Thi đánh giá năng lực: Cơ hội cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội, Kỳ thi đánh giá năng lực cho thí sinh đặc cách tốt nghiệp THPT dự kiến tổ chức vào các ngày 15 – 16/9.

Thí sinh tham dự thi Kỳ thi ĐGNL, đợt 1 năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội
Thí sinh tham dự thi Kỳ thi ĐGNL, đợt 1 năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Thời gian dự phòng ngày 22 - 23/9 nếu Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội.

Phương án linh hoạt

- ĐH Quốc gia Hà Nội thông báo thời gian dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) cho thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT. GS có thể chia sẻ rõ hơn về kế hoạch này?

- Năm 2021 chúng tôi xây dựng nhiều đợt thi ĐGNL. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số đợt thi phải dừng lại. Khi hết giãn cách, kỳ thi sẽ trở lại bình thường. Mục đích của kỳ thi ĐGNL chủ yếu là phục vụ công tác tuyển sinh. Ngoài ra, để phục vụ các mục tiêu khác, chúng tôi tiếp tục tổ chức đợt thi tiếp theo trong các tháng 9, 10, thậm chí cả tháng 11, 12 năm nay.

Với những thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không thể tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 do dịch Covid và các em sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp, thì có thể tham gia kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức. Trên cơ sở kết quả của kỳ thi này, thí sinh sẽ có cơ hội xét tuyển vào những trường đại học và ngành đào tạo mà các em mong muốn.

- Vậy phương án tổ chức Kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ được triển khai như thế nào?

- Đối với 2 ĐH Quốc gia được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi ĐGNL cho thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT để các em có điểm thi, làm căn cứ xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới. Về phía ĐH Quốc gia Hà Nội, chúng tôi đã xây dựng kịch bản, phương án chi tiết để tổ chức kỳ thi này.

Cụ thể, khi TP Hà Nội và các tỉnh, thành có thí sinh dự thi hết thời hạn giãn cách xã hội, chúng tôi sẽ căn cứ vào số lượng thí sinh của từng địa phương để xem xét có đủ xây dựng một điểm thi, phòng thi hay không. Nếu như đủ điều kiện, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Khảo thí sẽ đến tỉnh, thành đó để tổ chức kỳ thi ĐGNL cho thí sinh. Thời gian thi có thể là nhiều ngày, nhiều đợt và kết quả thi sẽ được công bố sau khi kết thúc kỳ thi. Giấy chứng nhận kết quả thi sẽ cung cấp sau 1 tuần dự thi, để các em kịp thời xét tuyển đợt bổ sung trong tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội

Dự báo điểm chuẩn sẽ tăng

- Ngoài những hoạt động chung với toàn ngành, ĐH Quốc gia Hà Nội có kế hoạch riêng để xét tuyển những thí sinh thuộc diện đặc cách hay không, thưa GS?

- Theo Đề án tuyển sinh của các trường đại học thành viên, khoa trực thuộc của ĐH Quốc gia Hà Nội, hầu hết vẫn dựa vào 5 nguồn xét tuyển là: Xét tuyển thẳng; xét tuyển ĐGNL; xét tuyển bằng tiếng Anh; xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế và xét tuyển bằng kết quả tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thời điểm này chưa xét tuyển bằng kết quả thi THPT, trừ một số chương trình đào tạo liên kết quốc tế hoặc chương trình đặc thù.

Hiện các trường đã nhận được văn bản chỉ đạo và đang cân nhắc xem xét những ngành, chương trình đào tạo nào có thể bổ sung phương án xét tuyển bằng kết quả thi THPT. Nếu như các trường không đề xuất phương án xét tuyển dựa vào kết quả học bạ, thì kết quả kỳ thi ĐGNL sẽ là phương án chủ yếu để xét tuyển đối với những thí sinh được đặc cách tốt nghiệp trong năm 2021.

- ĐH Quốc gia Hà Nội vừa công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hệ đại học chính quy - năm 2021, GS có bình luận gì về “điểm sàn” này?

- Nhận định chung về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các ngành đào tạo bậc đại học năm 2021 có một số thay đổi so với năm 2020. Ngưỡng điểm nhận hồ sơ của các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, kinh tế, ngoại ngữ, luật học… tăng 1,0 điểm so với năm trước; các ngành đào tạo của khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ hầu như không thay đổi so với năm 2020.

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào được đưa ra dựa trên phổ điểm thi tốt nghiệp hàng năm và chuẩn đầu vào của mỗi chương trình đào tạo. Thí sinh đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào có thể theo học chương trình đào tạo đó. Tuy nhiên, điểm chuẩn sẽ cao hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, đặc biệt đối với các ngành có điểm chuẩn trên 21,0 điểm.

- GS có dự đoán gì về điểm chuẩn của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2021?

- Điểm chuẩn trúng tuyển còn phụ thuộc vào sự điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Qua kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của từng môn học, các khối và tổ hợp xét tuyển, tôi nhận định: Nếu như năm 2020, dải điểm chuẩn dưới 26 điểm thì năm nay có khả năng tăng từ 1 - 1,5 điểm; còn đối với dải điểm trên 27,5 điểm, khả năng tăng rất thấp. Với tổ hợp A01 (Toán - Lý - Anh) hoặc D01 (Toán - Văn - Anh), nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ tăng 1,5 điểm. Các tổ hợp A00, B00, C00 có thể tăng nhưng dao động từ 0,5 đến 1 điểm. Những ngành đào tạo có điểm chuẩn từ 18 - 22 điểm sẽ nhích lên khoảng 1 điểm, còn dải điểm từ 22 - 26 điểm sẽ tăng khoảng 1 đến 1,5 điểm.

- Xin cảm ơn GS!

Theo thông báo của ĐH Quốc gia Hà Nội, thí sinh đặc cách tốt nghiệp đăng ký dự thi ĐGNL bằng hình thức trực tuyến, từ 8 giờ ngày 18/8 đến 17 giờ ngày 30/8 trên trang web của Trung tâm Khảo thí; đồng thời gửi email minh chứng được đặc cách tốt nghiệp năm 2021 về hòm thư điện tử: khaothi@vnu.edu.vn. Trung tâm kiểm tra hồ sơ hợp lệ và công bố thông tin dự thi của thí sinh trước 17 giờ ngày 5/9. Các cơ sở giáo dục đại học sử dụng kết quả thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội xét tuyển thí sinh diện đặc cách tốt nghiệp (nếu có) gửi danh sách thí sinh dự thi về Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội (bản mềm gửi về khaothi@vnu.edu.vn) trước 17 giờ 00 ngày 6/9/2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