Thí sinh Thanh Hóa nuối tiếc vì điểm xét tuyển 'chạm trần'

GD&TĐ - Năm nay, nhiều trường đại học (ĐH) công bố điểm trúng tuyển cao "chót vót", khiến nhiều thí sinh lẫn phụ huynh ở Thanh Hóa rất tiếc nuối.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đạt 9 điểm mỗi môn vẫn trượt đại học

Đạt 28,25 điểm ở tổ hợp khối C00, nếu cộng cả điểm ưu tiên, Trương Mai Hương (cựu học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa) có tổng số điểm là 31. Để xét tuyển vào Trường ĐH Công an Nhân dân, Hương cũng tham gia bài thi đánh giá năng lực theo quy định.

Tuy nhiên, sau thời gian dài chờ đợi điểm chuẩn, nữ sinh người dân tộc Mường “sốc” vì thiếu 0,42 điểm. “Được theo học ở Trường ĐH Công an Nhân dân là mơ ước của em từ ngày còn bé, vì vậy em rất tiếc nuối do chỉ thiếu 0,42 điểm. Hiện tại, em đã xét tuyển nguyện vọng 2 vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và đã trúng tuyển”, Hương bộc bạch.

Tương tự, em Nguyễn Thùy Linh, cựu học sinh Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) cũng rất hụt hẫng vì thiếu 0,7 điểm để trúng tuyển vào khoa Sư phạm Tiểu học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thùy Linh đạt tổng điểm 27,33 điểm ở tổ hợp khối C00, nếu cộng cả điểm ưu tiên, nữ sinh xứ Thanh đạt 27,83 điểm. Tuy nhiên, Linh vẫn trượt nguyện vọng 1 dù đạt trên 9 điểm mỗi môn.

“Em rất buồn và hụt hẫng, vì Sư phạm là ngành học em mơ ước từ năm lớp 10. Hiện, em đã xét tuyển vào khoa Sư phạm Tiểu học, Đại học Sư phạm Vinh. Theo quan điểm của em, năm nay nhiều trường lấy điểm chuẩn khá cao, nguyên nhân một phần có thể vì đề dễ và có nhiều thí sinh xuất sắc”, Thùy Linh chia sẻ.

Nhiều thí sinh nuối tiếc vì dù điểm khá cao nhưng vẫn không đủ vào nguyện vọng 1. Ảnh minh họa.

Nhiều thí sinh nuối tiếc vì dù điểm khá cao nhưng vẫn không đủ vào nguyện vọng 1. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, em Nguyễn Thị Như Quỳnh, cựu học sinh Trường THPT Triệu Sơn 4 (Triệu Sơn, Thanh Hóa) không quá bất ngờ khi trượt nguyện vọng 1 vào khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dù đạt 28 điểm ở tổ hợp C00.

“Em thiếu 0,5 điểm để được vào ngành học mà em mơ ước, song ngành em lựa chọn cũng là ngành có điểm chuẩn cao những năm qua, nên em cũng không bất ngờ. Hiện, em đã trúng tuyển nguyện vọng 2 vào Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Em dự kiến ít ngày tới sẽ ra Hà Nội nhập học”, Quỳnh bộc bạch.

Ông Hoàng Văn Sơn, ở TP Thanh Hóa có con gái năm nay xét tuyển vào đại học, tâm sự: “Con gái tôi năm nay đăng ký xét tuyển theo nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng không đạt, cháu đành chuyển sang nguyện vọng 2. Với mức điểm xét tuyển vào các trường ĐH ngày càng cao như vậy, khiến học sinh có những áp lực và căng thẳng trong học tập.

Chúng tôi mong rằng, những năm về sau, cần có giải pháp nào đó, để giảm áp lực về “con điểm” cho học sinh. Bởi, điểm xét tuyển vào các trường ĐH mà cứ cao chót vót như vậy, thì quả là điều áp lực cho toàn xã hội, chứ không riêng gì học sinh”.

