Phép cộng của những yêu thương

GD&TĐ - Người làm phép cộng này là một người vốn dân chuyên toán, học kỹ thuật Bách khoa, nhưng giờ lại kinh doanh và làm thơ. Anh không dám nhận mình làm từ thiện, bởi anh nghĩ “từ tâm” chỉ dành riêng cho các vị Bồ tát, La hán…Đơn giản là làm thiện nguyện, tự nguyện làm việc thiện. Và tất cả những người đến với anh cũng với cái tâm như vậy, tạo thành nhóm thiện nguyện mang tên “NHỮNG SỐ HẠNG YÊU THƯƠNG”. 

Phép cộng của những yêu thương
Phép cộng của những yêu thương ảnh 1Phép cộng của những yêu thương ảnh 2Phép cộng của những yêu thương ảnh 3Phép cộng của những yêu thương ảnh 4Phép cộng của những yêu thương ảnh 5Phép cộng của những yêu thương ảnh 6Phép cộng của những yêu thương ảnh 7Phép cộng của những yêu thương ảnh 8Phép cộng của những yêu thương ảnh 9Phép cộng của những yêu thương ảnh 10

Dù lớn, dù nhỏ, tất cả cộng lại, đã thành một tổng số đôi khi anh vẫn tưởng mình đang mơ. Giấc mơ giản dị của cô trò mầm non vùng cao.

1 - Đi tìm trọng điểm

Ý tưởng đã có rồi, nhưng có cách nào để tạo ra hiệu quả cao hơn với số tiền có hạn, lại không đảm bảo sẽ có đều đặn thường xuyên? Hiệu quả cao thể hiện ở những khía cạnh nào? Câu trả lời anh tự tìm ra cho mình là: hãy hướng tới số đông, hãy tạo ra sự thay đổi, phát triển bền vững. “Và vì thế, tôi hướng tới trẻ em vùng cao. Sau khi xem xét các chính sách của nhà nước đối với trẻ mầm non, với học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở vùng cao, tôi quyết định chọn trẻ mầm non làm đối tượng trọng tâm để hỗ trợ” – Hoàng Liên Sơn chia sẻ.

-Nhưng vùng cao thì mênh mông lắm. Và làm thế nào để tránh dẫm lại bước chân của các đoàn thiện nguyện đã đi trước?–Tôi hỏi.

Hoàng Liên Sơn kể luôn về quá trình anh đi tìm trọng điểm, cả đối tượng hỗ trợ và việc gây dựng niềm tin.

-Tôi liên lạc với tỉnh đoàn Hà Giang, đề nghị giới thiệu giúp huyện nào, xã nào chưa có nhiều dấu chân thiện nguyện. Từ đó mà về với trường mầm non của xã Cốc Rế, huyện Xín Mần. Nơi này đường sá đi lại khó khăn. Chuyến tiền trạm của tôi, xe gầm cao máy khỏe mà cũng mấy phen phải xuống xe đi bộ để giảm tải cho xe đi qua những chỗ cua tay áo và chạm gầm. 

Trên đường đi tiền trạm, qua mạng xã hội đã có những com-men dặn dò: anh ơi cứ phải trao trực tiếp nhé, đừng tin tưởng mà gửi gắm qua tổ chức hay cá nhân nào nhé! Trực tiếp thì trao cho ai, cho phụ huynh học sinh ư? Liệu rồi bà con có phân chia hợp lý để bữa nào trẻ cũng có thức ăn không hay lại no dồn đói góp?

Than ôi, vì sao mà chúng ta trở nên khó có niềm tin với nhau thế? Niềm tin không phải là cái tự nhiên có, lại cũng không phải là cái “nhất thành bất biến”. Nếu cùng có ý thức xây dựng và vun đắp thường xuyên, thì nó sẽ tồn tại bền vững thôi mà.

Và thế là tôi đề xuất với nhà trường, chúng ta cần ký với nhau một văn bản thỏa thuận hẳn hoi mang tính ràng buộc đối với cả bên tài trợ và bên được tài trợ. Bên được tài trợ thì cam kết sử dụng đúng mục đích là mua và chế biến thức ăn bữa trưa cho trẻ trong những ngày tới lớp, không để thất thoát. Bên tài trợ phải cố gắng hết sức để giữ đúng giá trị, tiến độ và khoảng thời gian tài trợ của mình.Thêm nữa là việc sử dụng quĩ phải đặt dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, của giáo viên và phụ huynh học sinh.

Xong rồi, lại nghĩ, liệu như thế này có tạo ra tâm lý ỷ lại của bà con không? Thế là lại đề xuất, bà con sẽ cùng đóng góp một chút vào chương trình. Và sau từng năm thì sẽ tăng dần lên, thay thế dần cho nguồn lực từ các nhà tài trợ. Khi họ đã chung tay, thì sẽ hình thành ý thức về tầm quan trọng của giáo dục, sẽ không còn bắt con nghỉ học giữa chừng để ở nhà lấy chồng hay cưới vợ nữa.

