Cùng với đó là những tín hiệu vui từ thị trường khi trái cây Việt Nam từng bước chinh phục được những thị trường khó tính. Đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh ngành Nông nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng như hiện nay.
Rộng cửa với trái cây Việt
Theo Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu rau quả đang có chiều hướng tăng nhanh sang các thị trường “khó tính”.
Trong 9 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng hơn 130% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng nói, xuất khẩu trái cây tăng mạnh khi vươn tới một loạt các thị trường tiềm năng như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada…
Đặc biệt, người sản xuất trái cây trong nước vừa đón nhận thêm tin vui khi đầu tháng 9 trái xoài tươi được phép nhập khẩu vào Australia.
Đây là kết quả sau 9 năm đàm phán với Australia. Theo đại diện Cục Trồng trọt, trước khi đàm phán, phía đối tác Australia đã tiến hành kiểm tra quy trình cũng như các điều kiện để xoài Việt Nam được cấp phép vào thị trường nước này...
Trước đó, đầu tháng 8, phía Australia chuyển giao công nghệ bảo quản để phía Việt Nam thực hiện thử nghiệm. Công nghệ bảo quản này đang được áp dụng để bảo đảm xoài vào thị trường Australia không tồn dư chất độc hại.
Quá trình xuất khẩu xoài được tiến hành theo đường hàng không và đường biển. Với đường hàng không, mỗi ngày có 2 tấn hàng được xuất đi sau đó bán tại các siêu thị ở Australia. Còn quả xoài xuất khẩu qua đường biển mỗi ngày là 1 container (khoảng 16 tấn)...
Đại diện Cục Trồng trọt cũng cho biết, theo tính toán, hiện nay toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 288.000ha cây ăn quả các loại, cho sản lượng mỗi năm hơn 3,18 triệu tấn quả để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Một trong những điểm quan trọng thúc đẩy trái cây Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng tiến xa là sản phẩm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu. Nếu được khai thác tốt, trái cây hoàn toàn có thể trở thành mặt hàng chính, hiệu quả cao trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới...
Cần chú trọng xây dựng thương hiệu
Mặc dù, xuất khẩu trái cây đang có nhiều tín hiệu khả quan và liên tục tăng trưởng, song phần lớn các loại quả đều tiêu thụ dưới dạng quả chín, tươi sau khi thu hoạch; việc chế biến, phơi sấy, đóng hộp, nước ép, bảo quản nhiều ngày mới ở giai đoạn đầu và chiếm tỷ lệ nhỏ. Thị trường tiêu thụ trái cây chủ yếu ở trong nước, chiếm từ 85 đến 90% tổng sản lượng sản xuất, xuất khẩu mới chiếm từ 10 đến 15%.
Để tận dụng tốt cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu trái cây, yêu cầu quan trọng trong thời gian tới vẫn là không ngừng nâng cao chất lượng, tăng cường sản xuất nhiều sản phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường có nhiều tiềm năng.
Việc các thị trường lớn, khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đồng ý cho nhập khẩu một số loại trái cây Việt Nam đã phần nào khẳng định chất lượng của trái cây Việt.
Tuy nhiên, để duy trì và mở rộng thị trường cần phải quy hoạch vùng sản xuất trái cây xuất khẩu và xây dựng khung chất lượng bảo đảm các tiêu chí.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong hội nhập sâu, nhất là khi triển khai Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), lộ trình thuế suất giảm dần cũng đồng nghĩa với việc các rào cản kỹ thuật như điều kiện kiểm dịch, an toàn thực phẩm sẽ tăng lên. Bởi vậy các doanh nghiệp (DN) cần phải quan tâm đến chất lượng.
Được biết về lâu dài, Bộ NN&PTNT cũng sẽ chú trọng phát triển 12 loại trái cây chủ lực gồm: Thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, bưởi, nhãn, chuối, dứa, cam, mãng cầu và quýt; tổng diện tích cây ăn quả chủ lực trồng tập trung dự kiến đến năm 2020 là 257.000 ha, chiếm 52% tổng diện tích quy hoạch cây ăn trái ở Nam Bộ, trong đó vùng ĐBSCL hơn 185.000ha, vùng Đông Nam Bộ 72.000 ha.
Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng sẽ phấn đấu, ít nhất 50% sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GAP để có thể xuất khẩu. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng xuất khẩu trái cây, Nhà nước cần tạo điều kiện tốt hơn cho DN hợp tác với nhóm sản xuất DN sẽ là chủ lực trong liên kết), có cơ chế phù hợp để mang lại lợi ích cao nhất cho người sản xuất. Đặc biệt, không thể bỏ qua việc xây dựng thương hiệu để trái cây Việt có thể đứng vững ở những thị trường nhiều cạnh tranh...