Theo quy chế hiện hành, có 2 đối tượng được miễn bài thi ngoại ngữ là: Thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Thí sinh đủ điều kiện đăng ký miễn thi ngoại ngữ được tính 10 điểm cho bài thi này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nếu không đăng ký sử dụng quyền được miễn thi bài thi ngoại ngữ thì phải dự thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT như thí sinh không được miễn thi.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT (áp dụng cho năm 2024) đã bổ sung quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi, thay vì để tại Hướng dẫn tổ chức thi như trước đây. Các loại chứng chỉ được phép quy đổi, theo dự thảo, cũng mở rộng hơn so với năm 2023.
Như với môn Tiếng Anh, năm 2023 chỉ có các chứng chỉ được công nhận gồm: TOEFL ITP (yêu cầu tối thiểu 450 điểm), TOEFL iBT (yêu cầu tối thiểu 45 điểm) và IELTS (yêu cầu tối thiểu 4.0 điểm). Năm 2024, ngoài các chứng chỉ trên, môn Tiếng Anh còn bổ sung thêm: B1 Preliminary/ B1 Business Preliminary/ B1 Linguaskill; TOEIC; Aptis ESOL B1; PEARSON PTE B1; Chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam bậc 3. Trong đó, với chứng chỉ TOEIC, thí sinh cần đạt kỹ năng nghe từ 275 - 399 điểm, kỹ năng đọc từ 275 - 384, kỹ năng nói từ 120 - 159, kỹ năng viết từ 120 - 149 điểm.
Việc cập nhật thêm chứng chỉ là phù hợp và cần thiết để bảo đảm quyền lợi cũng như mở rộng cơ hội chính đáng cho người học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bộ GD&ĐT thống kê có 46.670 em đăng ký miễn thi bài thi ngoại ngữ, chiếm 4,55% tổng số thí sinh. Trong số này, có 16.133 thí sinh Hà Nội, 10.020 thí sinh TPHCM.
Liên quan đến số điểm tối thiểu thí sinh cần đạt của mỗi chứng chỉ để xét miễn thi tốt nghiệp THPT, việc quy đổi từ 4.0 IELTS thành điểm 10 tốt nghiệp môn Ngoại ngữ từng có ý kiến trái chiều. Nhiều giáo viên, chuyên gia khẳng định mức quy đổi này có căn cứ, dựa theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam; nhưng cũng có người cho rằng điểm quy đổi chưa phù hợp, thiếu công bằng bởi để đạt được điểm 10 bài thi ngoại ngữ tốt nghiệp THPT không dễ dàng.
Để làm rõ điều này, cần phân biệt điểm có được từ quy đổi chứng chỉ và từ làm bài thi tốt nghiệp THPT. Cùng là điểm 10 nhưng giá trị sử dụng khác nhau. Điểm 10 quy đổi từ chứng chỉ có tác dụng duy nhất để xét tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, bằng tốt nghiệp THPT không ghi xếp loại nên thường thí sinh chỉ cần điểm ngoại ngữ trên trung bình, nếu không sử dụng kết quả thi môn này trong xét tuyển đại học, cao đẳng.
Bởi vậy, có lẽ sẽ không thí sinh nào mất thời gian ôn luyện với khoản kinh phí khá lớn chỉ lấy 4.0 điểm IELTS để được miễn thi. Thường thí sinh đã chủ ý đầu tư chứng chỉ ngoại ngữ luôn phấn đấu đạt từ 6,0 - 6,5 điểm IELTS trở lên nhằm tăng lợi thế xét tuyển đại học. Thậm chí, học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ ở mức điểm cao vẫn đăng ký thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ, vì có trường đại học chỉ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà không quy đổi tương đương chứng chỉ.
Có thể nói, quy định chứng chỉ ngoại ngữ được sử dụng để miễn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là cần thiết, khích lệ thí sinh, góp phần thúc đẩy dạy - học ngoại ngữ, đúng với chủ trương tạo điều kiện tối đa cho người học. Tuy nhiên, người học cần hiểu đúng, phân biệt được điểm xét tốt nghiệp và tuyển đại học để có quyết định phù hợp.