Rất may, nhờ mạng xã hội mà các nhà hảo tâm đã theo dõi và ủng hộ. Và chỉ sau hơn một tháng ra lời kêu gọi, nhóm NHỮNG SỐ HẠNG YÊU THƯƠNG chúng tôi đã quyên được đủ tiền tài trợ theo chương trình cho năm đầu tiên, là 120 triệu đồng. Họ đã ủng hộ một cách làm thiện nguyện mới, có chiều sâu hơn, và lâu dài hơn, căn cơ hơn. Kết quả của phép cộng này là 220 trẻ mầm non Cốc Rế có thức ăn tươi hơn cho từng bữa trưa ở trường, và trong niềm vui đến trường có một phần là được ăn ngon.

2 - Hành trình không có điểm dừng

Mục tiêu ban đầu tưởng chừng không dễ đạt được, đã vượt qua. Nhưng rồi lại hàng loạt những câu chuyện về khó khăn chất ngất ở vùng cao. Những tưởng cơm suông đã là khó nhằn lắm rồi, nhưng thực ra còn có nhiều nơi chỉ 20% trẻ em được ăn cơm, còn lại ăn ngô suông, còn gọi là mèn mén. Anh Sơn lại liên lạc với huyện đoàn Mèo Vạc, cũng để tìm ra nơi khó khăn nhất, đồng thời phải ít dấu chân những đoàn thiện nguyện đã đi qua, phải càng xa những điểm du lịch càng tốt! Câu trả lời là: Thế thì đến vùng biên, thế thì Sơn Vĩ!

Câu chuyện của người làm phép cộng yêu thương lại tiếp tục:

“Qua mạng internet, tôi đã thấy những hình ảnh Sơn Vĩ bị cô lập với bên ngoài khi có sạt lở đất. Người ta chỉ có thể ra vào xã bằng cách dắt bộ từng cái xe máy qua đống đất khổng lồ chắn ngang con đường nhựa huyết mạch.

Tôi liên lạc được với cô Mua Thị Cáy, hiệu trưởng của mầm non Sơn Vĩ. Và tôi nhận được những thông tin, hình ảnh cụ thể của học sinh ở các điểm trường. Nhiều nhà hảo tâm đã hưởng ứng lời kêu gọi của tôi, gửi cho các em bé dép, mũ, quần áo. Tuy nhiên, tôi sửng sốt vì những món đồ ấy cần cả tuần để đi từ huyện vào được đến xã, rồi lại mất vài hôm để đi từ xã vào điểm trường, bởi hầu như các cô giáo đều cắm bản cả tuần.

Thế là nguyện ước thêm thức ăn vào suất mèn mén buổi trưa của các em bé không thành! Các cô giáo không thể hàng ngày vượt qua quãng đường hơn chục cây số cả đi xe máy và đi bộ để mang thức ăn về điểm chế biến được. Mà để qua ngày thì tủ lạnh không có. Nếu có cũng không dùng được vì chỉ mới 5 trong số 20 điểm trường có điện.

Cứ vậy mà bỏ đi ư? Mà để bọn trẻ Mé Lầu B cùng cô giáo học tập trong một cái chòi dựng bởi bốn cái cọc, dựa vào một bức tường đổ dở và che bởi mấy tấm bao dứa ư? Sao đành nhỉ? Sao có thể để bọn trẻ chịu cảnh hoặc tối mò hoặc lạnh cóng và học vẹt (vì chưa hiểu) những bài hát bằng tiếng Việt, thứ tiếng đối với chúng gần như là ngoại ngữ? Sao có thể để Góc Nghệ Thuật của các em là một góc tường đổ dở dù cũng đủ hình ảnh hoa lá chim muông?

Để nhà trường đợi ngân sách nhà nước cấp rồi dựng lớp học ư? Đợi 5 hay 10 năm hay bao nhiêu năm nữa, khi mà xã xin cấp vốn hơn 200 tỷ cho kế hoạch 5 năm, nhưng huyện chỉ duyệt cho được khoảng 15 tỷ và tiền đó phải ưu tiên cho đường giao thông liên thôn cả rồi.

Chờ nhân dân ư? Họ nghèo đã đành, họ cũng chẳng mấy mặn mà với việc học của con, có người còn kệ cho chó sủa khi cán bộ đến nhà vận động cho trẻ đi học thay vì lên nương.

Và thế là lại kêu gọi, lại chung tay, lại đem tất cả những tập sách quí, những kỷ vật vô giá của đời làm thơ từ thuở tóc xanh tới khi đầu bạc của bản thân và bạn bè trong nhóm ra đấu giá để góp nhặt dựng trường.

