(GD&TĐ)-Đó là mục tiêu mà Bộ Tài chính yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện nhằm triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012.
Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh (ảnh MH) |
Theo đó, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện việc triển khai, tuyên truyền phổ biến, phát động phong trào thi đua tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm đến từng cán bộ, công nhân viên trong doanh nghiệp, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành sản xuất kinh doanh năm 2012.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch giá thành 2012, rà soát các định mức kinh tế kỹ thuật; xác định biện pháp, mức tiết giảm cho phí để đạt được mục tiêu tiết giảm 5%-10% chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước cần đăng ký biện pháp, mức tiết giảm cụ thể với cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ quản lý, ngành, UBND tỉnh), Bộ Tài chính trước ngày 31/3/2012.
Cuối năm kế toán đề nghị các Tập đoàn, Tổng công ty báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thực hiện chỉ tiêu tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Ban lãnh đạo điều hành các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
Bộ Tài chính cũng khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý, giảm giá thành sản phẩm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2012 như sau: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6% - 6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 11% - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu, trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10% tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách phấn đấu dưới 4,8% GDP; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội khoảng 33,5% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị khoảng 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 46%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng dưới 16,6 %; số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 21,5 giường. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 70%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 41%.
7 nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 : (1) Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; (2) Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh; (3) Nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ.; (4) Bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; (5) Tăng cường phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; (6) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường phòng chống tham nhũng; (7) Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. |
Tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 3/1/2012 , giải pháp Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng được cụ thể như sau:
a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
b) Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện kiên quyết và đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa, tăng cường tính công khai, minh bạch; phối hợp với Bộ Công an xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy định bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng.
c) Bộ Công an chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, điều tra và phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng; nghiên cứu đề xuất các biện pháp để nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng.
d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan rà soát lại các quy định cụ thể trong quản lý để phòng chống nham nhũng trong hệ thống ngân hàng.
đ) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, tập trung giải quyết hiệu quả các khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự và những vấn đề phát sinh trong hoạt động thi hành án dân sự.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương xây dựng chương trình tuyên truyền, vận động, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả trong nhận thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng gắn với việc thực hiện “Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. .
Hải MInh