Thẻ xanh, thẻ vàng Covid-19 có cần thiết?

GD&TĐ - Để được cấp thẻ xanh Covid-19, người dân cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ít nhất 2 tuần hoặc có chứng nhận nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc cấp thẻ xanh không thực sự cần thiết.

Người dân cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ít nhất 2 tuần để được cấp thẻ xanh. Ảnh: HCDC.
Người dân cần tiêm đủ 2 mũi vắc-xin ít nhất 2 tuần để được cấp thẻ xanh. Ảnh: HCDC.

F0 khỏi bệnh cần có giấy chứng nhận

TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam đang nghiên cứu cơ chế cấp “thẻ xanh Covid-19” hoặc “thẻ vàng Covid-19”. Qua đó, tạo điều kiện cho một số nhóm an toàn được mở rộng các hoạt động theo tinh thần “an toàn đến đâu mở rộng đến đó”.

Trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, địa phương sẽ có thẻ xanh, vàng, đỏ và được cập nhật tự động. Tuy nhiên, không phải ai cũng tiếp cận được công nghệ. Do đó, thành phố sẽ tìm thêm cách khác và tham vấn chuyên gia để tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo quyền lợi như nhau.

Dự kiến, một trong những tiêu chí quan trọng để có “thẻ xanh Covid-19” là người dân đã tiêm 2 mũi vắc-xin được ít nhất 2 tuần. TP Hồ Chí Minh cũng tính toán quy định thẻ vàng Covid-19 với người đã tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh. Sau 2 tuần từ thời điểm tiêm mũi 2, cơ thể bắt đầu sinh đủ kháng thể để bảo vệ.

Tối ngày 15/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, thành phố đang dự thảo thí điểm áp dụng “thẻ xanh Covid-19”. Theo HCDC, để có chứng nhận nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh, người từng nhiễm (F0) phải được xác nhận bằng một trong các loại giấy chứng nhận như giấy xuất viện, giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn.

Với các F0 tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà không có giấy xác nhận hoàn thành cách ly của ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã, thị trấn, cần có giấy xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố/tổ nhân dân hoặc của các tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà.

Tổ y tế chăm sóc F0 tại nhà bao gồm do các trường đại học y khoa, do các tổ chức thiện nguyện (ATM oxy, các tình nguyện viên là các bác sĩ nghỉ hưu...) đảm trách.

“Theo quy định của Bộ Y tế, người có tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng. Các trường hợp mắc Covid-19 khỏi bệnh đã có kháng thể tự nhiên bảo vệ cơ thể trong một khoảng thời gian.

Do đó, để bảo đảm an toàn cho bản thân, các trường hợp không thể xác nhận đã mắc Covid-19 cần phải tiêm vắc-xin. Dù đã tiêm vắc-xin vẫn phải tuân thủ phòng bệnh theo nguyên tắc 5K”, HCDC thông tin.

Ý kiến trái chiều

Tính đến hết ngày 14/9, TP Hồ Chí Minh đã tiêm thêm được 135.846 người. Tính đến hết ngày 14/9, thành phố đã tiêm được 8.452.609 mũi, trong đó có 6.667.591 mũi 1 và 1.785.018 mũi 2.

TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) cho biết, hiện nay, nhiều nơi ở Việt Nam đang có kế hoạch cấp “thẻ xanh Covid-19” cho những người đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin và người đã khỏi bệnh Covid-19 một cách tự nhiên. Song, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp thẻ gặp khó khăn đối với những người tự điều trị ở nhà, tự khỏi và chưa khai báo chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, TS Vũ nhận định, việc xác định những người này không khó. Bởi, sau khi bị nhiễm bệnh, lượng “kháng thể” kháng virus trong máu những người này tồn tại rất lâu (ít nhất là hơn nửa năm).

Do đó, việc “xét nghiệm kháng thể” để xác định người đã nhiễm bệnh (dù chưa khai báo) là chuyện không khó và không tốn kém nhiều. Khi đó, thành phố có thể thực hiện nhanh chóng và tạo điều kiện cấp thẻ xanh Covid-19 vì những người này đã an toàn.

Trong khi đó, Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) dẫn chứng, Australia không áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng. Quốc gia này có một chứng chỉ điện tử đã tiêm đủ 2 liều vắc-xin. Anh, Mỹ, Canada cũng áp dụng tương tự. Chuyên gia này cho rằng, việc sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng tại Việt Nam là không cần thiết.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, thay vì sử dụng thẻ xanh, thẻ vàng, có thể áp dụng một giấy chứng nhận là đã được tiêm 1 hay 2 liều vắc-xin. Tuy nhiên, phương pháp này nên sử dụng trong tình huống hiện nay, thay vì lâu dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