Nhân chuyến nghỉ hè, theo hẹn, đúng 7h00 một ngày cuối tháng 6/2017, chúng tôi xuất phát từ thành phố Đà Nẵng để theo bước chân của nhóm thiện nguyện “vì trẻ em vùng cao” lên thăm, tặng quà các em nhỏ tại xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam các thôn bản ở đây 100% là đồng bào dân tộc Ca Tu sinh sống.
Nhiều năm nay, mặc dù được chính quyền địa phương từ huyện đến xã quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ, nhưng các thôn bản trong xã vẫn bị cái nghèo đeo bám.
Nguyên nhân chủ yếu bởi nhận thức của bà con còn hạn chế, phong tục tập quán chưa hoàn toàn thay đổi, phần vì khó khăn về đất đai canh tác, cuộc sống chủ yếu dựa vào vài rẫy nương trồng ngô, sắn.
Cuộc sống khó khăn, các em nhỏ trong các thôn bản của xã phải chịu khổ cực để giúp bố mẹ bươn chải cuộc sống từ khi còn rất nhỏ, ngoài giờ học trên lớp, các em phải lo trông em, phụ giúp mọi việc nhà… do đó, sức học của các em luôn bị hạn chế so với nhiều điểm trường khác trên địa bàn.
Trong chuyến tình nguyện lần này ở xã Ba, điều làm chúng tôi suy nghĩ, cảm động nhất là hoàn cảnh gia đình của chị Y Rất Hơn, mẹ của cháu A Sua, lớp mẫu giáo 5 tuổi. Gia đình chị Hơn luôn bị đói đứt bữa lúc giáp hạt hằng năm. Thời điểm này, khi những rẫy ngô của gia đình và bà con trong thôn mới chỉ đang đến thời kỳ vun gốc thì gia đình chị đã bị đói đứt bữa.
Hôm chúng tôi đến, hai chị em Sua được ăn bánh kẹo của nhóm khi đã rất đói. Chị Hơn, mẹ hai cháu cho hay: Nhà không còn gạo, hai chị em không có thứ gì ăn sáng. Cũng chỉ vì gia đình quá nghèo nên khi con bị đau, không có tiền đi chữa trị, bố mẹ vào rừng kiếm thuốc nam về uống nên bệnh tình không thuyên giảm.
Là một người ở thành phố nhưng có nhiều chuyến đi cứu trợ lên các xã và trường vùng cao, nên tận mắt thấy những hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi của nhiều trẻ em vùng cao, với mong muốn làm một điều gì đó để giúp các em nhỏ, chị Lê Thị Hồng đã kêu gọi thành lập nhóm tình nguyện “Vì trẻ em vùng cao” với mục đích tổ chức các hoạt động từ thiện tự nguyện, đóng góp ủng hộ đồ dùng học tập, quần áo, bánh kẹo… cho các em.
Chị Hồng chia sẻ: “Công việc không to tát nhưng cần tấm lòng nhân ái và sự sẻ chia của nhiều người. Vì vậy, chúng tôi đều gắng sức để góp thành món quà tặng cho các em vùng cao. Thời gian qua, không chỉ tặng quà, các thành viên trong nhóm còn giúp đỡ làm hàng rào, nhà vệ sinh cho cô trò một số điểm trường đặc biệt khó khăn.
Tận mắt chứng kiến điều kiện học hành của các em nhỏ, mỗi thành viên trong nhóm càng thêm quyết tâm sẽ hoạt động tích cực hơn để giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Thời gian tới, nhóm dự định sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá rộng hơn nhằm thu hút thêm thành viên tham gia và được nhiều cá nhân, tập thể có lòng hảo tâm cùng chung góp sức.
Được thành lập tháng 5/2012, từ đó đến nay mỗi ngày thứ bảy cuối tháng, nhóm lại tổ chức một chuyến lên vùng cao thăm, tặng quà cho trẻ em. Trong nhóm tình nguyện có đủ các thành phần: Giáo viên, học sinh, sinh viên, công chức, viên chức Nhà nước, người buôn bán...
Được biết, mặc dù mới chỉ bước vào hoạt động trong khoảng thời gian ngắn, nhưng nhóm cũng đã nhận được sự hưởng ứng từ nhiều cá nhân có lòng hảo tâm trong và ngoài thành phố Đà Nẵng. Điều đó đã tiếp thêm sức mạnh để nhóm thiện nguyện có điều kiện hoạt động, giúp trẻ em vùng cao bớt thiệt thòi và nâng bước cho các em tới trường.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo viên trường Trung học phổ thông huyện Hòa Vang một trong những thành viên của nhóm thiện nguyện tâm sự: Mặc dù chưa giúp đỡ được cho nhiều trẻ em như mong muốn, nhưng qua mỗi chuyến đi tình nguyện, nhìn thấy các em hớn hở mỗi khi nhận được những quyển sách vở, chiếc quần áo, lòng tôi cảm thấy vui, ấm áp vì chính bản thân mình đã làm được một việc rất có ý nghĩa cho xã hội.
Xúc động và bày tỏ với đoàn, Anh A Song Khi, một phụ huynh cho biết: Đồng bào Ca Tu xã Ba còn quá nghèo, cảm ơn đoàn đã mang những món quà ý nghĩa này đến cho các cháu. Chúng tôi là những người làm cha, làm mẹ, hứa sẽ cố gắng vượt qua những khó khăn, cho các cháu được đến lớp học con chữ để sau này không còn cảnh đói nghèo như bố mẹ của nó.
Nhiều thôn bản ở 06 huyện miền núi vùng cao tỉnh Quảng Nam đồng bào các tộc người còn gặp rất nhiều khó khăn đang chờ những bước chân của các nhóm tình nguyện “Vì trẻ em vùng cao”.
Mong rằng trong thời gian tới, công tác nhân đạo, từ thiện như mô hình này sẽ được ngày càng nhân rộng, góp phần xã hội hóa công tác an sinh xã hội, cùng hành động để trẻ em ở các huyện miền núi vùng cao tỉnh Quảng Nam nói riêng và đồng bào các tộc người ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa cả nước Việt Nam chúng ta nói chung rất cần những tấm lòng hảo tâm để các em bớt đi sự khó khăn, thiệt thòi.