Trường ĐH địa phương cũng lấy điểm cao “ngất ngưỡng”

Năm nay, Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) công bố điểm trúng tuyển vào hai ngành đào tạo chất lượng cao của trường này lên tới 39,92 điểm (thang điểm 40). Trong khi đó, ngành Sư phạm Lịch sử cũng có mức điểm trúng tuyển lên đến 29,75.

Theo đó, ngày 15/9 vừa qua, Trường ĐH Hồng Đức công bố điểm trúng tuyển đại học hệ chính quy năm 2022 theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Các ngành khối sư phạm tiếp tục là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều thí sinh, với mức điểm trúng tuyển cao “chót vót”.

Trong đó, 3 ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất của Trường ĐH Hồng Đức, gồm: Đại học Sư phạm Ngữ văn chất lượng cao; Đại học Sư phạm Lịch sử chất lượng cao 39,92 điểm và Đại học Sư phạm Toán học chất lượng cao 35,43 điểm (thang điểm 40).

Việc áp dụng thang điểm 40 (1 môn nhân hệ số 2), nhằm giúp trường tuyển sinh được những sinh viên có năng lực, sở trường đối với từng ngành học.

Cùng với đó, một ngành không thuộc hệ đào tạo chất lượng cao là sư phạm Lịch sử, thì Trường ĐH Hồng Đức cũng lấy tới 29,75 điểm (thang điểm 30). Các ngành sư phạm Ngữ Văn; sư phạm Địa lý cũng đều có mức điểm trúng tuyển trên 27 điểm.

Trong khi đó, các ngành sư phạm khối khoa học tự nhiên có mức điểm trúng tuyển từ 18 đến trên 24 điểm. Ngành thấp nhất có mức điểm trúng tuyển là Đại học Kiểm toán, với mức chỉ cần 15 điểm.

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).

Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa).

Đây không phải là lần đầu tiên Trường ĐH Hồng Đức có mức điểm trúng tuyển cao thuộc top đầu cả nước. Bởi, trước đó (năm 2021), các ngành đạo tạo sư phạm chất lượng cao, như: Ngữ Văn, Lịch sử đều có mức điểm trúng tuyển trên 30 điểm (thang điểm 30, bao gồm cả điểm ưu tiên).

Trước việc một số ngành của Trường ĐH Hồng Đức xét điểm trúng tuyển cao “chót vót” như trên, theo đại diện nhà trường lý giải, là: Nhà trường đang đào tạo 3 ngành sư phạm chất lượng cao theo đề án của tỉnh Thanh Hóa. Thí sinh xét tuyển vào những ngành này môn chính được nhân hệ số gấp đôi.

Lý do điểm số ngành sư phạm chất lượng cao lại cao như thế vì, điểm hiện nay được tính theo hệ số 4, có nghĩa môn chủ chốt của ngành đó được nhân đôi. Do đó, tổng điểm xét về mặt cơ học là 3 môn của 1 tổ hợp thành 4 môn của một tổ hợp, vì thế mới có thang điểm 40.

Cũng theo đại diện Trường ĐH Hồng Đức, năm 2022 quy chế của Bộ GD&ĐT vẫn đang áp dụng việc cộng điểm ưu tiên như những năm trước, nên có thí sinh khi cộng ưu tiên và nhân đôi, thì tổng điểm còn vượt hơn 40 điểm.

Bên cạnh đó, các ngành đào tạo chất lượng cao của tỉnh có nhiều ưu tiên (được miễn học phí; được cấp kinh phí 3.630.000 đồng/tháng, không quá 10 tháng/năm) nên nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Trong khi đó, mỗi ngành đào tạo chất lượng cao lại tuyển rất ít (20 thí sinh/ngành), nên điểm trúng tuyển vào những ngành này cao.

Trường ĐH Hồng Đức là trường đại học trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, trường này đào tạo 31 ngành nghề có trình độ đại học. Năm học 2022, trường được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh 2.490 chỉ tiêu, trong đó có 1.160 chỉ tiêu sư phạm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