Sức mạnh của tình yêu thương, của những số hạng yêu thương khi đã tin tưởng và tìm về bên nhau, xếp hàng cạnh nhau thực sự gây ngạc nhiên: ban đầu tôi chỉ dám đặt chỉ tiêu quyên tiền trong ba tháng để dựng một điểm trường, thì sau đó là được hai điểm trường chỉ trong một tháng rưỡi: Mé Lầu B và Trù Sán, nghĩa là gấp bốn lần chỉ tiêu ban đầu.

Và những điểm trường nguy cấp cần được hỗ trợ ở Mèo Vạc vẫn còn nhan nhản đó chờ các đoàn thiện nguyện đến sau, ở ngay xã Sơn Vĩ là Xín Chải và Lũng Lình.

Dẫu sao, hãy cứ tận hưởng niềm vui có hai công trình trong mơ, như là hiện thân của văn minh, của ánh sáng tri thức, và là tiêu điểm rực rỡ của từng thôn bản đã sắp mọc lên, chào đón Tết nguyên đán Đinh Dậu. 

Hà Nội, những ngày ấm lạnh cùng Mèo Vạc

Tháng 12/2016

Nguyễn Thị Trâm

Xin được giới thiệu hai bài thơ của  nhà thơ Hoàng Liên Sơn trong hành trình đi làm “phép cộng yêu thương”.

CÔ GIÁO VÙNG CAO VÀ CƠN MƯA
Thấy mây đen sẫm dần
Cô vội vàng mang ra sân thùng xô chậu
Chẳng bao lâu từng thứ một đầy
Cô lôi nốt cả nồi xoong bát...
Cô chợt ước
Mọi thứ trong nhà đều mang dáng khum khum

Cô hân hoan
Bởi thoát phải làm trọng tài cho các bộ phận trên cùng cơ thể
Bình bầu nhau gì tắm gì không

Cô đã tắm kỹ rồi mưa vẫn chứa chan
Nên đứng mãi ngoài sân khum bàn tay xót tiếc
Ước chi mưa dừng tạm
Rồi một mai khi thùng cạn lại mưa

Cô ngửa cổ lên trời
Nhưng không để nước chảy vào trong họng
Mà chỉ lan man trên khô khát lâu ngày

Cô giặt giũ liên miên
Chột dạ thấy mưa như bắt đầu thưa hạt
Những tấm chăn chỉ mới giặt khô bằng phơi và đập
Những áo trắng tinh sắp ngả sang hồng

Cô tiếc nuối nhìn nước chảy tràn lan
Thành dòng rồi dốc tuột về sông Nho Quế
Nơi mà cô không thể
Ngày một lần xuống gánh nước lên

Cô cay đắng ước
Đến một ngày có bể chứa to hơn
Những em bé mầm non mà váy hoa đã ngả sắc cháo lòng
Cả tháng không cần xách đến lớp từng chai

Những em bé đã giữ cô ở đây 
Dù không nguôi nhớ chồng con và… nước!

BỠ NGỠ  
Trường đã được nhà chức trách xây xong
Mưa gió thôi lùa tự do từ bốn phía.

Cảm ơn các em đã chào chúng tôi nhưng chú ý
Vấp chân là đổ mất túi cơm
Cô giáo sẽ làm mẫu
Lần đầu trút sang cặp lồng.

Đây áo mưa
Trong ngày không mưa ta mặc thử
Bác cúi người bấm cúc cho em.

Đây đôi dép không phải để ôm hay cắp nách
Hãy đặt xuống sân
Anh khom lưng xỏ giúp
Đôi chân bám chắc mảnh địa đầu.

Còn đây là mũ và tất nữa
Đông về
Em có thể thở đều trong khí núi căm căm.

Bánh trung thu chị mời bằng hai tay
Em thử một trong hai vị nhé
Vị còn lại đành khất đến năm sau.

Đừng bỏ học
Thìa thức ăn phần em sẽ buồn
Hãy trưởng thành và cho chúng tôi được thấy
Những đổi thay ở các em do các em
Thiên nhiên có thể làm chậm chân nhưng không thể cản đường.

Hãy học chăm
Để lớn lên biết bọc ngô vào túi ni-lon chống mọt
Lúc nhức răng không đổ tại ma gà
Ru con bằng thơ chỉ khi đã đủ hai mươi tuổi
Đám cưới sẽ không linh đình lãng phí
Và không còn
Lễ chạm ngõ xí phần từ thuở lên ba.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-16 Mỹ mang theo hai quả bom B61-12.

Hiện đại hóa B61-12 để làm gì?

GD&TĐ - Tờ Politico dẫn nguồn tin quân sự Mỹ tiết lộ, bom hạt nhân B61-12 đã nâng cấp được triển khai đến các căn cứ NATO ở châu Âu từ cuối năm 2022.