Hình ảnh đồ họa của các văn nhân thời kỳ Thơ mới hay thời kỳ cách mạng được nhóm Nhã Tự thiết kế và in ấn đầy ấn tượng. Những sáng tạo này không chỉ là một dự án văn chương đơn thuần, mà còn là nguồn cảm hứng để mỗi người tiếp cận văn học theo cách hiện đại.
Người trẻ yêu văn học
Những người sáng lập Nhã Tự cho hay, tất cả lợi nhuận từ việc bán thẻ văn nhân sẽ đóng góp cho Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ và Lớp học tình thương Ngọc Việt tại TPHCM. Đó là cách để những người trẻ yêu văn học mong muốn, để không chỉ khơi dậy tình yêu văn học, mà còn giúp cho đời thêm phần nhân văn.
Những chiếc thẻ văn nhân, chính xác hơn là “cạc bo góc” (photocard), đang được rất nhiều người trẻ ở TPHCM sưu tầm bởi sự nhỏ gọn, xinh xắn. Tuy nhiên ít ai biết, những chiếc thẻ văn nhân ấy lại do những người rất trẻ thực hiện - hội tụ trong một dự án mang tên Nhã Tự.
Nhã Tự là dự án văn học được thành lập bởi một số học sinh THPT ở TPHCM, với mong muốn lan tỏa vẻ đẹp của văn chương. Đồng thời, khơi dậy tình yêu văn học trong lòng người trẻ hiện nay.
Sứ mệnh mà Nhã Tự đem đến không chỉ để bảo tồn, lưu giữ, lan tỏa những giá trị của văn chương mà còn để chung tay đóng góp cho cộng đồng thông qua các họat động như talk show, gây quỹ. Những họat động cao đẹp ấy giúp mang lại cuộc sống tốt đẹp, cũng như thêm một cơ hội giáo dục bình đẳng cho những học sinh kém may mắn.
Đồng sáng lập Nhã Tự là hai bạn trẻ Trần Thượng Triều và Châu Thị Thanh Hiền, đều sinh năm 2004 - cựu học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Hai bạn trẻ cùng học lớp chuyên văn, chung trường từ những năm học THCS và cùng chung chí hướng tình yêu với văn học.
Thượng Triều từng đoạt giải Khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn, còn Thanh Hiền đoạt giải Nhất học sinh giỏi cấp thành phố - trước khi rời ghế trường THPT. Hiện, hai bạn đang là sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM.
Hai bạn trẻ từng rất tủi thân khi một số bạn bè coi văn học chỉ là môn phụ. Một số cho rằng, văn học không giúp ích cho sự nghiệp cũng như con đường tiến thân. “Vì một số lý do đó, chúng em muốn mọi người hiểu rằng văn học cũng quan trọng chẳng kém bất cứ môn học nào. Sau đó, bọn em nảy ra ý tưởng làm sao để lan tỏa vẻ đẹp của văn chương cũng như khơi dậy tình yêu văn học trong mỗi người trẻ”, Thanh Hiền cho biết.
“Vạn sự khởi đầu nan” nhưng rồi những khó khăn vất vả dần được khắc phục. Được sự động viên, cố vấn của thầy cô trong trường cùng những ý tưởng tuyệt vời mà dự án Nhã Tự được ra đời.
Tháng 1/2022 là khoảng thời gian đánh dấu sự khai sinh của dự án. Cho đến nay, dù mới được 10 tháng, nhưng các hoạt động trên fanpage của nhóm đã thu hút đông đảo người trẻ theo dõi tương tác.
Cuộc đời văn nhân trên chiếc thẻ nhỏ
Hình ảnh và trích đoạn văn chương của nhà văn Vũ Trọng Phụng. |
Thượng Triều và Thanh Hiền cho hay, “Nhã” là sự trang nhã, thanh cao và cũng chính là vẻ đẹp của văn chương. “Tự” là từ là chữ, chất liệu chính tạo nên các tác phẩm văn học. Đồng thời, cũng nói đến quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ - một quá trình tự thân và ý nghĩa. Nhã Tự nhằm chỉ đến những con chữ đẹp đẽ làm nên những trang văn, những thiên tiểu thuyết để lại cho muôn đời.
Một trong những hình ảnh đầu tiên mà nhóm Nhã Tự đưa ra với công chúng chính là “dáng hình của Tết trong văn học Việt”. Đó là hoa đào, thầy đồ viết chữ, mùi bánh chưng với những câu thơ đầy ý nhị: Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn/ Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông.
Thế rồi tiếp mạch nguồn của Tết là văn chương, được ví tấm gương soi chiếu toàn vẹn hiện thực cuộc đời đầy sắc màu và sống động. Dù mỏi mòn mong Tết với chiếc bánh chưng, nhưng người trẻ cũng chẳng quên đến sự trớ trêu của Tết với hình ảnh “ngựa người” lang thang trên phố.
Cho đến nay, Nhã Tự đã cho ra hàng chục series thẻ văn nhân với hình ảnh và nội dung mang tinh thần trẻ trung, năng động. Với những thi nhân phong trào Thơ mới, như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên hay Bích Khê. Nhã Tự cho rằng một “Trường thơ Loạn” đã xuất hiện như khoảng không riêng biệt, tách hẳn ra một lối khác. Siêu thực, tượng trưng, huyền ảo.
Ngoài hình ảnh đồ họa cơ bản về chân dung văn nhân, tên, năm sinh, năm mất… Những chiếc thẻ còn trình bày các câu nói, trích đoạn hay một vài dòng thơ ấn tượng gắn liền với tên tuổi người nghệ sĩ.
Để hoàn thành một chiếc thẻ văn nhân, ngoài sự am hiểu sâu và kỹ về văn nghệ sĩ, những người thực hiện dự án Nhã Tự còn phải có một cái nhìn tổng thể về con người và sự nghiệp của một nhà văn. Vì thế, trên một chiếc thẻ nhỏ, để bạn đọc hiểu và yêu thích văn chương là cả một bí quyết gói ghém tri thức không hề dễ dàng.
“Mỗi nhà văn có đặc trưng không thể trộn lẫn. Vì thế từ màu sắc chiếc thẻ, cho đến việc chọn một câu nói - một câu thơ là không đơn giản. Vì thế nhóm đã phải chọn lựa, bàn thảo rất kỹ trước khi hoàn thiện in ấn. Giúp người trẻ tiếp cận văn chương theo cách mới, trẻ trung về hình thức nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần văn học và giá trị tích cực là nguyên tắc của nhóm”, đại diện Nhã Tự cho hay.
Ngoài giới thiệu những tác giả của văn học nước nhà, dự án Nhã Tự cũng dự kiến có thể lồng ghép được những tác phẩm văn học nổi tiếng hoặc các trào lưu văn học Việt Nam vào những chiếc thẻ văn nhân.
Cùng truyền tải văn hóa trên những chiếc thẻ nhỏ, năm 2021 tại TPHCM, Nguyễn Phương Vy - sinh viên chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM hoàn thành dự án mang tên “Bội Tự” - nghệ thuật hát Bội thể hiện thông qua con chữ. Nhóm Đại Việt kỳ nhân cũng cho ra mắt hình ảnh đồ họa về các vị anh hùng dân tộc, thu hút đông đảo người trẻ quan tâm.