tính hàn lâm, khô cứng trong việc giảng dạy và học tập môn Toán trong nhà trường phổ thông, giúp việc giảng dạy và học tập môn Toán trong nhà trường phổ thông trở nên sinh động, thiết thực hơn.
Đề có 7 câu ở mức độ vận dụng cao đều đảm bảo tính phân hóa và yêu cầu tư duy ở mức linh hoạt, thông minh, phản ứng nhanh nhưng không nặng về tính toán biến đổi nhiều. Ngoài ra đều có những cách hỏi hợp lý để tránh tình trạng thí sinh quá phụ thuộc vào việc sử dụng máy tính cầm tay, nhằm đảm bảo yêu cầu phân hóa ở mức độ tốt nhất có thể. Với việc sắp xếp các câu hỏi theo 4 mức độ từ dễ đến khó, khi nhìn vào đề, thí sinh có cảm giác “dễ chịu” hơn, tạo sự thoải mái, tự tin và thuận lợi ngay từ đầu trong quá trình làm bài thi.
Tính phân hóa rõ ràng
Với đề tham khảo bài thi Ngữ văn, cô Lương Thanh Mai – Trường THPT Thăng Long (TP Hà Nội) cũng có cùng ý kiến trên đây với thầy Hùng về cấu trúc đề lần này. Đề tham khảo đáp ứng rõ ràng 4 mức độ từ dễ đến khó, nâng cao một cách rõ ràng.
Cô Mai cho rằng, đề có mức độ phân hóa tốt. Điểm cao ít xuất hiện khi phần phân hóa trong đề rất rõ ràng, đòi hỏi HS phải có nắm chắc kiến thức Văn học, lập luận chặt chẽ, hành văn lôi cuốn…
Đối với bài thi Khoa học tự nhiên, môn thi thành phần Sinh học, cô Lê Thị Trâm - Giáo viên môn Sinh (Trường THPT Quế Võ 1, tỉnh Bắc Ninh) - cho rằng: Hình thức sắp xếp các câu hỏi trong đề tương đối theo thứ tự từ dễ đến khó thuận tiện cho học sinh làm bài. Tất cả các câu hỏi trong đề đều đảm báo tính chính xác khoa học có nội dung thuộc phần chung của chương trình môn sinh lớp 12 hệ THPT không nằm ngoài các nội dung giảm tải. Các câu hỏi trong đề đã được biên soạn đảm bảo đề cập hết các đơn vị kiến thức học sinh cần biết. Điều đó góp phần giúp giáo viên và học sinh tập dượt làm quen với dạng câu hỏi để tiếp tục giảng dạy ôn luyện.